Dù tỷ lệ suy dinh dưỡng, thấp còi ở trẻ em dưới 5 tuổi của nước ta đã cải thiện đáng kể, nhưng tại các địa phương miền núi, vùng cao... tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng vẫn còn khá cao.
Tại hội thảo khoa học "Suy dinh dưỡng thấp còi và gầy còm ở trẻ em dưới 5 tuổi vùng khó khăn: Thực trạng và giải pháp" do Tổng hội Y học Việt Nam tổ chức ngày 27.10 tại Hà Nội, các chuyên gia y tế đã đưa ra những kiến nghị để cải thiện dinh dưỡng cho trẻ em vùng khó khăn.
TS-BS Trương Hồng Sơn, Phó tổng thư ký Tổng hội Y học Việt Nam, Viện trưởng Viện Y học ứng dụng Việt Nam cho biết, từ năm 1990 đến 2020, tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi ở trẻ em dưới 5 tuổi ở nước ta đã giảm từ hơn 56% xuống còn hơn 19%. Trong đó, các địa phương miền núi, vùng cao, biên giới... là những nơi có tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng cao nhất.
Thời gian qua, Viện Y học ứng dụng Việt Nam đã tiến hành khảo sát về thực trạng các hoạt động dinh dưỡng đang được triển khai tại vùng khó khăn. Kết quả cho thấy, ở nhiều nơi, cơ sở y tế tuyến huyện hoàn toàn không có cán bộ chuyên trách mà chỉ kiêm nhiệm phụ trách mảng dinh dưỡng.
Tại tỉnh Kon Tum, hiện hệ thống y tế thôn bản cũng không còn. Thay vào đó, cán bộ y tế xã là người trực tiếp triển khai các nội dung liên quan xuống từng thôn bản hoặc phải "nhờ" các trưởng bản, trưởng thôn hoàn toàn không có chuyên môn về y tế. Chính vì thế công tác tập huấn cho những cán bộ này hầu như không được chú trọng.
Bên cạnh đó, có một vấn đề đáng lo ngại khác là thực trạng thiếu thốn trang thiết bị, cơ sở vật chất ở các cơ sở y tế vùng cao. Khảo sát của Viện Y học ứng dụng Việt Nam chỉ ra rằng, không ít cán bộ y tế vùng khó khăn đã bộc bạch các trăn trở về việc cơ sở y tế tuyến xã hiện không có cả những trang thiết bị cơ bản như thước gỗ tiêu chuẩn để đo chiều cao cho trẻ.
Tại hội thảo, các chuyên gia dinh dưỡng, nhà khoa học đã đưa ra một số đề xuất, kiến nghị về giải pháp và nguồn lực nhằm từng bước tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về tình trạng suy dinh dưỡng trong trẻ em hiện nay. Đặc biệt là hỗ trợ công tác giáo dục truyền thông về dinh dưỡng, tập trung vào việc chăm sóc dinh dưỡng cho phụ nữ mang thai, hướng dẫn theo dõi tăng trưởng ở trẻ dưới 5 tuổi, chế độ ăn bổ sung và chế độ ăn khi trẻ mắc tiêu chảy, nhiễm khuẩn hô hấp...
PGS-TS Nguyễn Thị Xuyên, Chủ tịch Tổng hội Y học Việt Nam - nguyên Thứ trưởng Y tế cho rằng, mặc dù tình trạng dinh dưỡng của trẻ em dưới 5 tuổi tại Việt Nam đã liên tục được cải thiện trong thời gian gần đây, nhưng tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi và gầy còm ở trẻ dưới 5 tuổi, nhất là ở vùng khó khăn, vẫn là vấn đề gây băn khoăn, trăn trở.
"Các thông tin tại hội thảo là cơ hội cùng nhìn lại thực trạng suy dinh dưỡng ở trẻ em dưới 5 tuổi vùng khó khăn. Từ đó, đưa ra những góp ý liên quan đến hoạt động can thiệp dinh dưỡng tại thôn bản khó khăn đi vào thực chất hơn trong bối cảnh ngân sách cho các hoạt động này còn rất hạn chế", PGS-TS Nguyễn Thị Xuyên nói.