Bộ Y tế vừa có Công văn 5944/BYT-YDCT về việc tăng cường phòng chống dịch COVID-19 bằng thuốc cổ truyền và sản phẩm từ dược liệu gửi sở y tế các tỉnh, thành phố; bệnh viện y học cổ truyền bộ, ngành; bệnh viện y học cổ truyền các tỉnh, thành phố; các cơ sở kinh doanh dược liệu, thuốc cổ truyền.

Cần hiểu đúng về 12 dược liệu hỗ trợ phòng COVID-19, không nên đổ xô đi mua

Hà Nội Mới | 25/07/2021, 21:01

Bộ Y tế vừa có Công văn 5944/BYT-YDCT về việc tăng cường phòng chống dịch COVID-19 bằng thuốc cổ truyền và sản phẩm từ dược liệu gửi sở y tế các tỉnh, thành phố; bệnh viện y học cổ truyền bộ, ngành; bệnh viện y học cổ truyền các tỉnh, thành phố; các cơ sở kinh doanh dược liệu, thuốc cổ truyền.

Tại Công văn 5944/BYT-YDCT về việc tăng cường phòng chống dịch COVID-19 bằng thuốc cổ truyền và sản phẩm từ dược liệu, Bộ Y tế có kèm theo hướng dẫn và danh mục về 12 loại thuốc, sản phẩm dược liệu phòng và hỗ trợ điều trị COVID-19 và 9 sản phẩm sát khuẩn không khí, sát khuẩn tay và xịt họng.

Chiều 25.7, giải thích với báo giới về Công văn 5944/BYT-YDCT, PGS.TS Nguyễn Thế Thịnh, Cục trưởng Cục Quản lý y, dược cổ truyền (Bộ Y tế) cho biết, 12 sản phẩm nêu trên không phải là danh mục thuốc, sản phẩm chỉ định cho dự phòng, điều trị, mà đó chỉ là danh mục các sản phẩm do các đơn vị tài trợ, ủng hộ cho phòng dịch COVID-19.

"Các đơn vị sản xuất các sản phẩm trên đây đã và đang đồng hành, ủng hộ ngành Y tế và một số tỉnh, thành phố: Bắc Giang, Bắc Ninh, TP.HCM... để sử dụng hỗ trợ điều trị bệnh nhân COVID-19 không triệu chứng, mức độ nhẹ và vừa, cho các thầy thuốc tuyến đầu chống dịch và các F1 đang cách ly", PGS.TS Nguyễn Thế Thịnh nói.

Cũng theo PGS.TS Nguyễn Thế Thịnh, căn cứ danh mục, tùy theo thực tiễn các bệnh viện, cơ sở y tế khi được tài trợ để phát cho bệnh nhân. Các sản phẩm cũng cần được đánh giá về hiệu quả khi sử dụng.

Với nhóm thuốc phòng và hỗ trợ điều trị có thể đồng thời sử dụng 2-3 loại, kết hợp uống thuốc dạng sắc trên cơ sở các bài thuốc được đề cập trong hướng dẫn kèm Công văn 5944/BYT-YDCT. Điều đó có nghĩa là không phải bệnh nhân COVID-19 nào cũng giống nhau, mà phải "cá thể hóa" từng bệnh nhân, tùy từng tình trạng, mức độ bệnh.

"Tuy nhiên, người dân thường có tâm lý thích tự đi mua, nhưng thuốc khi sử dụng phải theo hướng dẫn của bác sĩ, vì thuốc bao giờ cũng có 2 mặt: Lợi và hại. 12 thuốc, sản phẩm y học cổ truyền ban hành cùng công văn nêu trên không phải là danh mục sản phẩm cho đấu thầu thuốc dự phòng điều trị COVID-19. Người dân cần hiểu đúng, không nên đổ xô đi mua", PGS.TS Nguyễn Thế Thịnh khẳng định.

Trước đó, trong Công văn 5944/BYT-YDCT, Bộ Y tế nêu rõ: "Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 ở nhiều địa phương trong cả nước, để góp phần hạn chế sự lây lan dịch bệnh, tăng cường khả năng phòng chống dịch bệnh, Bộ Y tế đề nghị Sở Y tế các tỉnh, thành phố chỉ đạo các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh y học cổ truyền trực tiếp tham gia phòng chống dịch bệnh trên địa bàn, nghiêm túc thực hiện các hướng dẫn của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế và các cơ quan liên quan. Đồng thời, căn cứ thuốc cổ truyền, các sản phẩm chế biến, bào chế từ dược liệu ban hành kèm Công văn 5944/BYT-YDCT để tham khảo lựa chọn mua sắm, đấu thầu, tiếp nhận từ các tổ chức, cá nhân ủng hộ cho các cơ sở khám, chữa bệnh để hỗ trợ cho các người bệnh nhiễm vi rút SARS-CoV-2, đội ngũ y, bác sĩ tuyến đầu và đối tượng cách ly (F1) phù hợp với tình hình dịch bệnh tại địa phương".

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Ông Phan Đức Trung: 'Khung pháp lý cho tài sản ảo là bài toán khó'
một giờ trước Nhịp đập khoa học
Ông Phan Đức Trung, Phó chủ tịch Thường trực Hiệp hội Blockchain Việt Nam (VBA), cho biết việc ban hành một chính sách hoàn chỉnh cho tài sản ảo (VA) và nhà cung cấp dịch vụ tài sản ảo (VASP) phù hợp vào thời điểm này là một bài toán khó.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cần hiểu đúng về 12 dược liệu hỗ trợ phòng COVID-19, không nên đổ xô đi mua