Trong cuộc đua giảm lượng khí thải carbon, các quốc gia từ Mỹ đến New Zealand đang đưa ra các biện pháp khuyến khích để thúc đẩy doanh số bán ô tô điện. Đây là chiến lược mà Trung Quốc đã sử dụng nhiều năm để trở thành thị trường ô tô điện lớn nhất thế giới.

Chiến lược 'cây gậy và củ cà rốt' giúp Trung Quốc trở thành thị trường ô tô điện lớn nhất

Sơn Vân | 18/07/2023, 16:15

Trong cuộc đua giảm lượng khí thải carbon, các quốc gia từ Mỹ đến New Zealand đang đưa ra các biện pháp khuyến khích để thúc đẩy doanh số bán ô tô điện. Đây là chiến lược mà Trung Quốc đã sử dụng nhiều năm để trở thành thị trường ô tô điện lớn nhất thế giới.

chien-luoc-cay-gay-va-cu-ra-rot-giup-trung-quoc-thanh-thi-truong-o-to-dien-lon-nhat1.jpg
Sạc ô tô điện tại một bãi đậu xe ở thị trấn Liễu Châu, tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc - Ảnh: Bloomberg

Xe điện chiếm 1/4 tổng số ô tô chở khách được bán ra ở Trung Quốc vào năm ngoái, vượt xa tỷ lệ 1/7 ở Mỹ và 1/8 tại châu Âu, với tốc độ đang gia tăng. Ngân hàng HSBC dự đoán tỷ lệ sử dụng ô tô điện ở Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, sẽ đạt 90% vào năm 2030.

Doanh số bán ô tô sạch (không gây ô nhiễm môi trường) của Trung Quốc, tính cả xe lai sạc điện, đạt 5,67 triệu chiếc vào năm 2022, chiếm hơn một nửa tổng số xe được giao toàn cầu.

BloombergNEF (Bloomberg New Energy Finance) dự đoán Trung Quốc sẽ chiếm khoảng 60% trong tổng số 14,1 triệu ô tô điện trên thế giới được bán trong năm 2023.

Bloomberg New Energy Finance là công ty con của Bloomberg, nhà cung cấp nghiên cứu chiến lược hàng đầu thế giới chuyên nghiên cứu, đánh giá các lộ trình cho các ngành năng lượng sạch, giao thông, công nghiệp, xây dựng và nông nghiệp để thích ứng với quá trình chuyển đổi năng lượng.

Không chỉ có người mua, ngành sản xuất ô tô điện của Trung Quốc cũng đang phát triển mạnh mẽ. Các thương hiệu Trung Quốc chiếm khoảng một nửa tổng số ô tô điện được bán toàn cầu, những nhà phân tích của HSBC đề cập trong một ghi chú gần đây.

Cơ sở hạ tầng đầy đủ sẽ giúp ích cho việc áp dụng ô tô điện. Có mạng lưới sạc lớn nhất thế giới, Trung Quốc đã bổ sung 649.000 bộ sạc công cộng chỉ riêng trong 2022, chiếm hơn 70% tổng số lượt lắp đặt bộ sạc được thực hiện trên toàn cầu năm đó.

Được khuyến khích bởi tất cả những tiến bộ đạt được, các nhà sản xuất ô tô điện đã tràn ngập Trung Quốc với các mẫu xe mới. Cuộc chiến giá cả bùng lên trong năm nay ở quốc gia này khi các công ty ô tô điện cố gắng vượt lên trên các đối thủ. Các nhà phân tích cho rằng một số vụ hợp nhất giữa các hãng ô tô điện sẽ xảy ra trong ngành công nghiệp ở Trung Quốc.

Bên dưới là cái nhìn sâu hơn về chiến lược “cây gậy và củ cà rốt” của Trung Quốc để phát triển ô tô điện:

Củ cà rốt

Trợ cấp cho người tiêu dùng: Chương trình kéo dài trong một thập kỷ đã hoàn trả cho người mua ô tô điện số tiền lên đến 60.000 nhân dân tệ (8.375 USD). Dù các khoản trợ cấp quốc gia đã kết thúc vào năm 2022, một số chính quyền địa phương, chẳng hạn Thượng Hải, vẫn tiếp tục thực hiện hoàn trả lên đến 10.000 nhân dân tệ.

Giảm thuế: Việc giảm thuế tiêu chuẩn 10% đã được áp dụng cho các giao dịch mua ô tô sạch giá dưới 300.000 nhân dân tệ cho đến năm 2025, và sẽ trở lại ở mức 5% trong 2026, 2027. Việc giảm thuế được áp dụng từ năm 2014 và ước tính lên tới 835 tỉ nhân dân tệ vào cuối năm 2027. Ở Mỹ, Đạo luật Giảm lạm phát, được thông qua vào năm ngoái, bao gồm 270 tỉ USD ưu đãi thuế cho việc mua ô tô điện và sản xuất sạch, cùng gần 12 tỉ USD trong khoản vay cho các dự án năng lượng sạch.

chien-luoc-cay-gay-va-cu-ra-rot-giup-trung-quoc-thanh-thi-truong-o-to-dien-lon-nhat.jpg
Taxi điện tại một trạm sạc ở thành phố Thái Nguyên, tỉnh Sơn Tây, Trung Quốc - Ảnh: Bloomberg

Trợ cấp cho nhà sản xuất: Hỗ trợ trực tiếp của chính phủ Trung Quốc cho các nhà sản xuất ô tô điện đã giúp nhiều công ty tiến xa trên con đường phát triển. Trong khi có quá nhiều công ty xuất hiện, với hơn 500 thương hiệu ô tô điện tràn ngập thị trường vào năm 2019, nỗ lực này đã nuôi dưỡng những thành công cho BYD. Công ty có trụ sở tại thành phố Thâm Quyến đã trở thành thương hiệu ô tô bán chạy nhất tại Trung Quốc, chấm dứt sự thống trị kéo dài hàng thập kỷ của Volkswagen.

