Hai nguyên mẫu vệ tinh quỹ đạo Trái đất tầm thấp do Foxconn chế tạo đã cất cánh trên tên lửa của SpaceX từ Căn cứ Lực lượng Không gian Vandenberg ở miền nam California (Mỹ) hôm 11.11.

Vệ tinh của nhà cung cấp iPhone hàng đầu cho Apple cất cánh trên tên lửa SpaceX

Sơn Vân | 12/11/2023, 18:20

Hai nguyên mẫu vệ tinh quỹ đạo Trái đất tầm thấp do Foxconn chế tạo đã cất cánh trên tên lửa của SpaceX từ Căn cứ Lực lượng Không gian Vandenberg ở miền nam California (Mỹ) hôm 11.11.

Việc phóng vệ tinh quỹ đạo Trái đất tầm thấp đánh dấu một thời điểm quan trọng với Foxconn, hãng sản xuất thiết bị điện tử số 1 thế giới của Đài Loan, khi họ đa dạng hóa sang các lĩnh vực mới. Đây là sự thay đổi ngày càng cấp bách hơn khi một số lĩnh vực kinh doanh lâu đời của Foxconn, nhà cung cấp iPhone hàng đầu cho Apple, như smartphone và laptop đang gặp khó khăn.

Foxconn đang hướng tới việc chứng minh rằng hãng có công nghệ vệ tinh để khai thác nhu cầu liên lạc ngày càng tăng từ không gian.

Trong khi SpaceX đã chế tạo và phóng hơn 5.000 vệ tinh quỹ đạo Trái đất tầm thấp cho chòm sao Starlink của mình, Foxconn đang đặt cược rằng có thể sẽ chế tạo vệ tinh chủ yếu cho các khách hàng doanh nghiệp và chính phủ.

Các vệ tinh do Foxconn hợp tác phát triển với một trường đại học Đài Loan, có kích thước bằng chiếc ba lô, nặng khoảng 9 kg mỗi chiếc và mang theo máy ảnh, thiết bị liên lạc cùng các thiết bị khác. Các vệ tinh này được thiết kế để quay quanh Trái đất cứ sau 96 phút mỗi lần ở độ cao 520 km.

Sự phát triển mới, bước tiến mới

Kể từ khi tiếp quản vai trò Chủ tịch Foxconn của người sáng lập Terry Gou (Quách Đài Minh) vào năm 2019, Liu Young-way (Lưu Dương Vĩ) đã tìm cách đa dạng hóa công ty, tập trung vào ô tô điện, sức khỏe kỹ thuật số và robot, công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI), chất bán dẫn và vệ tinh truyền thông.

“Tôi cần tìm thứ gì đó để công ty có thể phát triển trong 10, 15 năm tới”, Liu Young-way nói trong cuộc phỏng vấn với Bloomberg Businessweek.

Doanh thu tại Foxconn, công ty sử dụng lao động lớn thứ ba thế giới sau Walmart và Amazon, dự kiến sẽ giảm khoảng 6% trong năm nay xuống còn 6.200 tỉ Tân Đài tệ (192 tỉ USD), theo ước tính do Bloomberg News tổng hợp.

ve-tinh-cua-foxconn-nha-cung-cap-iphone-hang-dau-cho-apple-cat-canh-tren-ten-lua-spacex.jpg
Liu Young-way tìm cách đa dạng hóa Foxconn, tập trung vào ô tô điện, sức khỏe kỹ thuật số, robot, trí tuệ nhân tạo (AI), chất bán dẫn và vệ tinh truyền thông - Ảnh: Internet

Trong khi Apple cần hàng triệu iPhone mỗi quý và thường xuyên cập nhật mẫu mã thì khách hàng có thể mất nhiều thời gian chờ giữa các đơn đặt hàng vệ tinh quỹ đạo Trái đất tầm thấp, vì vậy hoạt động kinh doanh thiết bị khó có thể dự đoán được, theo Tim Farrar - Chủ tịch công ty tư vấn Telecom, Media and Finance Associates (Mỹ). Foxconn sản xuất khoảng 2/3 số iPhone trên thế giới.

Theo Tim Farrar, đơn đặt hàng từ chính quyền có thể cung cấp cho Foxconn một số biện pháp bảo mật khi họ mở rộng kinh doanh vệ tinh.

Đài Loan đang thực hiện kế hoạch phóng vệ tinh liên lạc quỹ đạo Trái đất tầm thấp đầu tiên của mình, một phần trong chiến lược phát triển các giải pháp thay thế trên không gian cho các tuyến cáp dưới biển cung cấp hầu hết kết nối internet của đảo này.

Một lĩnh vực hỗ trợ khác sẽ là hoạt động kinh doanh ô tô điện của Foxconn vì yêu cầu công nghệ liên lạc thời gian thực, theo Jason Wang, nhà phân tích tại công ty MasterLink Securities ở Đài Bắc.

