Căng thẳng đang gia tăng xung quanh đảo Đài Loan sau chuyến thăm gây tranh cãi của Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi.
Trung Quốc phản ứng gay gắt với chuyến thăm Đài Loan của Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi và đáp trả bằng các cuộc tập trận quân sự "chưa từng có tiền lệ".
Bắc Kinh tuyên bố tập trận bắn đạn thật trên không và trên biển tại 6 khu vực quanh đảo Đài Loan từ ngày 4 tới 7.8. Phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Trung Quốc Đàm Khắc Phi nhấn mạnh các cuộc tập trận này rõ ràng là để phản ứng với "sự cấu kết giữa Đài Loan và Mỹ".
Đáng chú ý, Thời báo Hoàn Cầu (Global Times) thuộc Cơ quan Ngôn luận của đảng Cộng sản Trung Quốc đã gọi các cuộc tập trận mới nhất này là "cuộc diễn tập cho chiến dịch thống nhất".
Về phần mình, Cơ quan Phòng vệ Đài Loan xác nhận Trung Quốc đã phóng một số tên lửa đạn đạo vào chiều 4.8 nhằm vào các vùng biển ở phía đông bắc và tây nam đảo tự trị. Đài Loan cáo buộc Bắc Kinh đang cố tình phong tỏa khu vực và khẳng định Đài Bắc sẽ giữ vững nguyên tắc "chuẩn bị cho chiến tranh mà không tìm kiếm chiến tranh" cũng như "thái độ không leo thang xung đột và gây ra xung đột".
Tuy nhiên, nếu xung đột vũ lực công khai nổ ra, về tương quan lực lượng Đài Loan chắc chắn sẽ bị Trung Quốc áp đảo trên mặt đất, trên không và trên biển, theo một báo cáo của Mỹ.
Năm 2021, Bộ Quốc phòng Mỹ đã công bố một báo cáo trước quốc hội với tiêu đề "Sự phát triển quân sự và an ninh có sự tham gia của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa", trong đó phân tích và so sánh về sức mạnh của quân đội Trung Quốc và Đài Loan.
Dựa trên dữ liệu năm 2020, họ kết luận rằng Trung Quốc có 1.040.000 quân, so với 88.000 của Đài Loan. Trung Quốc có thể hỗ trợ quân đội của mình với 6.300 xe tăng và 7.000 khẩu pháo, trong khi Đài Loan có thể trang bị 800 xe tăng và 1.100 khẩu tương ứng. Bắc Kinh cũng có lợi thế lớn về hải quân với hai tàu sân bay. Ngoài ra, Trung Quốc còn sở hữu 37 tàu đổ bộ vượt xa hạm đội 14 chiếc do Đài Loan sở hữu.
Trung Quốc có thể triển khai 32 tàu khu trục và 48 khinh hạm, so với 4 và 22 của Đài Loan. Trong tác chiến tàu ngầm, Bắc Kinh hoàn toàn chiếm ưu thế với 9 tàu ngầm tấn công hạt nhân và 6 tàu ngầm tên lửa đạn đạo. Đài Loan chỉ có hai tàu ngầm tấn công diesel so với 56 chiếc của Trung Quốc.
So sánh trên không cũng hoàn toàn chênh lệch khi Bắc Kinh trang bị 1.600 máy bay chiến đấu so với 400 của Đài Loan. Trung Quốc cũng có 450 máy bay ném bom chuyên dụng và 400 máy bay vận tải, trong khi Đài Bắc chỉ có 30 máy bay vận tải và không có máy bay ném bom.
Mặc dù có ưu thế rõ ràng về lực lượng nhưng một cuộc tấn công Đài Loan, vốn có thể sẽ đòi hỏi một trong những cuộc tấn công đổ bộ lớn nhất trong lịch sử quân sự, sẽ không dễ dàng đối với Trung Quốc.
Ngoài việc đối phó với lực lượng phòng vệ Đài Loan, Bắc Kinh còn có thể phải đối mặt với sự đáp trả từ các đồng minh của đảo tự trị như Mỹ và Nhật Bản.
Mỹ hiện có hơn 79.000 binh sĩ đóng quân thường trú ở Nhật Bản và Hàn Quốc gần đó. Từ trước đến nay, Mỹ vẫn duy trì chính sách "mơ hồ chiến lược" về ý định của mình nếu Đài Loan bị chiếm đóng.
Trong khi đó, sự ủng hộ của Nhật Bản đối với Đài Loan cũng trở nên mạnh mẽ hơn trong vài năm qua, phá vỡ chính sách trước đây của nước này. Vào tháng 6 năm 2021, Yasuhide Nakayama, Thứ trưởng Quốc phòng Nhật Bản khi đó đã phát biểu tại một hội nghị rằng "Nhật Bản phải bảo vệ Đài Loan với tư cách là một quốc gia dân chủ".
Phát biểu với BBC vào tháng trước, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ Mark Milley cho biết "không có dấu hiệu hoặc cảnh báo nào" cho thấy một cuộc tấn công của Trung Quốc vào Đài Loan sắp xảy ra. Tuy nhiên, ông cảnh báo Trung Quốc "rõ ràng đang phát triển một khả năng" để tấn công, đồng thời nói thêm rằng "chúng tôi đang theo dõi rất cẩn thận".