Việt Nam đang là nguồn cung cấp thủy sản đứng thứ 7 trên thế giới cho thị trường Trung Quốc.

Việt Nam đứng ở đâu trong bức tranh cung cấp thủy sản cho Trung Quốc?

Bài và ảnh: Tuyết Nhung | 04/04/2023, 23:59

Việt Nam đang là nguồn cung cấp thủy sản đứng thứ 7 trên thế giới cho thị trường Trung Quốc.

Hai tháng đầu năm 2023, Trung Quốc nhập khẩu trên 561.000 tấn thủy sản, trị giá gần 2,7 tỉ USD, giảm 3% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, riêng thủy sản tươi/sống/ướp lạnh đạt gần 48.000 tấn, trị giá 887 triệu USD, chiếm 33% tổng trị giá nhập khẩu thủy sản của nước này.

thuy-san.jpg

Trong hai tháng đầu năm nay, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang Trung Quốc đạt 127 triệu USD, giảm 12% so với cùng kỳ năm ngoái, chủ yếu giảm trong tháng 1. Riêng trong tháng 2, xuất khẩu thủy sản Việt Nam sang Trung Quốc đạt trên 102 triệu USD, tăng 24% so với tháng 2.2022.

Những sản phẩm Việt Nam xuất khẩu nhiều nhất sang Trung Quốc trong 2 tháng qua gồm: cá tra phi lê đông lạnh, chiếm 41%, cá tra tươi/ướp lạnh (nguyên con) 16%, cá khô các loại (trừ cá tra, cá ngừ) 16%, tôm chân trắng sống/tươi/ướp lạnh 7%, tôm sú sống/tươi/ướp lạnh chiếm 6%, mực khô 6%... Riêng xuất khẩu tôm hùm sang Trung Quốc đầu năm nay giảm sâu 91% nên chỉ chiếm 1% tổng xuất khẩu thủy sản sang Trung Quốc.

Việt Nam đang là nguồn cung cấp thủy sản đứng thứ 7 cho thị trường Trung Quốc. Trong đó, tốp 6 nước cung cấp lớn nhất gồm: Ecuador, Nga, Canada, Mỹ, Ấn Độ và Na Uy. Trong đó, xét về khối lượng thì Nga đang xuất khẩu nhiều nhất thủy sản sang Trung Quốc (chiếm 23%) nhưng về trị giá thì Ecuador dẫn đầu, chiếm 19%.

Riêng tôm của Ecuador xuất khẩu sang Trung Quốc trong 2 tháng đầu năm nay đã đạt trên 95.000 tấn, trị giá 500 triệu USD, khối lượng tăng 18% so với cùng kỳ, nhưng trị giá giảm 3%.

Sau COVID-19, Trung Quốc đang từng bước bình thường hóa hoạt động sản xuất kinh doanh và thương mại. Trung Quốc đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế 5% trong năm 2023 với chiến lược mở rộng cửa hơn nữa với kinh tế thế giới. Những thay đổi tích cực của thị trường Trung Quốc là tín hiệu lạc quan về sự phục hồi kinh tế và nhu cầu tiêu dùng của người dân Trung Quốc.

Doanh nghiệp thủy sản Việt Nam cũng kỳ vọng nhiều hơn ở thị trường Trung Quốc khi đất nước này hồi phục trở lại trong thời gian ngắn. Ngành thủy sản dự báo xuất khẩu thủy sản sang Trung Quốc sẽ tăng dần trong những tháng tới, đối với tất cả các phân khúc sản phẩm, trong đó có những phân khúc là thế mạnh như cá tra và các loài thủy hải sản tươi sống.

Hiện các loài thủy sản chính được nhập khẩu dạng sản phẩm tươi/sống/ướp lạnh gồm: tôm hùm, cua, cá hồi, tôm sú, tôm chân trắng cỡ lớn, cá chình, bào ngư... Những dòng sản phẩm này phục vụ cho các kênh nhà hàng, khách sạn, du lịch và phân khúc tiêu thụ của những gia đình có thu nhập khá ở Trung Quốc. Nhu cầu thủy sản tươi/sống thường sẽ tăng cao vào các dịp nghỉ lễ, tết, mùa du lịch...

Cục Chất lượng, chế biến và phát triển thị trường nông sản (Bộ NN-PTNT) cho biết Việt Nam đang đàm phán nhằm đa dạng hóa các mặt hàng xuất khẩu. Hiện mặt hàng hàu sống đã cơ bản hoàn thành thủ tục, còn mặt hàng tôm ướp đá và sứa muối tiếp tục được đánh giá.

Cục cũng đề nghị cơ quan quản lý xuất khẩu cần tích cực liên hệ với Hải quan Trung Quốc để bố trí họp trực tuyến nhằm trao đổi, giải đáp kịp thời các vướng mắc trong quá trình đăng ký; cùng với đó phải tổ chức tốt các vùng nguyên liệu tập trung gắn với bao gói, chế biến đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật trong xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc.

Hơn nữa, để thúc đẩy xuất khẩu nông sản, thủy sản Việt Nam sang thị trường Trung Quốc, công nghệ số cần được tận dụng tối đa. Trong thời gian tới, hai nước sẽ phối hợp xây dựng "cửa khẩu số" tại cặp cửa khẩu Móng Cái - Đông Hưng để tạo điều kiện thông quan hàng hóa giữa hai nước được thuận lợi, tiết kiệm thời gian và chi phí.

Bài liên quan
Xuất khẩu lao dốc mạnh ở nhiều thị trường chính, ngành thủy sản lên tiếng
Lạm phát là thách thức nhưng cũng là cơ hội cho nhiều mặt hàng thủy sản có giá phù hợp với túi tiền người thu nhập thấp.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Sau sắp xếp bộ máy tổ chức, TP.HCM giảm 129 đầu mối
5 giờ trước Theo dòng thời sự
Ngày 22.11, Thành ủy TP.HCM tổ chức hội thảo “Tiếp tục xây dựng hệ thống chính trị tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo của các cấp ủy, quản lý của chính quyền; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng nhiệm vụ trong tình hình mới”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Việt Nam đứng ở đâu trong bức tranh cung cấp thủy sản cho Trung Quốc?