Té ra, lâu nay đã là lãnh đạo thì không cần khám sức khỏe? Nên mới có chuyện nhiều người bị bệnh nặng lọt vào những vị trí chủ chốt như vậy.

Tôi cũng muốn bệnh

15/01/2018, 19:38

Té ra, lâu nay đã là lãnh đạo thì không cần khám sức khỏe? Nên mới có chuyện nhiều người bị bệnh nặng lọt vào những vị trí chủ chốt như vậy.

Ảnh: Khều

Ngành Y tế Việt Nam đang có nhiều chuyện lạ, vô số chuyện lạ. Chuyện bệnh một đàng, chẩn đoán một nẻo xảy ra như cơm bữa. Ai đời sản phụ khám dưỡng thai mà cho thuốc uống phá thai thì bó tay. Ly kỳ hơn là chuyện bệnh nhân nam đứt tay nhưng được chỉ định khâu âm hộ. Lại có rất nhiều người đang khỏe như voi, cứ chuẩn bị ra toà là lòi ra đủ thứ bệnh. Mấy tội phạm hình sự thì phổ biến nhất là tâm thần. Còn các vụ án tham nhũng cộm cán toàn nan y.

Có người bảo, ra tòa bị bệnh là vì sợ. “Nhất nhật tại tù, thiên thu tại ngoại” mà. Nghe cũng có lý. Sợ quá thì bạc tóc, hốc hác hay huyết áp chứ tự dưng ung thư, tiểu đường, suy thận, tâm thần nặng và các bệnh hiểm nghèo khác thì vô lý. Nan y và bệnh nặng phải có quá trình, không thể “đùng một cái” là ung thư, là bệnh hiểm nghèo ngay được.

Lẽ thường, mấy lãnh đạo cỡ đó, toàn có bác sĩ riêng, có chế độ dinh dưỡng đặc biệt, ăn toàn sâm yến với đông trùng hạ thảo, sao dễ bệnh thế nhỉ. Hay đó toàn là bác sĩ dỏm, không biết bắt bệnh hoặc lừa thân chủ? Lạ là trước đó họ vẫn vung vít phát biểu, đường bệ ra oai nhưng có trát tòa là bệnh tất. Bệnh về thể xác cụ thể chứ không phải bệnh tinh thần, bệnh của xã hội.

Rõ ràng là ngành Y Việt Nam đang có vấn đề. Từ công nhân quèn cho đến lao động thủ công và cả ôsin, muốn được nhận làm việc đều phải có giấy khám sức khỏe, đủ khả năng lao động và chịu trách nhiệm về hành vi của mình. Để những người bị tâm thần, bị các bệnh nan y làm việc bình thường đã là chuyện vô nhân, thất đức. Để những người bị bệnh đó làm lãnh đạo, mà toàn lãnh đạo cỡ bự thì nguy hại khôn lường.

Té ra, lâu nay đã là lãnh đạo thì không cần khám sức khỏe? Nên mới có chuyện nhiều người bị bệnh nặng lọt vào những vị trí chủ chốt như vậy. Lãnh đạo bệnh cỡ đó, thì nhân viên bệnh cỡ nào? Lãnh đạo các doanh nghiệp tầm cỡ mà sức khỏe èo uột như vậy thì kinh tế đất nước què quặt là đương nhiên. Quá hãi.

Cuối năm 2017 và đầu năm 2018, hàng loạt đại án bị phanh phui. Vụ nào cũng mấy ngàn tỉ trở lên. Phạm Công Danh, cựu Chủ tịch Hội đồng Quản trị (HĐQT) Ngân hàng thương mại cổ phần Xây dựng Việt Nam (VNCB), đang suy thận giai đoạn 3. Trầm Bê, cựu Phó Chủ tịch Thường trực HĐQT Ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) có tiền sử tiểu đường nặng. Hứa Thị Phấn, cựu cố vấn cao cấp Ngân hàng Đại Tín (Trustbank), cựu Chủ tịch HĐQT Công ty Phát triển Phú Mỹ, bị tiểu đường, giám định chỉ còn 7% sức khỏe.

