Trong căn chòi tạm bợ được dựng tạm giữa đồng, có đôi vợ chồng già yếu hằng ngày phải cặm cụi trồng rau, cuốc đất để mưu sinh qua ngày. Dù tóc đã bạc, tuổi đã cao nhưng đôi vợ chồng vẫn không được hưởng sự an lạc khi về già. Nước mắt mặn chát của một đời xuôi ngược vẫn cứ chảy. Hoàn cảnh cô độc đáng thương lại còn gánh theo căn bệnh hoành hành nơi lồng ngực….
Đó là hoàn cảnh đáng thương của ông Nguyễn Văn Paul (1954) và bà Nguyễn Thị Điệp (1956). Hiện ông bà đang tạm trú tại một mảnh đất gần số 40, Kinh số 3, khu phố 6, P.Tân Tạo A, Q.Bình Tân, TP.HCM.
Trò chuyện với chúng tôi, bà Điệp rơm rớm nước mắt khi kể về những ngày tháng mà vợ chồng bà cơ cực. Ông ở Bến Lức, bà ở Tiền Giang. Hai ông bà sinh được hai người con, một trai một gái. Hai người con đều có gia đình và đi làm thuêđể sinh sống. Ông bà đều mơ ước sau này có một mái nhà êm ấm lúc tuổi về chiều, nhưng ngờ đâu phận số trớ trêu. Ở lứa tuổi lục tuần mà ông bà vẫn phải chịu cảnh đời túng quẫn, bệnh tật dày vò thân thể.
Ông Paul và bà Điệp tuổi cao sức yếu nhưng vẫn phải trồng rau để mưu sinh qua ngày
Sau khi bán căn nhà dưới quê, ông bà lang thang đây đó nhiều nơi để mưu sinh. Bà Điệp kể vợ chồng bà đã từng đi làm thuê làm mướn ở Gò Công, Tân Phước, Thủ Thừa…Chỗ nào có đồng ruộng người ta mướn thì ông bà làm. Thấy vợ chồng già yếu nên người ta ái ngại không cho làm lâu.
Cuối cùng ông bà khăn gói lên TP.HCM, được một người chủ đất thương tình cho căn chòi để ở. Hằng ngày hai vợ chồng trông coi ao cá, nuôi gà vịt, làm vườn trên mảnh đất tạm bợ để kiếm cơm. Thấy ông bà neo đơn, hay bệnh tật nên nhiều người thườngcho gạo, cho thịt giúp ông bà có miếng ăn qua ngày…
Trò chuyện được không lâu, bà Điệp lại lụi cụi vào nhà, bước từng bước đi nặng nhọc, mang ra cho chúng tôi những quyển sổ khám bệnh mà ông bà từng khám cách đây vài năm. Quyển sổ đã cũ, nhàunát do rất lâu rồi, ông bà không dám bước đến bệnh viện tái khám vì không có tiền chữa trị. Từ lần khám bệnh đầu tiên tại Viện Tim TP.HCM, cho đến nay mỗi khi đau yếu thì bà Điệp lại nhờ chồng mua vài liều thuốc để uống. Một tháng ông bà đều tiêu tốn hơn một triệu tiền thuốc mỗi khi lên cơn đau tim, tăng huyết áp,...
Bà Điệp mắc nhiều căn bệnh, đi lại khó khăn
Bà Điệp tuổi đã cao, trong người lại mắc căn bệnh tăng huyết áp và suy mạch vành mạn tính. Mỗi khi lao động mệt nhọc, bà lại đau tim và không thở nổi. Căn bệnh đau nhức xương khớp cũng làm cho bà gặp bất lợi khi di chuyển hay làm đồng. Riêng ông Paul bị bệnh mạch vành mạn tính và thường phải chịu đựng những cơn đau tim thập tử nhất sinh. Bệnh án của ông Paul được bác sĩ BV Chợ Rẫy chẩn đoán: LAD II, thâm nhiễm OM1, hẹp 60% PDA, loét dạ dày, tăng cholesterol máu.
Bệnh án của bà Điệp tại Viện Tim TP.HCM
Trong căn nhà nương thân của đôi vợ chồng già chỉ có mỗi chiếc ti vi đã cũ và chiếc giường, chiếc võng để nghỉ ngơi lúc đuối sức. Bà Điệp hoài niệm với chúng tôi về việc có tấm tôn lợp nhà như hiện tại. Đó là nhờ một đoàn từ thiện chữ thập đỏ ở chùa cho ông bà 3 triệu để sửa nhà, dựng lại cột trụ và vách tạm để ông bà nương náu. Từ ngày có căn chòi dựng tạm, ông bà đỡ lo lắng về những ngày mưa dột ẩm thấp khiến tay chân ông bà đau nhức khôn nguôi.
