Trung Quốc và Liên minh châu Phi (AU) ngày 29.1 lên tiếng phủ nhận thông tin Bắc Kinh cài máy nghe lén và ăn cắp dữ liệu từ máy tính của trụ sở AU trong 5 năm qua. Trụ sở AU ở Ethiopia là công trình được Trung Quốc rót tiền và chịu trách nhiệm xây dựng.

Trung Quốc phủ nhận thông tin cài máy nghe lén tại trụ sở Liên minh châu Phi

Cẩm Bình | 31/01/2018, 05:23

Trung Quốc và Liên minh châu Phi (AU) ngày 29.1 lên tiếng phủ nhận thông tin Bắc Kinh cài máy nghe lén và ăn cắp dữ liệu từ máy tính của trụ sở AU trong 5 năm qua. Trụ sở AU ở Ethiopia là công trình được Trung Quốc rót tiền và chịu trách nhiệm xây dựng.

Thông tin trên được báo Thế giới(Le Monde)của Pháp dẫn lời các nguồn tin trong AU tiết lộ. Theo các nguồn tin, dữ liệu trong các máy tính trong trụ sở AU được sao chép rồi chuyển về các máy chủ đặt tại Thượng Hải (Trung Quốc) vào mỗi tối. Hoạt động này kéo dài từ tháng 1.2012 (thời điểm tòa nhà chính thức mở cửa hoạt động) đến tháng 1.2017

Sau khi bị phát hiện, hệ thống công nghệ thông tin bao gồm cả máy chủ của toàn trụ sở đã được thay đổi, và một chiến dịch truy tìm bọ nghe lén cũng đồng thời được tiến hành. Trong chiến dịch, không ít micro ở dưới bàn làm việc và trong tường của trụ sở đã bị phát hiện, theo Le Monde.

Toàn bộ chi phí xây dựng trụ sở AU, 200 triệu USD, đều do Trung Quốc chi trả. Đơn vị xây dựng cũng là một công ty Trung Quốc.

Trước thông tin này, quan chức Bắc Kinh và AU ngày 29.1 đã lên tiếng phủ nhận. Ông Khoáng Vỹ Lâm, Đại sứ Trung Quốc tại AU, đánh giá bài báo của Le Monde là “phi lý” và có mục đích gây áp lực lên quan hệ giữa quốc gia châu Á với châu Phi.

Ông Khoáng Vỹ Lâm, Đại sứ Trung Quốc tại AU, phủ nhận thông tin Trung Quốc tổ chức theo dõi hoạt động của trụ sở AU - Ảnh: Africa Read

Còn theo Tổng thống Rwanda Paul Kagame, người giữ chức Chủ tịch AU năm nay: “Tôi không nghĩ gián điệp là đặc sản của Trung Quốc. Chúng ta có gián điệp ở khắp nơi trên thế giới, nhưng tôi không phải lo lắng về việc bị theo dõi trong tòa nhà này”.

Quan tâm duy nhất của ông Kagame chính là lẽ ra AU nên tự mình xây dựng trụ sở của khối thay vì nhờ Trung Quốc.

Trong những năm qua, Trung Quốc đã không ngừng đẩy mạnh đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng ở châu Phi với mong muốn tăng cường quan hệ với các quốc gia ở lục địa này, qua đó tiếp cận được nguồn tài nguyên to lớn phục vụ cho phát triển kinh tế Trung Quốc. Trụ sở AU chính là công trình biểu tượng cho sức ảnh hưởng ngày càng lớn của Bắc Kinh tại đây.

Aly-Khan Satchu, một nhà phân tích đầu tại Nairobi (Kenya), đánh giá thông tin mà Le Monde tiết lộ lần này là “hồi chuông cảnh báo” cho châu Phi. Theo nhà phân tích: “Có lý thuyết cho rằng Trung Quốc là ông già Noel (đi phát quà cho các nước). Không phải như vậy. Các lãnh đạo của chúng ta phải bỏ đi tư tưởng này”.

Tờ Financial Times dẫn lời một quan chức ngoại giao phương Tây làm việc tại châu Phi đánh giá không có gì ngạc nhiên khi Trung Quốc tiến hành hoạt động gián điệp tại tòa nhà do họ xây dựng. Nhà ngoại giao này còn cảnh báo tòa nhà còn nhiều vấn đề dính tới Bắc Kinh chứ không chỉ riêng hệ thống an ninh mạng.

Cẩm Bình (theo The Guardian, Financial Times)
Bài liên quan
Trung Quốc chạy đua tích trữ chip từ Mỹ trước khi ông Trump tăng cường lệnh trừng phạt
Khi lệnh hạn chế công nghệ từ Mỹ có thể gia tăng trong nhiệm kỳ thứ hai của ông Trump, lượng mạch tích hợp Mỹ được nhập khẩu vào Trung Quốc đã tăng vọt.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Chuyển đổi số xanh Hải Phòng: Thách thức và cơ hội
3 giờ trước Nhịp đập khoa học
Ngày 22.11, UBND TP.Hải Phòng và Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA) tổ chức Diễn đàn Chuyển đổi số – Hải Phòng 2024 với chủ đề “Chuyển đổi số xanh – Động lực phát triển kinh tế, xã hội”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Trung Quốc phủ nhận thông tin cài máy nghe lén tại trụ sở Liên minh châu Phi