Module Mộng Thiên sẽ ghép nối và hoàn thành trạm vũ trụ Thiên Cung của Trung Quốc vào tháng 10 tới.
Trung Quốc đang chuẩn bị hoàn thành trạm vũ trụ Thiên Cung với lần phóng module thứ ba trong vòng chưa đầy 18 tháng. Module thí nghiệm Mộng Thiên đã được vận chuyển từ thành phố cảng phía bắc Thiên Tân đến Trung tâm phóng vệ tinh Văn Xương ở miền nam Trung Quốc vào ngày 9.8.
Tiếp theo, module dài 17,9 mét này sẽ được lắp ráp và đưa vào thử nghiệm tại cảng vũ trụ Văn Xương để chuẩn bị cho một vụ phóng dự kiến vào tháng 10 để hoàn thành trạm Thiên Cung hình chữ T. Sau khi hoàn thành, trạm Thiên Cung sẽ nặng từ 80-100 tấn, bằng khoảng 20% so với Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS).
Module lõi Thiên Hà được phóng vào tháng 4.2021 và đã tiếp nhận các tàu chở hàng Thiên Châu cùng với các sứ mệnh Thần Châu. Vào tháng trước, module thứ 2 là Vấn Thiên cũng được đưa lên quỹ đạo trên đỉnh tên lửa Trường Chinh 5B.
Trong các lần phóng trước đây đều chứng kiến sự trở lại Trái đất một cách không kiểm soát của tầng đầu tiên tên lửa Trường Chinh 5B. Các chuyên gia cho rằng điều này có thể sẽ xảy ra trong vụ phóng module Mộng Thiên.
Năm ngoái, một tầng lõi của một tên lửa Trường Chinh 5B đã rơi xuống Ấn Độ Dương. Trước đó vào năm 2020, các mảnh vỡ bao gồm phần ống dài hơn 12 m của tên lửa rơi xuống hai ngôi làng ở Bờ Biển Ngà, phá hủy một số tòa nhà. Thiên Cung 1, phòng thí nghiệm nguyên mẫu mở đường cho trạm vũ trụ Thiên Cung, cũng đã rơi trở lại Trái đất trên Thái Bình Dương vào tháng 4.2018.
Trung Quốc có kế hoạch vận hành trạm vũ trụ Thiên Cung trong ít nhất một thập kỷ và có thể mở cơ sở này cho các sứ mệnh thương mại cùng chuyến thăm của khách du lịch.