Năm học 2022-2023 đã chính thức bắt đầu, bên cạnh niềm vui được tới trường khi tình hình dịch bệnh COVID-19 đã tạm lắng xuống thì ngành giáo dục còn trăn trở nhất chính là tình trạng thiếu giáo viên một cách cục bộ ở hầu hết các tỉnh thành.

Tình trạng thiếu giáo viên: Những nguyên nhân cục bộ

Dạ Thảo - Ảnh: Thành Chung | 09/09/2022, 12:10

Năm học 2022-2023 đã chính thức bắt đầu, bên cạnh niềm vui được tới trường khi tình hình dịch bệnh COVID-19 đã tạm lắng xuống thì ngành giáo dục còn trăn trở nhất chính là tình trạng thiếu giáo viên một cách cục bộ ở hầu hết các tỉnh thành.

Thiếu giáo viên - trở ngại lớn đối với việc nâng chất lượng giáo dục

Tình trạng thiếu giáo viên, đặc biệt là các giáo viên được đào tạo cốt lõi nhất về chương trình giáo dục phổ thông mới càng trở nên trầm trọng hơn khi ngành giáo dục bắt đầu triển khai chương trình mới.

Hiện nay, theo số liệu thống kê trong 10 năm qua từ 2012-2022, chỉ tính riêng ở bậc phổ thông học sinh đã tăng gần 22% nhưng giáo viên lại giảm tới gần 5% vì nhiều lý do khác nhau. Trong giai đoạn hiện nay từ năm 2022-2026, Bộ Chính trị giao bổ sung 65.980 biên chế giáo viên, riêng năm học 2022-2023 là 27.850. Tuy nhiên, theo một số chuyên gia, việc này cũng gặp khó khăn bởi cần thời gian dài, nguồn tuyển không nhiều do ứng viên có những lựa chọn tốt hơn về thu nhập.

Tình trạng thiếu giáo viên hiện nay chính là trở ngại lớn đối với việc nâng cao chất lượng chương trình giáo dục. Theo ghi nhận của phóng viên, các tỉnh thiếu trầm trọng giáo viên đa số là các tỉnh, huyện miền núi, ở đó lượng giáo viên về dạy không nhiều đã tạo nên tình trạng đã thiếu càng thêm thiếu. Số học sinh trên lớp ở các cấp học hiện nay toàn từ 45 - 60 học sinh/lớp, thậm chí thiếu giáo viên, thiếu phòng, có những trường còn thực hiện giảm chỉ học 1 buổi/ngày.

Đơn cử như ở tỉnh Nghệ An, hiện tỉnh thiếu khoảng hơn 8.000 giáo viên dù năm vừa qua đã bổ sung 2.800 giáo viên, vẫn còn thiếu rất nhiều. Để đảm bảo thực hiện được tốt nhất chương trình giáo dục phổ thông 2018 từ lớp 3 trở đi là rất khó khăn, đặc biệt rất khó tuyển các giáo viên ngoại ngữ và tin học đáp ứng đủ yêu cầu của Bộ GD-ĐT. Đó là chưa kể đến các cơ chế thí điểm yêu cầu phải hỗ trợ tốt nhất cơ sở vật chất cho các trường THPT dân tộc bán trú, THPT thuộc các vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Ngay tại các tỉnh thành đông dân, trọng điểm như TP.HCM, Thanh Hóa, Bình Dương... cũng rơi vào tình trạng thiếu giáo viên một cách trầm trọng ở các cấp học.

giao-vien-2.jpg
Nhiều tỉnh thành đang rất thiếu giáo viên ở các cấp học

Dù Bộ GD-ĐT trước đó đã lưu ý hiện nay các tỉnh vẫn còn khá bị động trong việc tuyển dụng, như chưa bố trí nhà công vụ cho giáo viên ở các tỉnh miền núi khó khăn, không có chính sách thu hút giáo viên đến công tác ở địa bàn vùng núi, khó khăn, hay đơn giản nhất chính là nhân lực y tế cũng không đáp ứng đủ ở địa phương, đều là nguyên nhân khiến việc tuyển dụng, điều chuyển giáo viên đi các huyện, thị miền núi khó khăn.

Lý giải cho vấn đề thiếu giáo viên, nhân viên trong nhà trường thời gian qua, một hiệu trưởng trường THCS ở tỉnh Thanh Hóa cho biết: “Hiện nay, vốn dĩ ở những tỉnh thành có các huyện miền núi, nếu người làm ở vị trí nhân viên tại các trường với mức lương tập sự năm đầu tiên là hơn 3 triệu đồng/tháng, thậm chí có người chưa được 3 triệu đồng, thì rất khó để thu hút các giáo viên đến giảng dạy được chứ đừng nói giữ chân. Chưa kể đến cơ sở vật chất không đầy đủ, nhiều giáo viên lên các vùng cao vẫn chỉ là tạm thời để có cơ hội là xin chuyển về thành phố. Hy vọng tỉnh Thanh Hóa sẽ sớm có một cơ chế đặc thù trong công tác tuyển dụng cũng như chế độ của giáo viên, nhân viên công tác tại huyện miền núi để ổn định đội ngũ giáo viên, nhân viên tại các trường".

