Nếu Ukraine gia nhập NATO, Nga sẽ phải bố trí phòng bị dầy hơn ở phía Tây, đặc biệt là bán đảo Crimea mà Nga coi là lãnh thổ của mình trong khi Ukraine muốn tái chiếm bằng được

Vì sao Nga thà để Thụy Điển và Phần Lan gia nhập NATO chứ không chịu mất ảnh hưởng ở Ukraine?

Anh Tú | 06/08/2022, 14:05

Nếu Ukraine gia nhập NATO, Nga sẽ phải bố trí phòng bị dầy hơn ở phía Tây, đặc biệt là bán đảo Crimea mà Nga coi là lãnh thổ của mình trong khi Ukraine muốn tái chiếm bằng được

Ngày 3.8, Thượng viện Mỹ đã thông qua nghị quyết phê chuẩn tư cách thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) cho Phần Lan và Thụy Điển với 95/100 phiếu ủng hộ.

Để thông qua nghị quyết cho Phần Lan và Thụy Điển vào NATO thì cần ⅔ tổng số phiếu thuận, tức là 67 phiếu ủng hộ. Như vậy, với số phiếu thuận là 95 thì nghị quyết này đương nhiên được phê chuẩn.

Để 2 nước này chính thức gia nhập khối thì quốc hội của 30 thành viên NATO phải phê chuẩn cho 2 nước này vào khối. Hiện quốc hội 22 nước thuộc NATO đã thông qua việc này. Nhiều phân tích cho rằng Nga vì ngăn cản Ukraine gia nhập NATO mà mất cả chỉ lẫn chài khi sa lầy ở Ukraine trong khi thêm 2 nước láng giềng quyết bỏ vị thế trung lập để gia nhập NATO?

Trong lúc Mỹ bật đèn xanh để Thụy Điển và Phần Lan vào NATO thì Nga làm gì? Tổng thống Nga Vladimir Putin có cuộc gặp với Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdoğan ở Sochi. Cuộc gặp giữa hai người được đề cập chỉ toàn là vấn đề kinh tế và năng lượng. Không hề có thông tin nào cho thấy Tổng thống Nga tác động Thổ Nhĩ Kỳ tìm cách ngăn 2 nước Bắc Âu vào NATO. Trong 30 nước NATO, Thổ Nhĩ Kỳ vốn là chướng ngại lớn nhất với việc kết nạp Thụy Điển và Phần Lan.

(Cuối tháng 6, một thỏa thuận vào phút cuối đã đạt được giữa Thổ Nhĩ Kỳ, Phần Lan và Thụy Điển cho phép hai quốc gia Bắc Âu trở thành thành viên NATO vào đêm trước hội nghị thượng đỉnh ở Madrid của liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương. Nhưng Thổ Nhĩ Kỳ vẫn đe nẹt sẽ rút lại ủng hộ nếu 2 nước Bắc Âu không thỏa mãn những yêu sách của họ).

nato.jpg

Đồng thời, điện Kremlin những ngày qua cũng không đả động gì đến việc Thượng viện Mỹ phê chuẩn tư cách thành viên NATO cho Thụy Điển và Phần Lan.

Thậm chí, khi 2 nước Bắc Âu rục rịch nộp đơn gia nhập NATO hồi giữa tháng 5 thì phản ứng của Nga cũng không gay gắt. Tổng thống Vladimir Putin hôm 16.5 cho biết không có mối đe dọa nào đối với Nga nếu Thụy Điển và Phần Lan gia nhập NATO.

Tổng thống Nga Vladimir Putin chỉ cảnh báo "bất kỳ hoạt động mở rộng cơ sở hạ tầng quân sự của NATO trên lãnh thổ Thụy Điển và Phần Lan chắc chắn sẽ kích hoạt phản ứng từ Nga và phản ứng ở mức độ nào sẽ phụ thuộc vào mối đe dọa họ tạo ra với Moscow".

Thực ra, với Nga thì việc Phần Lan hay Thụy Điển gia nhập NATO cũng không khác gì trước đó. Không có Phấn Lan và Thụy Điển thì căn cứ của NATO ở Na Uy vẫn có thể tiếp cận Bắc cực. Biên giới của NATO vốn đã đẩy sát vách Nga ở phía Tây bắc với sự hiện diện của 3 nước Baltic nên thêm Phần Lan ở đó cũng không tạo ra thay đổi lớn trong phòng bị. Thụy Điển còn không giáp biên giới đường bộ với Nga. Một điều Nga không quá lưu tâm việc 2 nước Bắc Âu vào NATO là do hai quốc gia này sống chết sẽ không bao giờ phát triển vũ khí hạt nhân hay để vũ khí hạt nhân trên lãnh thổ. Người dân Scandinavi rất dị ứng với hạt nhân hay ô nhiễm.

map.jpg

Nhưng nếu Ukraine gia nhập NATO thì lại là câu chuyện khác. Nga sẽ phải bố trí phòng bị dầy hơn ở phía Tây, đặc biệt là bán đảo Crimea mà Nga coi là lãnh thổ của mình trong khi Ukraine muốn tái chiếm bằng được. Điều Nga lo lắng là Ukraine sẵn sàng triển khai hạt nhân khi có điều kiện. Điều này càng thực tế hơn khi nhiều lãnh đạo Ukraine tỏ ý tiếc vì trước đây từ bỏ vũ khí hạt nhân nên giờ mới không có khả năng phòng thủ răn đe.

Tiềm năng hạt nhân của Ukraine vẫn còn với nhiều nhà máy điện hạt nhân. Nếu được phương Tây cung cấp công nghệ thì việc làm giàu hạt nhân cũng không phải vấn đề quá khó. Trong một cuộc phỏng vấn với truyền thông Ukraine hôm 11.6, ông Radoslaw Sikorski, cựu Ngoại trưởng Ba Lan và hiện là thành viên Nghị viện châu Âu (EP) bất ngờ khẳng định "phương Tây có quyền cung cấp cho Ukraine các đầu đạn hạt nhân" để Kyiv tự bảo vệ mình.

Một Ukraine sở hữu hạt nhân hay là nơi mà Mỹ có thể triển khai vũ khí hạt nhân ở khu vực phía nam là điều Nga thấy nhột. Đó có thể là lý do Nga thà bỏ 2 quân chủ lực ở xa để giữ thế chủ động an ninh ở điểm giúp họ thông xuống Địa Trung hải ra Nam Âu, Trung Đông và châu Phi hơn.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Vui buồn nghề muối Bạc Liêu - Bài 3: Hiến kế phát triển nghề
Để nghề sản xuất muối vượt qua khó khăn, làm tiền đề để nâng cao đời sống và có nhiều hơn những hộ khá giàu, bà con diêm dân đã mạnh dạn hiến kế để chính quyền địa phương xem xét, lựa chọn kế sách phù hợp, từng bước đưa nghề muối ở Bạc Liêu phát triển bền vững, diêm dân sống được với nghề vốn được xem là truyền thống.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Vì sao Nga thà để Thụy Điển và Phần Lan gia nhập NATO chứ không chịu mất ảnh hưởng ở Ukraine?