Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ủng hộ ý tưởng biến Việt Nam thành trung tâm khu vực về sản xuất vắc xin.

Tổng Giám đốc WHO ủng hộ Việt Nam thành trung tâm khu vực về sản xuất vắc xin

Tuyết Nhung (tổng hợp) | 29/11/2021, 07:15

Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ủng hộ ý tưởng biến Việt Nam thành trung tâm khu vực về sản xuất vắc xin.

Chiều tối 28.11 theo giờ địa phương, trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Thụy Sỹ, Chủ tịch nước đã có buổi làm việc với Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghegreyesus.

ff09ba140056e908b047.jpg
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tiếp Tổng giám đốc WHO, ông Tedros Adhanom Ghebreyesus - Ảnh: VOV

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao vai trò điều phối quan trọng của WHO trong lĩnh vực y tế toàn cầu, đưa ra các tiêu chuẩn, hướng dẫn y tế, cung cấp hỗ trợ kỹ thuật, giúp các nước giải quyết các vấn đề y tế công cộng, tăng cường năng lực ứng phó dịch bệnh; ủng hộ những nỗ lực của Chương trình COVAX và các tổ chức vận hành COVAX, trong đó có WHO và Liên minh toàn cầu về vắc xin và tiêm chủng (GAVI) trong thúc đẩy tiếp cận công bằng, bình đẳng và kịp thời vắc xin COVID-19 trên toàn cầu.

Nhân dịp này, Chủ tịch nước tuyên bố Việt Nam sẽ đóng góp tự nguyện thêm 500.000 USD cho COVAX, nâng tổng mức đóng góp tự nguyện của Việt Nam cho COVAX lên 1 triệu USD, nằm trong số không nhiều nước đang phát triển có đóng góp tự nguyện cho COVAX, qua đó thể hiện mạnh mẽ tình đoàn kết quốc tế và nỗ lực trách nhiệm của Việt Nam.

Chủ tịch nước cho biết, Việt Nam đã chuyển sang chiến lược thích ứng an toàn, linh hoạt để thực hiện mục tiêu vừa phòng chống dịch có hiệu quả, vừa khôi phục và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và đề nghị WHO, GAVI, Chương trình COVAX quan tâm hỗ trợ Việt Nam tăng cường năng lực hệ thống y tế, nhất là y tế cơ sở, năng lực tiêm chủng mở rộng.

Đề nghị Chương trình COVAX tiếp tục phân bổ và điều chuyển vắc xin tới Việt Nam càng nhanh và càng nhiều càng tốt, ưu tiên vắc xin cho trẻ em, cũng như hỗ trợ các vật tư y tế nhằm đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng giúp Việt Nam giữ vững thành quả kiểm soát dịch bệnh.

Chủ tịch nước mong muốn các đối tác tích cực ủng hộ để Việt Nam trở thành trung tâm chuyển giao công nghệ vắc xin m-RNA, là nơi sản xuất vắc xin cho khu vực Tây Thái Bình Dương; Đề nghị WHO hỗ trợ kỹ thuật cho vắc xin Nanocovax của Việt Nam được tham gia chương trình thử nghiệm lâm sàng toàn cầu của WHO.

Đồng thời, đề nghị WHO có hình thức phối hợp với các nước để kỷ niệm Ngày quốc tế Phòng chống dịch bệnh (27.12) theo Nghị quyết của Đại hội đồng Liên hợp quốc. Đây là sáng kiến do Việt Nam đề xướng vào năm 2020 trong vai trò Ủy viên không thường trực Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc và đã được sự đồng bảo trợ của 112 quốc gia thành viên Liên hợp quốc.

Về phần mình, Tổng Giám đốc WHO ủng hộ ý tưởng biến Việt Nam thành trung tâm khu vực về sản xuất vắc xin, sẽ trao đổi với bộ phận kỹ thuật về khả năng đưa vắc xin do Việt Nam sản xuất tham gia chương trình thử nghiệm toàn cầu của WHO.

Ông cũng nhất trí với đề nghị của Chủ tịch nước, sẵn sàng có thông điệp nhân ngày Quốc tế phòng chống dịch bệnh vào ngày 27.12 năm nay theo sáng kiến của Việt Nam. Lãnh đạo WHO cho biết luôn sẵn sàng cùng các đối tác hợp tác chặt chẽ, hiệu quả với Việt Nam trong việc bảo đảm tiếp cận công bằng vắc xin và chuyển giao công nghệ vắc xin m-RNA.

Tổng Giám đốc Tedros Adhanom Ghegreyesus đánh giá cao nguồn nhân lực của Việt Nam và bày tỏ ủng hộ đề nghị của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc về việc tạo cơ hội để có thêm người Việt Nam làm việc tại WHO.

Trong khi đó, Giám đốc Liên minh toàn cầu về vắc xin và tiêm chủng (GAVI) Seth Berkley và Giám đốc Điều hành Chương trình COVAX Aurélia Nguyen khẳng định sẽ tiếp tục hợp tác, hỗ trợ cung cấp vắc xin nhiều nhất, nhanh nhất có thể cho Việt Nam.

Bài liên quan
WHO: Dịch bệnh dễ lây lan hơn COVID-19, lao, cúm có nguy cơ bùng phát vì 22 triệu trẻ không được tiêm vắc xin
Sởi là một trong những bệnh dễ lây lan nhất, thậm chí hơn cả dịch COVID-19, Ebola, lao và cúm.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Vui buồn nghề muối Bạc Liêu - Bài 3: Hiến kế phát triển nghề
Để nghề sản xuất muối vượt qua khó khăn, làm tiền đề để nâng cao đời sống và có nhiều hơn những hộ khá giàu, bà con diêm dân đã mạnh dạn hiến kế để chính quyền địa phương xem xét, lựa chọn kế sách phù hợp, từng bước đưa nghề muối ở Bạc Liêu phát triển bền vững, diêm dân sống được với nghề vốn được xem là truyền thống.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tổng Giám đốc WHO ủng hộ Việt Nam thành trung tâm khu vực về sản xuất vắc xin