Về thuế tối thiểu toàn cầu, TS Cấn Văn Lực cho rằng thời gian còn rất ít, đòi hỏi rất khẩn trương, đồng bộ, đồng nhịp và vì cái chung, vì môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, trên tinh thần “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ”.

Thuế tối thiểu toàn cầu: Thời gian còn lại rất ít, cần khẩn trương!

Hoài Lam | 30/04/2023, 21:35

Về thuế tối thiểu toàn cầu, TS Cấn Văn Lực cho rằng thời gian còn rất ít, đòi hỏi rất khẩn trương, đồng bộ, đồng nhịp và vì cái chung, vì môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, trên tinh thần “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ”.

Giảm sự cạnh tranh thu hút FDI bằng ưu đãi thuế

Chính sách thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) tối thiểu toàn cầu được xây dựng nhằm ngăn chặn “cuộc đua xuống đáy” về thuế suất ưu đãi giữa các quốc gia.

TS Cấn Văn Lực và nhóm nghiên cứu tại Viện Đào tạo và nghiên cứu (Ngân hàng TMCP Đầu tư và phát triển Việt Nam - BIDV) cho rằng việc áp dụng thuế TNDN tối thiểu toàn cầu sẽ làm giảm sự cạnh tranh trong thu hút đầu tư tại các quốc gia đang phát triển vốn chủ yếu dựa vào ưu đãi thuế để thu hút FDI. Mức độ ảnh hưởng phụ thuộc vào đặc điểm của hệ thống thuế, cụ thể là hệ thống thuế TNDN tiêu chuẩn của mỗi quốc gia.

Theo ông Lực, việc áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu có thể khiến dòng vốn FDI có những xáo trộn trong ngắn hạn.

“Dự kiến vốn FDI một phần có thể quay lại các quốc gia phát triển khi động cơ lẩn tránh thuế giảm xuống. Các tập đoàn sẽ quan tâm hơn tới môi trường đầu tư - kinh doanh và triển vọng tăng trưởng kinh tế khi lựa chọn quyết định đầu tư, hạn chế vốn đầu tư vào các quốc gia đang phát triển khi các ưu đãi thuế không còn quá hấp dẫn”, ông Lực nêu.

luc-2.jpg
Chính sách thuế TNDN tối thiểu toàn cầu nhằm ngăn chặn “cuộc đua xuống đáy” về thuế suất ưu đãi

Ngoài ra, TS Cấn Văn Lực cũng cho rằng chuỗi sản xuất, cung ứng toàn cầu có thể có những thay đổi nhất định. Các tập đoàn đa quốc gia cân nhắc nhiều hơn trước khi quyết định chuyển dịch chuỗi sản xuất, cung ứng ra nước ngoài hoặc chuyển dịch sản xuất giữa các quốc gia do những thay đổi về thuế quan, trong khi ưu tiên đảm bảo ổn định chuỗi sản xuất, cung ứng trong nước.

“Thuế tối thiểu toàn cầu có thể khiến các công ty đa quốc gia có ít động lực hơn trong việc chuyển lợi nhuận tới các quốc gia là “thiên đường thuế” hoặc các quốc gia có mức thuế thu nhập doanh nghiệp thấp”, ông Lực nói.

OECD ước tính hơn 220 tỉ USD lợi nhuận dự kiến sẽ được phân bổ lại cho các quốc gia mỗi năm và Việt Nam có thể hưởng lợi một phần từ sự phân bổ này.

Áp lực cải cách hệ thống quản lý thuế, thủ tục hành chính

Tuy nhiên, ông Cấn Văn Lực cũng nhận định sức cạnh tranh trong thu hút FDI của Việt Nam có thể bị ảnh hưởng trong ngắn hạn khi chính sách ưu đãi thuế không còn tác dụng. Châu Á hiện nay là khu vực có mức thuế suất TNDN thấp nhất so với các khu vực khác trên thế giới và dự kiến có thể chịu tác động nhiều nhất khi các doanh nghiệp đa quốc gia phân bổ lại hoạt động, đầu tư của mình nhằm tối ưu về thuế.

“Hiện nay, thuế TNDN trung bình của Việt Nam là 20%, song Việt Nam đang áp dụng cơ chế ưu đãi thuế dựa trên địa bàn, lĩnh vực được khuyến khích đầu tư và quy mô dự án… khiến thuế suất thực tế có thể thấp đến 5%. Do đó, khả năng cạnh tranh trong thu hút FDI của Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng phần nào khi khung thuế ưu đãi không còn”, ông Lực nói và cho rằng việc áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu có thể làm phát sinh một số bất đồng, tranh chấp với một số đối tác, ảnh hưởng đến tâm lý nhà đầu tư nước ngoài nếu xử lý không hài hòa, khôn khéo.

luc.jpg
TS Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng BIDV

Theo chuyên gia Lực, việc áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu này có thể làm phát sinh một số chi phí cải cách hệ thống quản lý thuế, thủ tục hành chính trong lĩnh vực đầu tư và tiến độ triển khai phụ thuộc vào năng lực quản lý của các bộ ngành, địa phương liên quan.

