Xuất khẩu gạo năm 2024 được dự báo tiếp tục thuận lợi, mặt bằng giá gạo xuất khẩu vẫn ở mức cao khi thị trường thế giới gia tăng nhập khẩu.
Số liệu của Tổng cục Hải quan cho thấy, sản lượng gạo xuất khẩu 11 tháng đầu năm của Việt Nam đã đạt mức 7,8 triệu tấn, thu về kim ngạch 4,4 tỉ USD. Đây chính là những con số kỷ lục, cao nhất tính từ năm 1989 trở lại đây và dự kiến sẽ còn tiếp tục tăng trong thời gian sắp tới.
Trong khi đó, 11 tháng của năm 2023, Việt Nam xuất khẩu gạo sang thị trường Indonesia được hơn 1,123 triệu tấn, trị giá hơn 614,67 triệu USD, tăng 16,32 lần về lượng và tăng 18,07 lần về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2022. Nhờ khối lượng gạo nhập khẩu của Indonesia tăng khủng đã giúp thị trường này lần đầu tiên vượt qua Trung Quốc trở thành thị trường xuất khẩu gạo lớn thứ hai của Việt Nam, nhưng vẫn đứng sau thị trường Philippines.
Ông Đỗ Hà Nam-Phó chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cho biết tháng 12.2023 không phải là tháng cao điểm thu hoạch lúa của Việt Nam nên nguồn cung trong nước có thể hạn chế. Tuy nhiên, các nước xung quanh Việt Nam đang thu hoạch, nguồn cung này có thể chuyển sang Việt Nam bởi giá lúa gạo trong nước đang khá cao. Nên khả năng nguồn hàng để có thể đảm bảo xuất khẩu trên 8 triệu tấn.
Theo ông Đỗ Hà Nam, Việt Nam luôn thương mại hóa trong xuất khẩu nên định hướng sản xuất là luôn tạo sự khác biệt, để tạo giá trị cao hơn. Cả nhà khoa học, doanh nghiệp và nông dân cũng đang đi hướng này. Đây là thế mạnh mà ngành nông nghiệp nên quan tâm và không nên coi sức mạnh lúa gạo Việt Nam là an ninh lương thực mà là sức mạnh thương mại để phát huy hơn nữa giá trị lúa gạo.
Kết quả xuất khẩu gạo năm 2023 đã để lại những bài học kinh nghiệm trong điều hành, tận dụng thời cơ để Việt Nam đẩy mạnh sản xuất, xuất khẩu gạo trong điều kiện cho phép nhằm mang lại giá trị, hiệu quả cao nhất. Cùng với đó, đây cũng là cơ hội ngành gạo xúc tiến thương mại tìm những thị trường mới, khẳng định thương hiệu gạo Việt Nam. Từ đó, đặt nền tảng đảm bảo vững chắc an ninh lương thực quốc gia và thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu gạo bền vững.
Theo ông Nam, trong năm 2023, Việt Nam có lợi thế rất tốt từ lệnh cấm xuất khẩu gạo của Ấn Độ nên mặt bằng giá gạo trên thị trường tăng đột biến. Sang năm 2024, Ấn Độ không thể cấm mãi xuất khẩu gạo và họ sẽ mở cửa trở lại, khi đó chắc chắn giá lúa gạo sẽ giảm xuống, và mức xuống của giá gạo không thể bằng với mặt bằng giá của năm 2022. Theo nhận định chung, giá gạo xuất khẩu sẽ ở mức khoảng 600 USD/tấn.
"Giá bình quân xuất khẩu gạo trong năm 2024 dự kiến khoảng 600 USD/tấn, có thấp so với năm 2023, mức giá này vẫn có lợi cho người nông dân. Dự báo, giá gạo xuất khẩu sẽ rất khó để giảm sâu xuống mức 500 USD/tấn”, ông Nam phân tích.
Đưa ra dự báo về thị trường cuối năm cũng như nửa đầu năm 2024, ông Lê Thanh Hòa - Phó Cục trưởng Cục Chất lượng Chế biến và Phát triển thị trường (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho rằng tình hình tiếp tục thuận lợi. Chính vì thế, ông đề xuất tiếp tục cơ cấu lại ngành lúa gạo theo hướng nâng cao chất lượng, giá trị, đảm bảo gia tăng về giá trị hơn gia tăng về số lượng.
Theo đó, các doanh nghiệp và Hợp tác xã, người dân cần đẩy mạnh liên kết sản xuất gạo chất lượng, chuyển dịch cơ cấu, chủng loại gạo xuất khẩu nhằm mục đích đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, phù hợp với Chiến lược phát triển thị trường xuất khẩu gạo Việt Nam đến năm 2030.
Ông Hòa cũng đề nghị Bộ Công Thương tập trung nghiên cứu và chia sẻ thông tin thị trường; đánh giá cũng như dự báo dài hạn nhu cầu, thị hiếu; ưu tiên nguồn lực xúc tiến thương mại và kết nối giao thương, quảng bá sản phẩm để có thể thúc đẩy xuất khẩu gạo. Song song với đó là đề nghị Ngân hàng Nhà nước đảm bảo nguồn tín dụng ưu đãi cho các doanh nghiệp xuất khẩu, giúp các chuỗi liên kết được bền vững.
Mới đây, Phó thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang đã ký Quyết định số 1490/QĐ-TTg ngày 27.11.2023 phê duyệt Đề án "Phát triển bền vững một triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030".
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan khẳng định: Vùng chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp ở Đồng bằng sông Cửu Long sẽ mang tính đột phá trong tổ chức lại sản xuất ngành hàng lúa gạo. Đồng thời, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, thu nhập và đời sống của người trồng lúa; bảo đảm phát triển bền vững trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng tăng, đóng góp vào tăng trưởng xanh... Nguồn gạo chất lượng cao này sẽ góp phần nâng cao năng lực canh tranh của gạo Việt trên thị trường quốc tế.