Kết thúc lượt 4 vòng 1, V-League 2023 sẽ tạm nghỉ khoảng 6 tuần. Sau đó giải đấu sẽ đá tiếp 3 lượt, rồi lại nghỉ hơn 1 tháng. Quãng nghỉ lạ lùng nhất, bất hợp lý nhất và cũng là duy nhất trong thế giới bóng đá chuyên nghiệp của V-League do Công ty cổ phần bóng đá chuyên nghiệp (VPF) điều hành và tổ chức đã khiến nhiều HLV vô cùng bức xúc.
HLV Vũ Hồng Việt của CLB Nam Định nói: "Tôi nghĩ các CLB nên có tiếng nói hơn trong việc này. Không có giải VĐQG nào đá mấy vòng lại nghỉ hơn 1 tháng, rồi sau đó đá 3 vòng thì lại nghỉ tiếp 1 tháng. Điều này thực sự bất cập. Tôi nghĩ nếu nghỉ để nhường chỗ ĐTQG trong một thời gian như vậy đã là quá rồi. Còn nghỉ dành cho một đội tuyển trẻ (U20) như vậy là không nên".
HLV Chu Đình Nghiêm của CLB Hải Phòng phát biểu: "Tôi nghĩ mới đá được 4 vòng mà giải đấu đã nghỉ gần 50 ngày, thực sự quãng thời gian đó quá dài. Cầu thủ vừa bắt nhịp được thì lại phải nghỉ. HLV lại phải cố bắt đầu lại để lấy nhịp thi đấu của các cầu thủ. Thực sự giải đấu bị cắt vụn quá nhiều".
HLV Nguyễn Thành Công của CLB Hà Tĩnh cũng nói hết các hệ lụy một cách cụ thể: "Thực sự đây là một điều bất cập. Nó ảnh hưởng đến rất nhiều thứ: tài chính CLB, phong độ, nhịp thi đấu của các cầu thủ bị giảm sút".
Không chỉ HLV trong nước phản ứng, HLV Bozidar Bandovic của CLB Hà Nội cũng ngán ngẩm: "Thực sự quãng nghỉ như vậy là rất dài. Sau trận đấu hôm nay, giải đấu sẽ tạm nghỉ khoảng 6 tuần, sau đó đá thêm 3 trận rồi lại nghỉ tiếp 35 ngày nữa. Đời tôi đi huấn luyện chưa gặp ở đâu có quãng nghỉ dài như thế này. Ở Thai-League cũng có hai quãng nghỉ, nhưng nó bình thường như mọi giải đấu khác trên thế giới".
Dù đánh giá việc nghỉ dài có lợi cho việc làm quen thêm đội bóng nhưng HLV Paulo Foiani của CAHN cũng nói: "Các giải trên thế giới thường diễn ra liên tục. Quãng nghỉ này với những đội đang đá tốt thì không thuận lợi, với những đội chưa tốt thì thuận lợi cho họ khi có thêm thời gian điều chỉnh".
Các HLV phát biểu đều thẳng thắn, chuyên nghiệp dựa trên quan điểm bảo vệ chuyên môn và thành tích của CLB. Trước giờ, chúng ta vẫn có nếp nghĩ bóng đá thời nghiệp dư là giải vô địch muốn dừng lúc nào cũng được để tập trung toàn bộ cho đội tuyển quốc gia. Điều này hoàn toàn sai khi ngày nay đã là bóng đá chuyên nghiệp.
Bóng đá Việt Nam chậm phát triển vì VFF và VPF đứng bên lề thế giới
Trong môi trường bóng đá chuyên nghiệp, cầu thủ là người lao động phải phục vụ CLB trả lương cho họ. Các CLB chỉ trả cầu thủ cho đội tuyển theo những ngày được gọi là FIFA days; đồng thời khi cầu thủ tập trung ở đội tuyển, CLB vẫn phải trả lương cho họ.
FIFA trước đây ép các CLB phải cho phép cầu thủ thi đấu các giải lớn như World Cup. Nhưng gần đây FIFA cũng phải biết điều khi không thể gặm miếng bánh lợi nhuận một mình trên lưng cầu thủ và đặc biệt là các CLB. FIFA đã bắt đầu biết hướng sang mối quan hệ win-win hơn.
Theo Chương trình bảo vệ cầu thủ (PPP) được thông qua tháng 12.2018 và hết hiệu lực vào cuối năm 2022, FIFA sẽ bồi thường cho CLB chủ quản nếu cầu thủ thuộc biên chế bị chấn thương khi thi đấu cho đội tuyển quốc gia. Tuy nhiên, quy định này chỉ được áp dụng nếu tình trạng chấn thương kéo dài trên 28 ngày và chỉ bồi thường tối đa 1 năm. Số tiền bồi thường sẽ được tính toán dựa trên mức lương cố định của cầu thủ liên quan, FIFA thanh toán trực tiếp cho đội bóng chủ quản.