Jason Wang nói: “Bạn cần phải có giải pháp phù hợp để ô tô điện của mình có thể sử dụng được. Nếu muốn xuất khẩu lĩnh vực kinh doanh này, ít nhất Foxconn cần phải có cơ sở hạ tầng để thử nghiệm công nghệ ở Đài Loan”.

Nền tảng của Foxconn về điện tử và bí quyết thu được từ việc sản xuất smartphone, máy chơi game cùng các thiết bị khác sẽ giúp ích cho điều đó.

Shiang-yu Wang, nhà nghiên cứu tại Viện Thiên văn học và Vật lý thiên văn của Học viện Sinica ở Đài Bắc, nói: “Đài Loan rất giỏi trong việc sản xuất tất cả loại sản phẩm thương mại khác nhau trong lĩnh vực điện tử. Những công ty này có thể dễ dàng chuyển đổi sang không gian”.

Foxconn hợp tác với Nvidia xây dựng nhà máy AI sử dụng cho cả ô tô điện tự lái

Foxconn sẽ xây dựng các nhà máy dữ liệu AI sử dụng chip và phần mềm Nvidia (Mỹ) để sử dụng trong các sản phẩm gồm cả ô tô tự lái.

Foxconn là nhà sản xuất thiết bị điện tử theo hợp đồng lớn nhất thế giới, còn Nvidia là hãng chip có giá trị nhất thế giới.

Liu Young-way - Chủ tịch Foxconn và Jensen Huang (Hoàng Nhân Huân) - Giám đốc điều hành Nvidia cho biết hai công ty đang cùng nhau xây dựng các nhà máy AI.

Jensen Huang đưa ra bản phác thảo vẽ tay về những gì hai công ty đang xây dựng mà ông gọi là "nhà máy AI".

“Đây là một nhà máy chuyển đổi dữ liệu đầu vào thành thông tin thông minh đầu ra. Trong tương lai, mọi công ty, mọi ngành nghề đều sẽ có nhà máy AI”, Jensen Huang nói.

Theo Jensen Huang, những gì Nvidia và Foxconn đang xây dựng là toàn bộ hệ thống AI đầu cuối dành cho ô tô điện tự hành, với nhà máy AI đang phát triển phần mềm của ô tô.

Ông nói: “Chiếc xe này tất nhiên sẽ trải qua trải nghiệm cuộc sống và thu thập thêm dữ liệu. Khi dữ liệu sẽ được chuyển đến, nhà máy AI sẽ cải tiến phần mềm và cập nhật toàn bộ đội xe AI. Hệ thống toàn diện này, một mặt là nhà máy AI, mặt khác là đội xe điện, là những gì Nvidia và Foxconn đang xây dựng”.

Cổ phiếu Nvidia đã tăng gấp ba lần vào năm 2023, mang lại giá trị thị trường hơn 1.000 tỉ USD, do công ty Mỹ đóng vai trò trung tâm cung cấp chip sử dụng trong các ứng dụng AI.

Foxconn muốn tái tạo mức độ thành công của mình trong việc lắp ráp máy tính cá nhân và smartphone khi mở rộng sang sản xuất ô tô điện cùng các ứng dụng khác.

Liu Young-way cho biết Foxconn đang "cố gắng chuyển đổi từ một công ty dịch vụ sản xuất thành một công ty giải pháp nền tảng", chỉ ra các thành phố thông minh và sản xuất thông minh trong số các ứng dụng khác mà công ty sẽ sử dụng các nhà máy AI.

“Bây giờ tôi biết được điều gì có thể cung cấp sức mạnh và làm cho những nền tảng thông minh này trở thành hiện thực”, Chủ tịch Foxconn nói thêm.

Nổi tiếng với việc lắp ráp iPhone cho Apple, Foxconn hy vọng một ngày nào đó sẽ sản xuất ô tô điện cho Tesla. Hãng công nghệ khổng lồ Đài Loan đang tăng cường sản xuất ô tô điện trong chiến lược đa dạng hóa việc kinh doanh.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Vui buồn nghề muối Bạc Liêu - Bài 2: Ứng dụng kỹ thuật, công nghệ mới
Để làm giàu trên chính đồng muối của gia đình, nhiều diêm dân ở Bạc Liêu đã mạnh dạn đầu tư vật tư, thiết bị cơ giới hóa để sản xuất muối theo hướng công nghệ cao. Hướng đi mới đã khẳng định được hiệu quả, góp phần nâng cao sản lượng lẫn chất lượng hạt muối.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Vệ tinh của nhà cung cấp iPhone hàng đầu cho Apple cất cánh trên tên lửa SpaceX