Trong căn chồi dột nát chỉ có mỗi chiếc ti vi đã cũ
Căn chòi che nắng che mưa được dựng tạm từ tấm lòng các mạnh thường quân
Lần đầu đặt stent (phương pháp hỗ trợ cho người bị mạch vành nặng)-vợ chồng ông Paul phải cầm cố, thế chấp căn nhà đang ở để có 70 triệu cho ông chữa trị. Do không có BHYT nên số tiền quá lớn, những người anh em của ông bà phải đứng ra vay ngân hàng để giúp đỡ. Sau lần đặt stent đầu tiên được vài năm, ông Paul trong lúc làm việc đã bị ngất xỉu và đưa vào bênh viện cấp cứu, các bác sĩ quyết định đặt stent lần hai cho ông. Chi phí lần này là 30 triệu, một khoản tiền quá lớn khiến bà Điệp ngất lịm sau khi nghe tin. Hiện tại, ông bà vẫn còn nợ ngân hàng một số tiền lớn trên 40 triệu, hàng tháng đều phải trả lãi.
Bệnh án của ông Điệp với bệnh suy mạch vành, phải đặt stent
Mảnh vườn của ông bà là nguồn thu nhập duy nhất nuôi sống qua ngày. Mỗi lần thu hoạch rau lan, mướp đắng, bầu bí, ông bà đều nhờ người mang ra chợ bán với giá chưa tới chục ngàn đồng. Hình ảnh hai vợ chồng già yếu, tóc bạc, lụi cụi đào đất, nhổ từng bụi raukhiến ai thấy cũng không khỏi xót xa.
Phải tận mắt chứng kiến mới có thể tin được toàn bộ mảnh vườn trên lại do hai vợ chồng tuổi cao sức yếu, lại đang mang trong mình bệnh tình thập tử nhất sinh chăm sóc. Mỗi lần thu hoạch rau, bà Điệp cùng chồng lại thức đến 3 giờsáng để hái rau cho kịp chợ sáng. Thấy chồng cực hơn mình, sợ ông tái phát bệnh, người vợ già lại ‘giành’ lấy phần việc của chồng. Đâu đó trong cảnh đời tăm tối, tình yêu thương săn sóc nhau giữa đôi phu phụ lại vượt lên hiện thực đắng cay. Nhiều lúc thấy chồng cơ cực, bà Điệp ăn cơm chan cùng nước mắt…
Vườn rau là nơi kiếm sống qua ngày của vợ chồng ông bà. Tuy vậy những lúc bệnh tình tái phát lại không thể đem ra chợ bán. “Nhà có hai đứa con, mà hai đứa đều nghèo hết, lo thân mình chưa xong thì sao mà lo cho cha mẹ già được. Ở từng tuổi này rồi mà có được nghỉ ngơi đâu con ơi. Có con cái mà con cái có ngó ngàng gì tới mình thì mình phải tự tìm cáchan ủi…”, ông Paul chia sẻ về gia cảnh của mình.
Ông Paul nghẹn ngào...
Khó khăn chồng chất khó khăn, được biết vợ chồng ông Paul còn có một đứa cháu ngoại, hiện đang bị ung thư não. Cháu đang được điều trị tại Bệnh viện Nhi Đồng 2 nhưng do không còn tiền chạy chữa nên hiện đã xuất viện để về uống thuốc Nam…
Bà Điệp bảo: “Nhiều lúc ngồi mà đau nhức không thể nào diễn tả được, cầm lòng không đặng thì phải khóc. Khóc để cho vơi phần nào cái cảnh đời của mình chứ nào muốn khóc. Do phận số mình không được sáng suốt như người ta thì mình chịu”. Từng giọt nước mắttuôn ra, bà nghẹn ngào kể cho chúng tôirằng đã ba năm nay, bà chưa từng được biết đến một bộ đồ mới thì huống hồ gì có tiền để chữa bệnh.
Bà Điệp xúc động khi chia sẻ về cuộc sống của hai vợ chồng
Ông Trần Văn Nam, một người ở gần nơi ông bà sinh sống cho biết: “Hoàn cảnh hai vợ chồng rất thương tâm. Ông bà sống rất chân tình và được nhiều người ở đây yêu quý. Cả hai đều hay đau yếu nhưng rất cố gắng lao động. Có nhiều lúc thấy tội quá thì những người buôn rau phải vào tận vườn để thu hoạch tiếp chú ông bà không còn sức để làm việc”.
Một tấm lòng giữa lúc hoạn nạn khó khăn còn cao quý hơn vàng. Hoàn cảnh thương tâm của bà Điệp ông Paul thật sự rất cần những mạnh thường quân chia sẻ và hỗ trợ.
Mọi sự giúp đỡ ủng hộ xin quý độc giả gửi về:
1. Trực tiếp:
Báo điện tử Một Thế Giới
Hà Nội: Nhà 22 Ngõ 249A Thụy Khuê, quận Tây Hồ, thành phố Hà Nội - ĐT: 024.62945752.
TP.HCM: 345/134 Trần Hưng Đạo, phường Cầu Kho, quận 1 - ĐT: 028.38389241.
2. Chuyển khoản qua ngân hàng:
Tên tài khoản: Báo điện tử Một Thế Giới
Số tài khoản: 0921.000.715.674
Ngân hàng Vietcombank - Chi nhánh Nhà Rồng
Lưu ý: Thông tin xin ghi rõ: Ủng hộ ông Paul-bà Điệp