Một ủy ban của Quốc hội đang điều tra 4 công ty đầu tư mạo hiểm Mỹ vì đổ tiền vào các hãng công nghệ Trung Quốc.

Ủy ban Hạ viện điều tra 4 công ty Mỹ vì đầu tư vào các hãng AI và chip Trung Quốc

Sơn Vân | 20/07/2023, 15:10

Một ủy ban của Quốc hội đang điều tra 4 công ty đầu tư mạo hiểm Mỹ vì đổ tiền vào các hãng công nghệ Trung Quốc.

Đây là dấu hiệu mới nhất cho thấy chính quyền Biden đang gia tăng giám sát các quỹ đầu tư của Mỹ bị nghi ngờ đang hỗ trợ phát triển các ngành công nghiệp nhạy cảm ở Trung Quốc.

Các khoản đầu tư của GGV Capital, GSR Ventures, Walden International và Qualcomm Ventures đang được điều tra bởi Ủy ban về cạnh tranh chiến lược với Trung Quốc thuộc Hạ viện Mỹ, do Michael Gallagher (đảng viên đảng Cộng hòa ở bang Wisconsin) đứng đầu.

GGV Capital từ chối bình luận. SR Ventures, Walden International và Qualcomm Ventures không trả lời khi được đề nghị bình luận.

Theo trang Wall Street Journal, cuộc điều tra diễn ra khi chính quyền Biden tìm cách ngăn chặn sự phát triển công nghệ thế hệ tiếp theo của Trung Quốc mà các quan chức lo ngại sẽ chiếm ưu thế trong lĩnh vực an ninh và kinh tế, đặc biệt là chất bán dẫn, trí tuệ nhân tạo (AI) và điện toán lượng tử.

Nhà Trắng cùng các thành viên Quốc hội đang xây dựng chính sách để theo dõi và có khả năng ngăn chặn các khoản đầu tư của Mỹ vào những lĩnh vực đó ở Trung Quốc, mà họ cho rằng đang được sử dụng cho hành vi vi phạm nhân quyền và nâng cao năng lực quân sự.

Michael Gallagher đã gọi 4 công ty này là “mục tiêu ban đầu” của Ủy ban về cạnh tranh chiến lược với Trung Quốc. Ông cho biết cuộc điều tra sẽ cung cấp thông tin để làm cơ sở cho các đề xuất chính sách của ủy ban, gồm cả yêu cầu mà Quốc hội quy định để xem xét đầu tư ra nước ngoài.

Theo Michael Gallagher, hai mối lo ngại chính của ông là các công ty Trung Quốc nhận đầu tư từ Mỹ vi phạm nhân quyền ở khu vực Tân Cương và giúp quân đội Trung Quốc phát triển công nghệ tinh vi.

Hôm 19.7, Michael Gallagher nói với các phóng viên rằng: "Không có khái niệm thực sự về các thực thể tư nhân ở Trung Quốc", ám chỉ đến chiến lược kết hợp quân sự - dân sự của Trung Quốc.

uy-ban-ha-vien-dieu-tra-4-cong-ty-my-vi-dau-tu-vao-hang-ai-va-chip-trung-quoc.jpg
Ủy ban về cạnh tranh chiến lược với Trung Quốc điều tra GGV Capital, GSR Ventures, Walden International và Qualcomm Ventures vì đầu tư vào các hãng AI và chip Trung Quốc

Được Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy thành lập vào đầu năm nay, Ủy ban về cạnh tranh chiến lược với Trung Quốc có quyền triệu tập nhân chứng và đang soạn thảo báo cáo về chính sách Mỹ - Trung, phần lớn sẽ tập trung vào hoạt động kinh doanh của Mỹ tại quốc gia châu Á này.

Ủy ban cho biết trong một bức thư gửi GGV Capital rằng công ty này đang bị nhắm mục tiêu vì đầu tư vào các nhà phát triển AI (gồm cả Megvii Technology Ltd) và hãng bán dẫn Trung Quốc. Khoản đầu tư của Qualcomm Ventures vào SenseTime Group (Trung Quốc) cũng bị ủy ban trích dẫn.

Năm 2019, Mỹ đưa Megvii Technology Ltd và SenseTime Group vào danh sách thực thể (danh sách đen thương mại), cấm họ kinh doanh với các công ty Mỹ mà không có sự chấp thuận của chính phủ.

Walden International bị ủy ban trích dẫn vì khoản đầu tư vào SMIC (nhà sản xuất chip số Trung Quốc, cũng nằm trong danh sách đen của Mỹ).

Các bức thư đề cập đến nghiên cứu gần đây về đầu tư ra nước ngoài của Mỹ do Trung tâm An ninh và Công nghệ mới nổi của Đại học Georgetown thực hiện, yêu cầu 4 công ty trả lời câu hỏi trước ngày 1.8.

Đại sứ Trung Quốc tại Washington cảnh báo về sự đáp trả chống lại các hạn chế công nghệ hơn nữa của Mỹ

Hôm 19.7, Xie Feng, Đại sứ Trung Quốc tại Washington, cho biết Trung Quốc không muốn một cuộc chiến thương mại hay công nghệ, nhưng chắc chắn sẽ đáp trả nếu Mỹ áp đặt thêm các biện pháp hạn chế với lĩnh vực chip của họ.

Xie Feng phát biểu tại Diễn đàn An ninh Aspen rằng Trung Quốc không né tránh sự cạnh tranh, nhưng cách Mỹ định nghĩa nó là không công bằng. Ông nhấn mạnh việc Mỹ cấm Trung Quốc nhập khẩu thiết bị để sản xuất chip tiên tiến.