Trong quý 1/2023, doanh số bán ô tô của BYD là 440.000 chiếc, còn Volkswagen chỉ là 427.247. Đây là lần đầu tiên BYD trở thành hãng ô tô bán chạy nhất tại quê nhà. Trước đó, Volkswagen luôn đứng top 1 bán chạy nhất Trung Quốc từ năm 2008, theo dữ liệu từ Trung tâm Nghiên cứu và Công nghệ ô tô. Oliver Blume, Giám đốc điều hành Volkswagen, phải thẳng thắn thừa nhận rằng BYD là một đối thủ “rất mạnh”.

Trong năm 2022, BYD đã bán được 1,86 triệu ô tô ra thị trường trong nước và quốc tế, nhiều hơn tổng doanh số bán hàng của hãng 4 năm trước đó cộng lại. Nhờ vậy, BYD trở thành hãng ô tô điện lớn thứ 2 thế giới năm 2022, chỉ sau Tesla (Mỹ). Ngoài 440.000 chiếc bán ra tại Trung Quốc, BYD còn xuất khẩu hơn 110.000 ô tô ra toàn cầu trong quý 1/2023, đặc biệt là thị trường châu Âu, Mỹ Latinh, Đông Nam Á. Hiện hãng vẫn chưa có kế hoạch tham gia thị trường Bắc Mỹ.

Cơ sở hạ tầng: Các trạm sạc được chính phủ tài trợ và dễ tiếp cận, giúp giảm chi phí cho người lái ô tô điện và giảm bớt lo lắng về khoảng cách đi được. Tiêu chuẩn sạc là thống nhất, nhờ thỏa thuận với các nhà sản xuất, giúp mọi tài xế ô tô điện đều sử dụng cùng một phích cắm. Trung Quốc có 6,36 triệu bộ sạc ô tô điện tính đến  cuối tháng 5, nhiều hơn bất kỳ nơi nào khác trên thế giới. Một phần bộ sạc này thuộc hạ tầng lưới điện quốc gia, đứng thứ tư về quy mô sau các công ty tư nhân như Wanbang New Energy Investment Group và TGood New Energy.

Cây gậy

Khó khăn với ô tô chạy bằng xăng: Việc mua và sở hữu ô tô chạy bằng xăng ngày càng ít hấp dẫn. Các thành phố của Trung Quốc đang đối phó với tình trạng ùn tắc bằng cách giới hạn số lượng ô tô trên đường với các biện pháp như xổ số để lấy biển số xe mới ở thủ đô Bắc Kinh và hệ thống đấu giá tại Thượng Hải. Giá trung bình biển số xe là 92.780 nhân dân tệ trong các phiên đấu giá ở Thượng Hải trong năm 2022. Trong khi đó, người lái ô tô điện dễ dàng có được biển số màu xanh, thể hiện giấy chứng nhận thân thiện với môi trường của họ. Biển số xanh ngày càng trở nên nổi bật trên các con đường thành phố ở Trung Quốc.

Phạt sản xuất: Trung Quốc đã giới thiệu hệ thống tính điểm kép cho ngành công nghiệp ô tô vào năm 2017, trong đó thưởng điểm cho việc sản xuất ô tô sạch và trừ điểm cho những ô tô tiêu thụ nhiều nhiên liệu. Ô tô từ các nhà sản xuất có điểm số âm có thể bị rút khỏi thị trường. Để tránh bị phạt, các nhà sản xuất có thể mua điểm tích lũy từ các đối thủ có điểm số dương, như Tesla hoặc BYD, song khá đắt đỏ. Công ty ô tô Chongqing Changan do nhà nước sở hữu đã mất 4.000 nhân dân tệ lợi nhuận cho mỗi ô tô bán được trong năm 2020 khi mua điểm tích lũy để tránh bị phạt.

Doanh số bán ô tô

Mua sắm từ chính quyền địa phương: Một số chính quyền địa phương đã chuyển đổi toàn bộ đội xe công cộng và taxi của họ sang 100% ô tô điện, đồng thời khuyến khích các cơ quan địa phương mua ô tô điện hoặc xe lai sạc điện. Điều này mang đến doanh số bán ô tô ổn định cho BYD và Guangzhou Automobile Group.

Bài liên quan
Trung Quốc có ưu thế rất lớn về ô tô điện so với Mỹ nhưng không phải không thể vượt qua
Trung Quốc đang là thị trường lớn nhất thế giới cho cả ô tô điện và xe hơi nói chung.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Temu, Shein... 'đổ bộ' Việt Nam, chuyển đổi số cấp thiết hơn bao giờ hết
13 giờ trước Khoa học - công nghệ
Chuyển đổi số trong linh vực bán buôn, bán lẻ đang cấp thiết hơn bao giờ hết khi các sàn thương mại điện tử như Temu, Shein... "đổ bộ" thị trường Việt Nam.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Chiến lược 'cây gậy và củ cà rốt' giúp Trung Quốc trở thành thị trường ô tô điện lớn nhất