Đi tìm nguyên nhân

Tình trạng thiếu giáo viên là vậy nhưng việc tuyển dụng cũng không phải dễ dàng, nhất là giáo viên tin học, ngoại ngữ... do họ phải đáp ứng yêu cầu về trình độ chuyên môn lẫn nghiệp vụ sư phạm. Trong khi đó thì thực tế các sinh viên lại ít chọn ngành sư phạm bởi lương thấp và lúc đầu đều phải về vùng núi xa xôi, thu nhập thấp lại càng thêm thấp, chịu nhiều vất vả. Vì vậy ngành giáo dục rất khó khăn khi tuyển người.

hoc-sinh-12-3.jpg
Việc vận động giáo viên đến tuổi về hưu tiếp tục đứng lớp đang là giải pháp trước mắt mà nhiều tỉnh thành lựa chọn

Bên cạnh đó, không thể phủ nhận những cố gắng và nỗ lực của ngành giáo dục thời gian qua trong việc dạy học nói chung và trong công tác tư vấn, hướng nghiệp cho thí sinh nói riêng. Hay đơn giản là sự cố gắng của các thầy cô trong việc điều chỉnh vượt qua đại dịch COVID-19 bằng những bài giảng điện tử tới học sinh khi buộc phải học trực tuyến. Tuy nhiên, ở một góc độ nào đó, chính học sinh, phụ huynh cũng nhìn thấy sự vất vả của các thầy cô, từ đó ngại vào trường sư phạm, giảm lượng thí sinh đăng ký vào ngành giáo dục.

Ngoài ra, khi chọn ngành sư phạm, học sinh vẫn thích chọn những bộ môn chính như toán, lý, hóa, ngữ văn nhiều hơn là chọn những môn “phụ” như âm nhạc, mỹ thuật, giáo dục công dân, thể chất... Đây là một trong những nguyên nhân khiến nhiều địa phương thiếu giáo viên dạy âm nhạc, mỹ thuật, thể chất... trong giai đoạn hiện nay.

Cũng cần nhắc tới, trong thời gian qua chính ngành giáo dục đã thực hiện tinh giản biên chế khiến lượng giáo viên phải nghỉ việc ngày càng nhiều. Việc phân cấp, phân quyền cho các địa phương trong công tác tuyển dụng, sử dụng đội ngũ nhà giáo còn nhiều bất cập. Hiện nay cơ quan chuyên môn là sở GD-ĐT, phòng GD-ĐT nhưng lại không phải là đơn vị chủ trì, đầu mối về tuyển dụng giáo viên nên không chủ động trong việc điều tiết số lượng, cơ cấu đội ngũ theo môn học, cấp học và không chủ động điều tiết được tình trạng giáo viên thừa - thiếu.

Đó là chưa kể đến lương của giáo viên chưa tương xứng với sức lao động họ đã bỏ ra, các cấp chính quyền chưa quan tâm đúng mức hoặc chưa thực hiện tốt công tác quy hoạch khiến các giáo viên, mới thì nản lòng, cũ thì thấy không tương xứng.

Có thể thấy, không ít nguyên nhân đã được chỉ rõ để giải thích tình trạng thiếu giáo viên và cũng đã có không ít giải pháp được cấp ủy, chính quyền, ngành chức năng nỗ lực thực hiện nhằm khắc phục, song đến nay thiếu giáo viên vẫn là câu chuyện khiến nhiều người quan tâm và bức xúc.

Năm học 2022-2023 đã bắt đầu, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Hoàng Minh Sơn đã nhấn mạnh nhiệm vụ của ngành giáo dục trên cơ sở những kết quả đạt được và khắc phục những hạn chế, tồn tại của năm học trước. Ngành giáo dục xác định chủ đề năm học 2022-2023 là “Đoàn kết, nỗ lực vượt khó khăn, đổi mới sáng tạo, củng cố, nâng cao chất lượng các hoạt động GD-ĐT”. Hy vọng với những chính sách và quan tâm mới, ngành giáo dục sẽ có những thay đổi tích cực để các thầy cô giáo yên tâm công tác và cống hiến sức mình trong sự nghiệp "trồng người".

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư trao đổi chuyên đề 'Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam'
6 giờ trước Sự kiện
Chiều 25.11, tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Giáo sư, Tiến sĩ Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam trực tiếp trao đổi chuyên đề “Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tình trạng thiếu giáo viên: Những nguyên nhân cục bộ