“Cơ chế chia sẻ thông tin, dữ liệu và nghĩa vụ thuế của các tập đoàn đa quốc gia đòi hỏi một hệ thống quản lý thuế có năng lực và nỗ lực phối hợp ở tầm quốc tế cũng là một thách thức lớn đối với các nước đang phát triển với năng lực quản lý thuế thường còn bất cập như Việt Nam”, ông Lực nêu.

Thời gian còn lại rất ít

Do vậy, TS Cấn Văn Lực cho rằng Việt Nam nên áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu này với những bước đi chủ động, có giải pháp phù hợp để hỗ trợ một phần cho các đối tượng chịu tác động, và quan trọng hơn, cần coi đây là cơ hội để tiếp tục cải cách thuế, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư - kinh doanh. Đây mới thực sự là động lực, là giải pháp căn cơ, bền vững.

Bộ Tài chính/Tổ công tác cần sớm đề xuất Chính phủ trình Quốc hội ban hành, điều chỉnh các chính sách về thuế, về kế toán phù hợp; cần nội luật hóa bằng cách ban hành quy định thuế bổ sung tối thiểu nội địa đạt chuẩn (QDMT) như là một cơ chế phản ứng nhanh để bảo vệ quyền đánh thuế thay vì nhường quyền đánh thuế cho các quốc gia khác…

Để bù đắp một phần cho các đối tượng sẽ chịu tác động, ông Lực cho rằng Việt Nam cần có chính sách, biện pháp ứng xử phù hợp đối với 2 nhóm nhà đầu tư.

luc-3.jpg
Việt Nam cần sớm rà soát, cập nhật và thay đổi phù hợp quy định pháp luật liên quan

Đối với những nhà đầu tư FDI đang hoạt động tại Việt Nam, có thể có hỗ trợ về tiền thuê đất, cho phép tính một số khoản được khấu trừ thuế, đào tạo nguồn nhân lực, chi phí R&D, giải phóng mặt bằng, nhà ở công nhân... Nên áp dụng mức độ khác nhau với nhóm nhà đầu tư, loại dự án khác nhau.

Đối với những nhà đầu tư FDI sẽ vào Việt Nam từ đầu năm 2024, có thể áp dụng một số chính sách hỗ trợ tương tự, thậm chí cao hơn đối với các lĩnh vực ưu tiên thu hút FDI.

Ngoài ra, nhóm nghiên cứu cũng khuyến nghị Việt Nam cũng cần sớm rà soát, cập nhật và thay đổi phù hợp quy định pháp luật liên quan và có thể xem xét một luật sửa nhiều luật. Cơ chế, chính sách thu hút FDI theo hướng tập trung vào cải thiện mạnh mẽ, thực chất môi trường đầu tư - kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh. Trước mắt, khi xem xét tiếp nhận đăng ký các dự án đầu tư mới, cần hết sức lưu ý các quy định và hướng dẫn về ưu đãi thuế.

Đặc biệt, cần chủ động nâng cao hiệu quả hội nhập kinh tế quốc tế, tạo đòn bẩy cho nâng cao sức chống chịu và phát triển kinh tế bền vững; tận dụng tốt hơn các cơ hội hội nhập để học hỏi và áp dụng công nghệ mới; ưu tiên giải pháp gắn kết giữa doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước; đa dạng hóa thị trường, đối tác, có tính chiến lược, chọn lọc rõ ràng nhằm tận dụng cơ hội và hạn chế rủi ro tập trung, rủi ro đứt gãy chuỗi cung ứng; khẩn trương ưu tiên kiện toàn và nâng cao năng lực công tác quản lý thuế, công tác cải thiện môi trường đầu tư - kinh doanh…

Cuối cùng, theo nhóm nghiên cứu, cần xây dựng lộ trình triển khai công tác chuẩn bị từ nay đến hết năm 2023 và sau này, bao gồm các quy định nội luật hóa, quy trình - thủ tục kê khai thuế phù hợp khi áp dụng thuế suất này theo hướng dẫn phù hợp của OECD.

“Thời gian còn rất ít, đòi hỏi rất khẩn trương, đồng bộ, đồng nhịp và vì cái chung, vì môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, trên tinh thần “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ” như Chính phủ Việt Nam đã cam kết”, ông Lực nhấn mạnh.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư trao đổi chuyên đề 'Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam'
một giờ trước Sự kiện
Chiều 25.11, tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Giáo sư, Tiến sĩ Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam trực tiếp trao đổi chuyên đề “Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Thuế tối thiểu toàn cầu: Thời gian còn lại rất ít, cần khẩn trương!