Báo The Asahi Shimbun ngày 6.5 đưa tin CHDCND Triều Tiên đã chỉ thị kiểm tra hai lò phản ứng xây dựng dở dang hơn 10 năm trước, nhằm phát triển nhà máy điện hạt nhân.
Theo các nguồn tin của báo, các quan chức được giao nhiệm vụ sau khi kiểm tra phải báo cáo chi tiết về khả năng khôi phục và nguyên vật liệu cần thiết cho việc này. Nỗ lực “làm sống lại” hai công trình nhằm chứng minh cho Mỹ thấy rằng Bình Nhưỡng có quyết tâm phi hạt nhân hóa bằng cách dùng lò phản ứng hạt nhân cho mục đích hòa bình.
Hai lò phản ứng nằm ở thành phố Sinpo của tỉnh Bắc Hamgyong, xây theo một thỏa thuận khung về hạt nhân được kýkết năm 1994. Mỹ trong thỏa thuận khung cam kết xây hai lò phản ứng nước nhẹ (light- water reactor) có tổng công suất 2 gigawatt, đổi lại Triều Tiên phải dừng rồi tiến tới từ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân.
Công tác xây dựng bị trì hoãn sau khi đã hoàn thành được 30% do Bình Nhưỡng bị nghi không làm đúng thỏa thuận khung. Dự án đến năm 2006 thì bị hủy bỏ.
Trong các cuộc gặp bí mật chuẩn bị cho hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều, phía Triều Tiên đã ngỏ ý chấp nhận hủy bỏ hoàn toàn chương trình hạt nhân. Ngày 20.4, lãnh đạo Kim Jong-un tuyên bố “tập trung mọi nguồn lực cho xây dựng nền kinh tế”.
Động thái kiểm tra khả năng khôi phục lò phản ứng có thể nằm trong nỗ lực giải quyết tình trạng thiếu điện, thúc đẩy phát triển kinh tế. Không những vậy, nhấn mạnh việc dùng năng lượng hạt nhân cho mục đích dân sự cũng có thể giúp Triều Tiên trong các cuộc đàm phán tới “thu hút” được tài trợ của Mỹ.
Tuy nhiên, ý tưởng xây lò phản ứng cho Bình Nhưỡng vẫn nhận phải phản đối từ giới chuyên gia. So với lò phản ứng điều hòa bằng than chì (graphite-moderated reactor) thì lò phản ứng nước nhẹ gặp nhiều khó khăn về kỹthuật hơn trong sản xuất vật liệu hạt nhân có thể chế tạo vũ khí, nhưng không có nghĩa là không thể.
Các nguồn tin đánh giá động thái tái xây dựng hai lò phản ứng có thể phức tạp hóa những cuộc đàm phán giữa Triều Tiên và Mỹ.
Cũng trong ngày 6.5, Triều Tiên bất ngờ lên tiếng chỉ trích cả Mỹ và Nhật Bản. Bình Nhưỡng cáo buộc Mỹ phá hoại tình hình hòa dịu hiện tại bằng những phát ngôn “sai lệch”. Quốc gia Đông Á khẳng định cam kết phi hạt nhân hóa mà nước này đưa ra không phải là kết quả từ các lệnh trừng phạt của Washington.
Ngoài ra, Triều Tiên cũng cho rằng Nhật nên từ bỏ những lời kêu gọi rập khuôn về “trừng phạt”, “áp lực” mà áp dụng cách tiếp cận mới với Bình Nhưỡng, nếu muốn tham gia vào những hoạt động ngoại giao có ảnh hưởng đến tình hình bán đảo hiện nay.
Cẩm Bình (theo The Asahi Shimbun, The Japan Times)