Theo đài CNN, xung đột Israel - Hamas đã lan rộng ra khắp Trung Đông khiến nguy cơ đối đầu giữac Iran với Mỹ ngày càng dễ xảy ra.
Quốc tế

Tương quan lực lượng Mỹ và Iran tại Trung Đông

Cẩm Bình 25/01/2024 11:00

Theo đài CNN, xung đột Israel - Hamas đã lan rộng ra khắp Trung Đông khiến nguy cơ đối đầu giữac Iran với Mỹ ngày càng dễ xảy ra.

Tại khu vực thời gian qua, giao tranh chỉ giới hạn ở tấn công ăn miếng trả miếng giữa Mỹ, Israel cùng đồng minh với lực lượng ủy nhiệm của Iran. Nhưng gần đây cả Iran lẫn Mỹ đều can dự trực tiếp nên làm dấy lên lo ngại.

Luôn phản đối Mỹ thiết lập hiện diện quân sự ở Trung Đông, Iran vài thập niên qua nỗ lực phát triển mạng lưới vũ trang Hồi giáo chống phương Tây và Israel bằng cách giúp sức huấn luyện, cung cấp tài chính lẫn khí tài. Từ khi xung đột Israel - Hamas bùng nổ thì các nhóm vũ trang trở nên hiếu chiến hơn, đặc biệt là Houthi liên tục tập kích tàu hàng di chuyển qua Biển Đỏ gây gián đoạn giao thương toàn cầu. Hamas tại Dải Gaza cũng xây dựng quan hệ và nhận hỗ trợ từ Iran.

Mỹ vốn đang cố “xoay trục” khỏi Trung Đông nhưng nay lại bị cuốn vào vòng xoáy bạo lực tại khu vực. Trước xung đột, Washington đã có hiện diện quân sự đáng kể với hơn 30.000 quân. Khi xung đột bùng nổ, họ còn triển khai thêm 1.200 quân, nhóm tác chiến tàu sân bay cùng đơn vị viễn chinh thủy quân lục chiến. Tại một số quốc gia như Syria và Iraq có cả lực lượng Mỹ cùng đồng minh và lực lượng Iran cùng các nhóm vũ trang ủy nhiệm đồn trú.

tuong01.jpg
Phân bố lực lượng của Mỹ và Iran tại Trung Đông - Ảnh: CNN

Lebanon

Đây là nơi nhóm Hezbollah hùng mạnh - một trong số lực lượng ủy nhiệm hiệu quả nhất của Iran - đồn trú. Nhóm đẩy mạnh tấn công vùng biên giới Lebanon - Israel từ khi xung đột bùng nổ.

Giới chuyên gia ước tính Hezbollah sở hữu 150.000 - 200.000 tên lửa cùng đạn pháo, súng cối. Theo Viện Nghiên cứu an ninh Tel Aviv, hàng trăm tên lửa trong số này có độ chính xác cao và sức tàn phá lớn.

Thủ lĩnh Hezbollah Sayyed Hassan Nasrallah từng tuyên bố nhóm có đến 100.000 chiến binh (tính cả quân dự bị). Iran được xác định là bên cung cấp vũ khí chính của nhóm.

Iraq

Ba nhóm vũ trang theo Hồi giáo Shiite Kataib Hezbollah, Harakat al-Nujaba, Kata'ib Sayyid al-Shuhada tại Iraq có quan hệ chặt chẽ với Lực lượng Vệ binh cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC). Đặc biệt Kataib Hezbollah thân thiết với Tehran hơn cả Baghdad. Tình báo Mỹ tin rằng nhóm này có tới 10.000 thành viên.

Iraq cũng là quê hương của tổ chức Badr do IRGC thành lập, cũng như Asaib Ahl Al-Haq. Các nhóm vũ trang được Iran hậu thuẫn thời gian qua đẩy mạnh tấn công lực lượng Mỹ đồn trú, phía Mỹ không ngần ngại tập kích đáp trả.

Năm 2008, tại Iraq có đến 160.000 quân Mỹ đồn trú. Giờ đây số lượng giảm còn 2.500, phân bố rải rác ở một số căn cứ như Erbil, Al-Asad, JOC-I.

Lo ngại đất nước trở thành bàn đạp cho sự đối đầu quy mô khu vực, Thủ tướng Iraq Mohammed Shia al-Sudani yêu cầu liên quân do Mỹ dần đầu rời khỏi, tuy nhiên Lầu Năm Góc khẳng định họ không định rút quân.

tuong00.jpg
Lực lượng Mỹ đồn trú bị các nhóm vũ trang nhắm đến thời gian qua - Ảnh: CNN

Syria

Iraq thiết lập hiện diện quân sự trực tiếp tại đây. Đơn vị tinh nhuệ Quds của IRGC được triển khai từ năm 2011 để giúp Tổng thống Syria Bashar al-Assad giữ vững quyền lực.