Đặc biệt là tại World Cup 2022, FIFA chi tổng cộng 209 triệu USD cho các CLB để có được sự tập trung của 800 cầu thủ tại Qatar trong 4 tuần. CLB sẽ nhận về 10.000 USD/ngày cho mỗi cầu thủ tham dự World Cup 2022. Thực ra, số tiền đó rất thấp so với lương PSG trả cho Leo Messi hay Kylian Mbappe, nhưng dù sao cũng cho thấy sự thay đổi trong cách hành xử của FIFA: trân trọng các CLB hơn!
Từ thay đổi của FIFA, LĐBĐ Việt Nam (VFF) cũng nên thay đổi trong cách điều hành. Đội tuyển quốc gia tập trung là quan trọng, mang về nhiều nguồn lợi cho VFF, nhưng phải tập trung như thế nào để đảm bảo lợi ích cho CLB đã trả lương cho cầu thủ. Các CLB cũng muốn số tiền họ đầu tư cho cầu thủ được đổi bằng phong độ ổn định trong một giải đấu đậm chất chuyên nghiệp như V-League. Nếu VFF có thông báo rõ ràng về việc trả cho các CLB tiền mỗi ngày tập trung cầu thủ như FIFA đã và đang điều hành, các CLB bóng đá ở Việt Nam sẽ vui vẻ hơn trước sự quan tâm của VFF.
Riêng về vấn đề V-League “dừng vô tội vạ”, dừng chỉ có lợi cho bệnh thành tích các cấp đội tuyển của VFF và VPF mà không quan tâm đến sự thiệt hại của các CLB; đồng thời cũng không màng đến hình ảnh, thương hiệu, uy tín, chất lượng giải vô địch quốc gia, đã đến lúc dù quá trễ, VPF cũng phải thay đổi tư duy tổ chức và điều hành V-League.
Bước đột phá của CLB quần vợt Hải Đăng và Lý Hoàng Nam
Trong khi các CLB bóng đá ở Việt Nam không đấu tranh quyết liệt bằng hành động và mới chỉ dừng bằng lời nói trước những quyết định đi ngược với xu hướng phát triển của bóng đá thế giới của VFF và VPF, thì trong quần vợt, CLB Hải Đăng và tay vợt nam số 1 Việt Nam Lý Hoàng Nam đã đấu tranh vì lẽ phải đã khiến cho người hâm mộ càng hiểu rõ hơn cách điều hành rất kém cùng quan điểm lạc hậu của Liên đoàn quần vợt Việt Nam (VTF).
Ông Thái Trường Giang, Chủ tịch Tập đoàn Hải Đăng, cho biết: "Mỗi năm, chỉ riêng việc đầu tư cho Hoàng Nam gồm cả HLV chuyên môn, HLV thể lực trong việc di chuyển, thi đấu, ăn, ở trong nước và đặc biệt là nước ngoài cũng khoảng 5 tỉ đồng”.
Làm phép tính nhẩm cũng thấy số tiền Nam từng đề nghị hỗ trợ (50 triệu đồng từ tháng 2.2023 để tập luyện, thi đấu trong nước lẫn nước ngoài chuẩn bị cho SEA Games 32; đồng thời Nam sẽ được thưởng 200 triệu đồng nếu đoạt HCV đơn nam) không là gì so với số tiền 5 tỉ đồng mà CLB quần vợt Hải Đăng đầu tư cho Lý Hoàng Nam trong một năm. Tính cả 3 tháng tập luyện và nếu giành HCV thì số tiền hỗ trợ và thưởng tối đa chỉ là 350 triệu, chỉ bằng 7% số tiền CLB quần vợt Hải Đăng đầu tư cho Nam.
So sánh để thấy số tiền Lý Hoàng Nam từng đề nghị không hề nhiều và càng không vì mục đích coi tiền bạc là động cơ thi đấu SEA Games.
Trở lại với các tổ chức thể thao ở Việt Nam, nếu như VFF, VPF hay VTF biết học theo tinh thần chia sẻ của FIFA, biết trân trọng các VĐV và đặc biệt là các CLB thì sẽ không có những tranh cãi như thời gian qua.
Chúng ta hy vọng khi xã hội nói chung và VFF, VPF cùng VTF có cái nhìn đúng về thể thao chuyên nghiệp, khi đó bóng đá và quần vợt Việt Nam mới có thể hy vọng phát triển đột phá.