Một nghiên cứu từ Hàn Quốc cho thấy việc tiêm mũi 1 vắc xin AstraZeneca sau đó đến Pfizer làm tăng mức độ kháng thể trung hòa lên gấp 6 lần so với hai liều AstraZeneca.
Nghiên cứu liên quan đến 499 nhân viên y tế - 100 người được tiêm kết hợp 2 vắc xin ngừa COVID-19 này, 200 người dùng hai liều Pfizer (Mỹ) - BioNTech (Đức) và những người còn lại được tiêm hai mũi AstraZeneca (Anh - Thụy Điển).
Tất cả đều cho thấy kháng thể trung hòa, ngăn không cho vi rút xâm nhập vào tế bào và nhân rộng. Kết quả tiêm kết hợp 2 vắc xin cho thấy lượng kháng thể trung hòa tương tự được tìm thấy từ nhóm được tiêm hai mũi Pfizer - BioNTech.
Nghiên cứu của Anh vào tháng trước cũng cho kết quả tương tự khi một mũi tiêm Pfizer sau AstraZeneca tạo ra phản ứng tế bào T tốt nhất và phản ứng kháng thể cao hơn Pfizer theo sau là AstraZeneca.
Tế bào lympho T (hay tế bào T) là loại bạch cầu thuộc dòng tế bào lympho, đóng vai trò quan trọng trong hệ thống miễn dịch đáp ứng của cơ thể. Tế bào lympho T có nguồn gốc từ tế bào gốc tạo máu tủy xương và được trưởng thành ở tuyến ức.
Dữ liệu mới hỗ trợ cho quyết định của một số quốc gia cung cấp các lựa chọn thay thế AstraZeneca ở mũi tiêm thứ hai sau khi vắc xin này do có liên quan đến tình trạng đông máu đông hiếm gặp.
Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA) cho biết, nghiên cứu của nước này cũng phân tích hoạt động vô hiệu hóa chống lại các biến thể chính đáng lo ngại.
So với biến thể Alpha (xuất hiện lần đầu tiên ở Anh), hai liều vắc xin từ ba phương thức tiêm nêu trên cho khả năng bảo vệ giảm 2,5 đến 6 lần trước chủng Beta, Gamma và Delta (lần đầu tiên được phát hiện ở Nam Phi, Brazil và Ấn Độ).
Hôm 29.6, nghiên cứu của Đại học Oxford cho biết một mũi vắc xin Pfizer được tiêm 4 tuần sau khi chích AstraZeneca sẽ tạo ra các phản ứng miễn dịch tốt hơn so với việc tiêm thêm một liều AstraZeneca khác.
Đại học Oxford và hãng dược AstraZeneca đồng phát triển vắc xin COVID-19.
Nghiên cứu có tên Com-COV đã so sánh lịch tiêm vắc xin Pfizer, AstraZeneca và phát hiện ra rằng trong bất kỳ sự kết hợp nào, chúng đều tạo ra nồng độ cao các kháng thể chống lại protein tăng đột biến coronavirus.
Dữ liệu cung cấp hỗ trợ cho quyết định của một số quốc gia châu Âu đã bắt đầu cung cấp các lựa chọn thay thế cho AstraZeneca như một mũi tiêm thứ hai sau khi vắc xin này có liên quan đến tình trạng đông máu hiếm gặp.
Matthew Snape, Giáo sư Đại học Oxford đứng sau cuộc thử nghiệm, nói rằng những phát hiện này có thể được sử dụng để tạo sự linh hoạt cho việc triển khai tiêm vắc xin, nhưng không đủ lớn để khuyến nghị thay đổi rộng rãi hơn các lịch trình đã được phê duyệt lâm sàng.
Ông Matthew Snape nói với các phóng viên: “Thật đáng khích lệ khi những phản ứng của kháng thể và tế bào T này trông tốt với phương pháp kết hợp vắc xin”.
Phản ứng kháng thể cao nhất được thấy ở những người nhận hai liều vắc xin Pfizer. Trong khi cả hai phương pháp kết hợp vắc xin tạo ra các phản ứng kháng thể tốt hơn so với hai liều vắc xin AstraZeneca.
Một mũi tiêm AstraZeneca và theo sau là Pfizer đã tạo ra tế bào T phản ứng tốt nhất, phản ứng kháng thể cũng cao hơn so với tiêm liều Pfizer rồi đến AstraZeneca.
Kết quả nêu trên là sự kết hợp hai loại vắc xin được tiêm cách nhau 4 tuần cho 830 người tham gia.
Com-COV cũng đang xem xét các phương pháp kết hợp vắc xin trong khoảng thời gian 12 tuần và Matthew Snape lưu ý rằng vắc xin AstraZeneca được biết là tạo ra phản ứng miễn dịch tốt hơn với khoảng cách giữa 2 lần tiêm dài hơn.
Ở Anh, các quan chức đã đề xuất khoảng cách 8 tuần giữa hai liều vắc xin cho những người trên 40 tuổi và 12 tuần cho những người trưởng thành khác.
"Với vị thế có nguồn cung ổn định của Vương quốc Anh, không có lý do gì để thay đổi lịch tiêm vắc xin vào thời điểm này", Jonathan Van Tam, Phó Giám đốc Y tế của Anh (người Anh gốc Việt), cho biết. Ông nói thêm rằng dữ liệu về khoảng thời gian 12 tuần sẽ ảnh hưởng đến các quyết định trong tương lai về việc triển khai chương trình tiêm chủng.
Lãnh đạo vài nước đã tiêm mũi hai là Pfizer hoặc Moderna sau mũi đầu tiên là AstraZeneca. Trong đó, Thủ tướng Đức - Angela Merkel và Thủ tướng Canada - Justin Trudeau được tiêm kết hợp AstraZeneca - Moderna, còn Thủ tướng Ý - Mario Draghi tiêm mũi 2 là Pfizer sau AstraZeneca.