Syria cũng là nơi hai nhóm vũ trang theo Hồi giáo Shiite Zainabiyoun và Fatemiyoun có quan hệ với IRGC đồn trú. Thành viên nhóm được tuyển mộ từ Afghanistan hoặc Pakistan.

Mỹ triển khai 800 quân ở Syria cho nhiệm vụ xóa sổ tàn dư khủng bố IS, hầu hết đóng ở phía đông, đông bắc và đông nam.

Yemen

Houthi hiện kiểm soát miền Bắc Yemen, đối đầu với liên minh quân sự do Ả Rập Saudi dẫn đầu (được Mỹ hậu thuẫn) từ tháng 3.2015 đến nay trước khi đình chiến vào năm ngoái.

Nhóm phụ thuộc nguồn linh kiện Iran để chế tạo vũ khí. Nhưng một nguồn tin tình báo Mỹ tiết lộ Houthi thành công thực hiện nhiều cải tiến nên khí tài tự sản xuất đạt hiệu quả tác chiến cao.

Về phía Mỹ, nước này triển khai hàng loạt tàu chiến đến Biển Đỏ ở ngoài khơi Yemen. Thời gian qua tàu chiến Mỹ đảm nhận việc bắn hạ tên lửa cùng máy bay không người lái (UAV) mà Houthi phóng đi, hơn 1 tuần gần đây còn tham gia tấn công nhiều mục tiêu Houthi trên lãnh thổ Yemen. Tháng 12.2023, Washington lập liên minh quy tụ hơn 20 nước bảo vệ hoạt động giao thương qua Biển Đỏ.

Dải Gaza và Israel

Dải Gaza là địa bàn của Hamas. Israel ước tính trước xung đột nhóm này có khoảng 30.000 chiến binh.

Mặc dù theo Hồi giáo Sunni nhưng Hamas lại thiết lập quan hệ mật thiết với Iran cùng các thế lực Hồi giáo Shiite. Mỹ tin rằng mỗi năm giới chức Tehran cung cấp tới 100 triệu USD cho một số nhóm vũ trang người Palestine trong đó có Hamas.

Qua 4 tháng triển khai chiến dịch quân sự, quân đội Israel chỉ tiêu diệt được khoảng 30% lực lượng chiến đấu của Hamas, chưa bắt hay tiêu diệt được bất cứ nhân vật lãnh đạo nào.

Bên kia biên giới Gaza, Israel là nước nhận nhiều viện trợ quân sự Mỹ nhất. Từ lúc Israel lập quốc đến nay Washington đã cung cấp hơn 130 tỉ USD viện trợ.

Các nước Ả Rập vùng Vịnh và Thổ Nhĩ Kỳ

Hiện có khoảng 13.500 quân Mỹ ở Kuwait - chỉ thua ở Đức, Nhật, Hàn. Đứng ngay sau là Qatar với 10.000 quân đồn trú căn cứ không quân Al-Udeid (căn cứ lớn nhất Trung Đông của Mỹ). CNN đầu tháng qua tiết lộ Washington âm thầm đạt thỏa thuận kéo dài thời gian đóng quân thêm 10 năm.

Trường hợp Qatar khá đặc biệt. Nước này duy trì được quan hệ tốt đẹp với cả Mỹ lẫn Hamas, bên cạnh để lực lượng Mỹ đồn trú họ còn cho phép Hamas đặt văn phòng chính trị.

Hơn 2.700 quân Mỹ đang đóng tại căn cứ Prince Sultan trên lãnh thổ Ả Rập Saudi. Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) đang đón tiếp 3.500 quân Mỹ tại căn cứ Al Dhafra.

Bahrain là nơi Hạm đội 5 thuộc hải quân Mỹ đặt trụ sở, ở Jordan có khoảng 3.000 quân, Thổ Nhĩ Kỳ cũng để cho 1.465 quân đồn trú.

Bài liên quan
Bộ Hiệu quả chính phủ Mỹ sẽ không cho công chức liên bang làm việc từ xa
Đài CNN cho biết Bộ Hiệu quả chính phủ Mỹ (DOGE) do tỷ phú Elon Musk cùng doanh nhân Vivek Ramaswamy lãnh đạo dự kiến thúc đẩy chấm dứt hình thức làm việc từ xa với tất cả cơ quan liên bang nhằm cắt giảm công chức.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Điểm mới của lễ trao Giải thưởng Sách quốc gia lần thứ 7
14 phút trước Văn hóa
Ngày 22.11, Ban tổ chức Giải thưởng Sách quốc gia lần thứ 7 tổ chức họp báo thông tin về lễ trao giải sẽ diễn ra vào ngày 29.11 tại Nhà hát lớn Hà Nội.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tương quan lực lượng Mỹ và Iran tại Trung Đông