"Điều này giống như hạn chế đối phương chỉ được mặc áo tắm lỗi thời trong cuộc thi bơi lội, trong khi bản thân bạn đang mặc đồ bơi hai mảnh Speedo", Xie Feng nói.

uy-ban-ha-vien-dieu-tra-4-cong-ty-my-vi-dau-tu-vao-hang-ai-va-chip-trung-quoc1.jpg
Xie Feng phát biểu trước giới truyền thông ở thành phố New York, Mỹ - Ảnh: Reuters

Xie Feng đề cập đến các thông tin rằng Mỹ đang xem xét thiết lập quy tắc hạn chế đầu tư ra nước ngoài và tiếp tục cấm xuất khẩu chip AI sang Trung Quốc.

"Chính phủ Trung Quốc không thể chỉ ngồi yên nhìn. Người Trung Quốc có câu nói rằng chúng tôi sẽ không khiêu khích, nhưng sẽ không nao núng trước các hành động khiêu khích. Trung Quốc chắc chắn sẽ đưa ra phản ứng của chúng tôi. Song, chắc chắn chúng tôi không hy vọng ăn miếng trả miếng. Chúng tôi không muốn một cuộc chiến thương mại, chiến tranh công nghệ, muốn nói lời tạm biệt với Bức màn Sắt cũng như Bức màn Silicon", Xie Feng tuyên bố.

Bức màn Sắt để chỉ sự phân chia và tách biệt giữa các quốc gia, vùng lãnh thổ.

Bức màn Silicon ám chỉ sự tách biệt trong lĩnh vực công nghệ và internet giữa Trung Quốc với các quốc gia khác trên thế giới.

Chính quyền Biden đang hoàn thiện lệnh hạn chế đầu tư nhất định vào các lĩnh vực bao gồm chất bán dẫn tiên tiến, điện toán lượng tử và AI. Một quan chức cấp cao trong chính quyền Biden cho biết mục tiêu là hoàn tất đánh giá về lệnh này trước ngày Lễ Lao động ở Mỹ (4.9).

Trung Quốc nhắm mục tiêu vào Micron Technology (nhà sản xuất chip nhớ số 1 Mỹ) sau khi chính quyền Biden áp đặt hàng loại biện pháp kiểm soát xuất khẩu với các linh kiện và công cụ sản xuất chip của Mỹ để đảm bảo rằng chúng không được sử dụng để nâng cao năng lực quân sự cho quốc gia châu Á.

Hồi tháng 5, Cục An ninh mạng Trung Quốc cho biết Micron Technology đã thất bại trong quá trình đánh giá bảo mật và cấm các nhà khai thác cơ sở hạ tầng quan trọng trong nước mua sản phẩm của công ty Mỹ.

Hôm 5.7, Bộ Thương mại Trung Quốc đã công bố hạn chế xuất khẩu với germanium và gallium từ đầu tháng 8 để bảo vệ “an ninh và lợi ích quốc gia”, một động thái được coi là trả đũa các lệnh trừng phạt do Mỹ khởi xướng với ngành công nghiệp bán dẫn Trung Quốc.

Trung Quốc là nước sản xuất gallium và germanium lớn nhất thế giới. Trung Quốc sản xuất 60% germanium và 80% gallium toàn cầu, dựa trên dữ liệu từ Liên minh Nguyên liệu thô quan trọng (Critical Raw Materials Alliance).

Gallium được dùng trong thiết bị liên lạc vô tuyến, radar, vệ tinh, đèn LED cho đến cục sạc ĐTDĐ. Gallium ở dạng nguyên chất có thể tan chảy trong tay của bạn nhưng không được nhiều người biết đến. Trong một số hợp chất, gallium trở thành vật liệu đáng mơ ước cho chất bán dẫn.

Germanium được sử dụng trong chip máy tính tốc độ cao, nhựa và trong các ứng dụng quân sự như thiết bị nhìn đêm, cảm biến hình ảnh vệ tinh.

Khi kết thúc chuyến công du 4 ngày tới Trung Quốc vào tuần trước, Janet Yellen (Bộ trưởng Tài chính Mỹ) tiết lộ đã nói chuyện với những người đồng cấp Trung Quốc về lệnh được đề xuất và cho biết bất kỳ hạn chế đầu tư ra nước ngoài nào cũng sẽ "có mục tiêu và định hướng rõ ràng, chỉ nhắm vào một số ít lĩnh vực cụ thể mà chúng tôi quan ngại về an ninh quốc gia". 

Bà Janet Yellen nói lệnh sẽ được ban hành một cách minh bạch, thông qua quy trình cho phép công chúng đóng góp ý kiến.

Bài liên quan
Trung Quốc kiểm soát xuất khẩu gallium đặt ra câu hỏi cho chip ô tô điện trong tương lai
Biện pháp kiểm soát xuất khẩu gallium của Trung Quốc khiến các nhà sản xuất ô tô rơi vào tình thế tiến thoái lưỡng nan rằng có thể tiếp tục dựa vào kim loại từng được coi là yếu tố thay đổi cuộc chơi với xe điện hay không.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Sau sắp xếp bộ máy tổ chức, TP.HCM giảm 129 đầu mối
3 giờ trước Theo dòng thời sự
Ngày 22.11, Thành ủy TP.HCM tổ chức hội thảo “Tiếp tục xây dựng hệ thống chính trị tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo của các cấp ủy, quản lý của chính quyền; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng nhiệm vụ trong tình hình mới”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Ủy ban Hạ viện điều tra 4 công ty Mỹ vì đầu tư vào các hãng AI và chip Trung Quốc