Tổng thống Putin cuối cùng xác nhận rằng ông đã được tiêm Sputnik V khi Nga phải vật lộn để tiêm phòng cho người dân trong bối cảnh số ca bệnh và tử vong do COVID-19 tăng đột biến
Tổng thống Nga - Vladimir Putin cho biết ông đã được tiêm Sputnik V sau khi trước đó không tiết lộ chích loại vắc xin nào.
Ông Putin đã chia sẻ tin tức này trong khi phát biểu trên một chương trình truyền hình ở Nga hôm 30.6.
Tài khoản Twitter chính thức về Sputnik V cũng cho biết ông Putin đã tiêm vắc xin đó.
Điện Kremlin hồi tháng 3.2021 cho biết ông Putin đã được tiêm vắc xin, nhưng không tiết lộ loại nào.
Phát biểu hôm 30.6 của Tổng thống Putin được đưa ra trong bối cảnh Nga phải vật lộn để tiêm phòng cho người dân trong bối cảnh số ca bệnh và tử vong do COVID-19 tăng đột biến.
Nga đã tiêm cho khoảng 15% dân số của mình ít nhất một liều vắc xin, so với 23,4% của dân số thế giới, theo Our World in Data. Để so sánh, 54,2% dân số Mỹ đã nhận được ít nhất một liều vắc xin COVID-19, trong khi 46,4% được tiêm chủng đầy đủ, theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ.
Đầu tuần này, 18 khu vực của Nga, bao gồm cả Moscow và St.Petersburg, phải tiêm vắc xin cho nhân viên làm việc trong một số lĩnh vực nhất định, bao gồm bán lẻ, công việc của chính phủ và giáo dục, nhằm tăng tỷ lệ tiêm chủng.
Nga cũng đang chiến đấu với biến thể Delta có khả năng lây nhiễm cao. Thời báo Moscow đưa tin rằng biến thể này chiếm 90% các trường hợp mắc COVID-19 mới ở Moscow.
Đến nay, Nga ghi nhận tổng cộng 5.514.599 ca mắc COVID-19 với 135.214 người chết và 5.000.393 trường hợp khỏi bệnh. Trong 24 giờ qua, Nga có thêm 21.042 ca mắc COVID-19 và 669 người chết.
Ngày 28.3, hãng thông tấn Interfax đưa tin Tổng thống Vladimir Putin cho biết ông đã gặp phải các phản ứng phụ nhỏ từ vắc xin COVID-19 sau khi tiêm mũi đầu tiên vào hôm 17.3.
“Tôi thức dậy vào sáng hôm sau sau khi tiêm phòng và dường như tôi cảm thấy đau nhẹ ở các cơ. Tôi đã lấy nhiệt kế đo. Thân nhiệt của tôi vẫn bình thường”, ông Putin nói với kênh truyền hình Rossiya 1.
Năm nay 68 tuổi, Putin tiết lộ ông cũng có cảm giác khó chịu ở chỗ tiêm.
Thời điểm đó, Tổng thống Putin không tiết lộ đã tiêm loại nào trong số ba loại vắc xin của Nga, nói rằng chỉ bác sĩ đã tiêm cho ông biết điều đó.
Điện Kremlin đã công bố quyết định của Putin về việc chủng ngừa COVID-19 vào tháng 12.2020 và Tổng thống Nga cho biết sự chậm trễ này do nhu cầu kết hợp nó với các loại vắc xin khác mà ông dự định nhận.
Ông Putin nói rằng cả ba loại vắc xin của Nga (Sputnik V, EpiVacCorona và CoviVac) gần như tương đương nhau. Trong đó nổi tiếng nhất và được phổ biến rộng rãi nhất trong số đó là Sputnik V.
Nga chuyển giao công nghệ sản xuất vắc xin Sputnik V cho Việt Nam:
1. ‘Vắc xin Sputnik V hiệu quả khoảng 90% với biến thể Delta’
Các nhà phát triển cho biết vắc xin Sputnik V (Nga) có hiệu quả khoảng 90% với biến thể Delta.
Loại vắc xin mà Nga đã tích cực tiếp thị ra nước ngoài trước đây được các nhà nghiên cứu phát hiện có hiệu quả gần như 92% với chủng coronavirus mới ban đầu.
Denis Logunov, Phó giám đốc Viện Gamaleya của Moscow, nơi phát triển Sputnik V, cho biết con số hiệu quả khoảng 90% với biến thể Delta được tính toán dựa trên hồ sơ y tế kỹ thuật số và vắc xin, hãng tin RIA đưa tin.
Các nhà chức trách Nga đã đổ lỗi cho sự gia tăng gần đây các ca mắc COVID-19 là do biến thể Delta truyền nhiễm nhanh, mà theo họ là chiếm khoảng 90% tổng số các trường hợp mới và do nhiều người Nga ngại tiêm vắc xin.
Theo Alexander Gintsburg, Giám đốc Viện Gamaleya, các quốc gia trên toàn cầu đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về biến thể Delta.
Có dân số khoảng 144 triệu người, Nga đã phê duyệt 4 loại vắc xin sản xuất trong nước.2. 'Đã tiêm đủ 2 liều Sputnik V dù mắc COVID-19 cũng không lây cho người khác'
Những người được tiêm cả hai liều vắc xin Sputnik V (Nga) sẽ không lây lan coronavirus cho người khác ngay cả khi mắc COVID-19, theo người đứng đầu phòng thí nghiệm cơ chế biến đổi quần thể vi sinh vật gây bệnh thuộc Trung tâm nghiên cứu Gamaleya - nơi phát triển vắc xin này.
"Những người được tiêm cả hai liều vắc xin Sputnik V có nguy cơ mắc bệnh dạng trung bình hoặc nặng thấp hơn 14 lần nếu họ nhiễm bệnh. Trong trường hợp này, những người được tiêm chủng không lây lan coronavirus và do đó không gây nguy hiểm cho người khác", trưởng phòng thí nghiệm Vladimir Guschin giải thích tại một đại hội chăm sóc sức khỏe.
Sputnik V của Nga đã được phép sử dụng trong trường hợp khẩn cấp ở 66 quốc gia, bao gồm cả Việt Nam.