Trần Bắc Hà, cựu Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) đang bị ung thư gan. Nguyễn Thị Minh Phương, cựu Phó Tổng giám đốc Ngân hàng Đại Dương (Oceanbank) được đình chỉ vụ án do mắc bệnh hiểm nghèo. Trương Thị Tuyết Nga, Hoa hậu Quí bà, Á hậu Phu nhân Việt Nam, cựu Tổng Giám đốc Bệnh viện đa khoa Vũ Anh và công ty Đầu tư Xây dựng Vũ Lan được đình chỉ vụ án vì mắc bệnh tâm thần. Cựu ủy viên Bộ Chính trị, bí thư Thành ủy Đinh La Thăng; cựu bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh Võ Kim Cự cũng đang mắc nhiều bệnh…

Mới điểm mặt sơ sơ, đã có mấy người dân ngất xỉu, phải vào viện cấp cứu. Tỉnh dậy, có bệnh nhân dụi mắt mấy lần thều thào: “May quá, sức khỏe kém như thế, có người chỉ còn 7% mà qua mặt các cơ quan được mấy nghìn tỉ. Nếu mấy người đó khỏe mạnh bình thường, chắc đất nước này tiêu tùng”. Người khác thì hốt hoảng: “Chèn đét ơi, bị tâm thần mà lãnh đạo cả bệnh viện đa khoa quốc tế to đùng thì…Ai dám vào khám, phải nói là gan cùng mình. Không chừng cả bệnh viện, từ y bác sĩ đến bệnh nhân cũng tâm thần theo thì bó tay”…

Nghe xong, tôi cũng hoa mắt, chóng mặt, muốn đổ bệnh. Trước khi đi xe ôm vào bệnh viện, tôi phải dò la tin tức, xem kỹ coi lãnh đạo bệnh viện có dấu hiệu bị tâm thần hay không, rồi mới yên tâm đến khám và điều trị. Từ bệnh viện, có vị cán bộ về hưu đang bệnh nặng, thấy tôi lanh lợi nên nhờ chuyển di chúc gởi Bộ Nội vụ, đề nghị mấy việc nhỏ:

1. Từ nay, bất kể lãnh đạo lớn hay nhỏ, trước khi nhận chức cũng phải có giấy khám sức khỏe đầy đủ và chính xác. Cấm các hành vi mua, bán giấy khám sức khỏe, đặc biệt cho cán bộ và lãnh đạo.

2. Cam kết trong quá trình làm việc hoặc sau khi nghỉ hưu, hạ cánh an toàn, nếu được tòa triệu tập, không đổ bệnh hiểm nghèo đột ngột hoặc bị tâm thần tức khắc để xù án.

3. Trong quá trình làm việc, định kỳ 3 tháng (vì áp lực công việc căng thẳng) phải kiểm tra lại sức khỏe tổng quát. Nếu phát hiện bất cứ dấu hiệu bệnh tâm thần hoặc hiểm nghèo nào thì tự nguyện bàn giao nhiệm vụ để đi chữa bệnh. Chờ tòa triệu tập mới phát hiện bệnh thì vô phương, thiệt hại cho cả bản thân (cán bộ là vốn quý cả xã hội), gia đình và tổ quốc.

Tôi và mấy bệnh nhân chung phòng, đọc xong thấy ưng quá, cũng xin phép đồng ký tên. Cả nhóm quên mất bệnh, bàn luận sôi nổi và thống nhất, thay tiêu đề “Di chúc” bằng “Kiến nghị”.

Trần Kù

Bài liên quan
AI giúp tăng tỷ lệ phát hiện ung thư thực quản giai đoạn đầu, bệnh nhân có khả năng sống sót cao hơn
Nhóm nhà khoa học Trung Quốc cho biết đã phát triển một hệ thống trí tuệ nhân tạo (AI) để giúp các bác sĩ xác định ung thư thực quản giai đoạn đầu. Kết quả là giúp tăng gấp đôi tỷ lệ phát hiện so với đánh giá bằng mắt thường của bác sĩ.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
ĐBSCL: Nhiều kênh rạch cạn kiệt nước, giao thông thủy gặp khó khăn
3 giờ trước Bảo vệ môi trường
Vào cuối năm 2023, Viện Quy hoạch thủy lợi miền Nam đã dự báo mực nước sông Cửu Long xuống thấp do mưa mùa kết thúc sớm và mùa mưa năm 2024 đến muộn hơn. ĐBSCL không chỉ bị hạn mặn, nắng nóng, thiếu nước canh tác nông nghiệp… mà giao thông đường thủy gặp nhiều khó khăn do mực nước kênh rạch xuống rất thấp.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tôi cũng muốn bệnh