Tòa án Nga bác đơn kháng cáo của thủ lĩnh phe chống Tổng thống Putin - Alexei Navalny để chống lại án tù.
Alexei Navalny (44 tuổi) trước đó đã kháng cáo quyết định của tòa án quận Simonovsky tại thủ đô Moscow, Nga về việc việc chuyển 3 năm rưỡi tù treo với ông, liên quan đến vụ án gian lận thương mại vào năm 2014, thành tù giam.
Theo Reuters, tòa án phúc thẩm Nga đã bác đơn kháng cáo của Alexei Navalny trong phiên xét xử diễn ra hôm nay (20.2).
Trừ đi thời gian Navalny bị quản thúc tại gia trong quá trình điều tra vụ án cách đây 7 năm, mức án tại phiên xét xử lần trước có nghĩa là Navalny sẽ phải ngồi tù 2 năm 8 tháng. Thẩm phán đã giảm 6 tuần khỏi bản án này và với quyết định mới nhất, Navalny sẽ phải ngồi tù 2 năm 6 tháng rưỡi.
Theo hãng thông tấn TASS, Navalny sẽ thụ án tại một nhà tù có mức độ an ninh trung bình.
Năm 2014, Navalny bị tòa tuyên phạt mức án 3,5 năm tù treo cùng 5 năm bị quản chế do dính líu đến hành vi tham ô, gian lận thương mại. Navalny thời gian qua có nghĩa vụ xuất hiện tại văn phòng cơ quan thi hành án hai lần mỗi tháng theo lịch mà cơ quan này yêu cầu. Tuy nhiên, Navalny đã 6 lần không ra trình diện đúng hạn trong năm 2020 vào tháng 1, 2, 3, 6 và 8. Cơ quan thi hành án Nga đã đệ đơn tới tòa và đề nghị chuyển án phạt tù treo của Navalny thành tù giam.
Lãnh đạo phe đối lập - Navalny đã bị giam giữ hôm 2.2 sau khi trở về Nga từ Đức, nơi ông được điều trị vì vụ tấn công bằng chất độc thần kinh trên chuyến bay ở Siberia và suýt chết.
Navalny đã đổ lỗi cho Tổng thống Vladimir Putin về vụ tấn đầu độc và nói rằng những cáo buộc chống lại ông là bịa đặt.
Điện Kremlin phủ nhận mọi liên quan đến vụ đầu độc Navalny.
Navalny bị buộc tội vi phạm các điều khoản của bản án treo năm 2014, buộc ông phải báo cáo thường xuyên cho cảnh sát Nga.
Trước tòa, trong bài phát biểu đề cập đến cả Kinh thánh và loạt phim Harry Potter, Navalny cho rằng cáo buộc là "vô lý" vì ông không thể báo cảnh sát khi đang hồi phục sau vụ tấn công bằng chất độc thần kinh.
“Cả thế giới đều biết tôi ở đâu. Sau khi bình phục, tôi mua vé máy bay và về nhà”, Navalny nói. Thẩm phán đã bác bỏ điều này nhưng đã giảm 6 tuần cho Navalny trong bản án 2 năm 8 tháng tù được áp dụng.
Khi được dẫn vào tòa, Navalny đã giơ tay làm dấu hiệu chữ V (biểu tượng chiến thắng). Song khi phán quyết xảy ra, Navalny có rất ít lý do để vui mừng.
"Họ giảm án được 6 tháng. Tuyệt!", Nalvany nói một cách mỉa mai sau lồng kính phòng xử án.
Navalny sẽ ra tòa một lần nữa hôm 20.2 với tội danh vu khống một cựu chiến binh Thế chiến thứ hai, người đã ca ngợi Tổng thống Putin.
Đưa người chỉ trích Điện Kremlin mạnh mẽ nhất vào tù, Nga sẽ hy vọng sẽ hóa giải mối đe dọa mà Nalvany đặt ra với tư cách là người vận động chống tham nhũng và nhà lãnh đạo đối lập duy nhất ở Nga có khả năng đưa đám đông lớn xuống đường trên toàn quốc.
Giờ đây, Nga sẽ phải chịu nhiều chỉ trích và áp lực hơn từ phương Tây. Tuần này, người phát ngôn của Tổng thống Putin cáo buộc Mỹ và châu Âu đang nói về các lệnh trừng phạt với "sự dai dẳng điên cuồng". Thế nhưng, Điện Kremlin sẽ cố gắng chuyển những lời chỉ trích của phương Tây có lợi cho mình - để củng cố tuyên bố chính thức rằng Navalny là một kẻ nổi tiếng của phương Tây và Nga là quốc gia đang bị vây hãm.
Tòa án Nhân quyền châu Âu, trong đó Nga là thành viên, nói rằng Navalny nên được trả tự do vì lo lắng cho tính mạng của ông. Song, Nga ngó lơ lời kêu gọi đó.
Những người ủng hộ coi việc bỏ tù Navalny là nỗ lực để bịt miệng thủ lĩnh phe chống Tổng thống Putin và ngăn cản tham vọng chính trị của ông.
Navalny là một cái gai trong mắt ông Putin, khi đưa ra các cáo buộc tham nhũng, trong đó có tuyên bố Tổng thống Nga sở hữu một cung điện xa hoa bên Biển Đen. Đây là điều mà ông Putin phủ nhận. Sau đó, doanh nhân Arkady Rotenberg, người bạn đồng môn thời thơ ấu của Tổng thống Putin, nói ông sở hữu cung điện này.
Các đồng minh của Navalny đang tìm cách thách thức các đảng ủng hộ Điện Kremlin trong cuộc bầu cử Quốc hội năm nay và Tổng thống Putin hôm 18.2 cảnh báo chống lại sự can thiệp từ nước ngoài.
Các ngoại trưởng châu Âu sẽ gặp nhau vào ngày 22.2 để thảo luận về việc áp đặt thêm các biện pháp trừng phạt với Nga về vụ việc trên.
Có sự chia rẽ giữa các thành viên EU, trong đó Đức đang tiến hành dự án Nord Stream 2 sẽ chuyển trực tiếp khí đốt từ Nga sang Đức. Dự án bị Ba Lan và các nước Baltic (Estonia, Latvia, Lítva) phản đối.
Hôm 19.2, Lítva cho biết dự án nên được tạm dừng cho đến sau cuộc bầu cử Quốc hội vào tháng 9 ở Nga.