Đám cưới trở thành mục tiêu cải cách mới nhất của Trung Quốc, do chính quyền lo ngại nghi lễ này đang trở nên quá xa hoa và có nhiều vấn đề về mặt đạo đức.

Trung Quốc muốn dẹp bỏ đám cưới xa hoa

Cẩm Bình | 03/12/2018, 18:16

Đám cưới trở thành mục tiêu cải cách mới nhất của Trung Quốc, do chính quyền lo ngại nghi lễ này đang trở nên quá xa hoa và có nhiều vấn đề về mặt đạo đức.

Đây là đánh giá do Bộ Nội vụ Trung Quốc đưa ra. Cơ quan này khuyến khích người dân ăn mừng ngày trọng đại của đời mình một cách tiết kiệm, truyền thống hơn.

Trang Kinh tế Trung Quốc cho biết Bộ Nội vụ muốn xử lý các hiện tượng mừng cưới bằng số tiền “khủng”, tổ chức hoành tráng để không thua kém hàng xóm, tỏ ý chúc mừng bằng một số hành động quái dị. Theo Bộ Nội vụ thì đây đều là biểu hiện của tư tưởng tôn thờ đồng tiền cũng như xuống cấp đạo đức.

“Những vấn đề này không chỉ cản trở nỗ lực giảm nghèo, tăng trưởng kinh tế nông thôn mà còn gây ảnh hưởng đến hòa hợp gia đình lẫn phát triển của xã hội”, đại diện Bộ Nội vụ Trung Quốc phát biểu trong một hội nghị quốc gia diễn ra tại tỉnh Sơn Đông hôm 30.11.

Ông Dương Tông Đào, quan chức Bộ Nội vụ, phát biểu trên Đài truyền hình trung ương Trung Quốc (CCTV) ngày 2.11: “Chúng tôi sẽ dựa vào những tổ chức cơ sở ở nông thôn để đặt ra bộ quy tắc hướng dẫn tổ chức đám cưới và giới hạn tiền mừng. Chúng sẽ được chuẩn hóa dưới hình thức một tục lệ cấp làng, do một ủy ban phụ trách đám cưới cùng đám tang tiến hành”. Chính quyền địa phương cũng có nghĩa vụ tham gia giúp đỡ tổ chức.

Bộ Nội vụ Trung Quốc khuyến khích người dân ăn mừng ngày trọng đại của đời mình một cách tiết kiệm, truyền thống hơn - Ảnh: Tân Hoa Xã

Một số chuyên gia không tin biện pháp nêu trên có thể thay đổi tư tưởng người dân. Theo nhà nghiên cứu Hứa An Kỳ đến từ Viện Khoa học xã hội Thượng Hải: “Những nghi lễ truyền thống này được thực hành trong nhiều năm và ngày càng trở nên phổ biến, nên không thể nào cấm bằng một lệnh hành chính đơn giản vậy được”.

Nhà nghiên cứu Hứa cũng đánh giá ủy ban phụ trách đám cưới cùng đám tang không hiệu quả cho cấp cơ sở thiếu năng lực. Đây là đơn vị mới thành lập vài năm gần đây, có nhiệm vụ chống lãng phí trong tổ chức nghi lễ.

Theo bà, giáo dục cộng đồng cùng với quảng bá tư tưởng - cách làm mới vẫn phải đóng vai trò chủ yếu. Truyền thông không nên đưa tin quá nhiều về đám cưới của người nổi tiếng, trong khi phía người nổi tiếng cũng phải làm gương.

Trang Đức Thủy, Phó chủ nhiệm Trung tâm nghiên cứu Chống tham nhũng - Xây dựng chính quyền liêm khiết thuộc đại học Bắc Kinh, cho hay: “Trong nhiều trường hợp, đám cưới với đám tang là cơ hội để cán bộ công chức nhận hối lộ. Vì vậy làm sạch môi trường xã hội giúp ích cho chống tham nhũng.

Giới chức Trung Quốc trước đó đã nhắm đến chấn chỉnh đám tang bằng cách cấm chôn cất, đơn giản hóa hoạt động tang lễ, điều chỉnh giá dịch vụ liên quan. Một số chính quyền địa phương quy định chỉ cho phép hỏa táng người đã khuất và tịch thu quan tài mà nhiều người dân tốn rất nhiều tiền để mua.

Cẩm Bình (theo SCMP)
Bài liên quan
Người Trung Quốc bán hàng xuyên biên giới đối mặt tương lai u ám nếu TikTok bị cấm ở Mỹ
Điều hành một số cửa hàng sinh lời trên TikTok cho công ty thương mại điện tử Uebezz, Luo Ziyan từng khiến các nhà buôn khác ở Nghĩa Ô, trung tâm xuất khẩu phía nam Thượng Hải (Trung Quốc) phải ghen tị.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Chuyên gia nói gì về dự thảo nghị định điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu?
Chuyên gia đồng tình việc ghi nhận sản lượng điện giá 0 đồng khi chưa tính toán được toàn bộ lợi ích-chi phí và những hệ lụy của việc các hộ điện mặt trời tự sản, tự tiêu bán điện vào lưới điện quốc gia. Tuy nhiên, cần tính toán cụ thể về lợi và hại của lượng điện này.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Trung Quốc muốn dẹp bỏ đám cưới xa hoa