WB cho rằng viễn cảnh tăng trưởng năm 2021 sẽ phụ thuộc việc kiểm soát đợt dịch mới bùng phát như thế nào và thời gian triển khai tiêm chủng vắc xin.
Nền kinh tế có sự phục hồi
Theo báo cáo cập nhật kinh tế vĩ mô Việt Nam do Ngân hàng thế giới (WB) vừa công bố, đợt lây nhiễm mới trong cộng đồng bùng phát ở miền Bắc vào cuối tháng 1.2021 sau hai tháng không có ca lây nhiễm trong nước, khiến cho chính quyền phải ứng phó nhanh chóng.
Đợt lây nhiễm thứ ba - một phần do biến thể vi-rút COVID-19 mới có khả năng lây lan nhanh hơn - bắt nguồn tại Hải Dương và Quảng Ninh vào ngày 27.1.2021, rồi lan ra các tỉnh thành khác. Các cơ quan chức năng nhanh chóng tái triển khai các biện pháp khoanh vùng, truy vết, xét nghiệm, cách li và hạn chế đi lại.
Nền kinh tế tiếp tục phục hồi trong tháng 1.2021 với tăng trưởng vững chắc về doanh số bán lẻ và sản xuất công nghiệp, cũng như kết quả tốt từ khu vực kinh tế đối ngoại - xuất khẩu và nhập khẩu hàng hóa tăng lần lượt 51,8% và 41,8% so với cùng kỳ năm trước.
Doanh số bán lẻ trong tháng 1.2021 cao hơn 1,5% so với tháng 12.2020, đạt tốc độ tăng trưởng 6,6% (so cùng kỳ năm trước), nhưng vẫn thấp hơn tốc độ tăng trước đại dịch.
Quỹ đạo tăng trưởng cho thấy sức cầu trong nước chưa được phục hồi hoàn toàn. Doanh số bán lẻ hàng hóa tăng 8,7% so cùng kỳ năm trước, thấp hơn 3 điểm phần trăm so với tháng trước đó.
Với việc kiểm soát đi lại giữa các nước và sự phục hồi hạn chế của du lịch nội địa, ngành này đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng, từ đó ảnh hưởng đến việc làm và sinh kế.
Du lịch chiếm khoảng 8% GDP và tạo ra 750.000 việc làm năm 2017. Doanh số các dịch vụ lưu trú và lữ hành giảm lần lượt 4,1% và 62,2% (so cùng kỳ năm trước).
Nhiều hộ gia đình bị ảnh hưởng
Cũng theo báo cáo này, mặc dù nền kinh tế vẫn có khả năng chống chịu, nhưng nhiều hộ gia đình tiếp tục bị ảnh hưởng do khủng hoảng COVID-19.
Trong khi tăng trưởng kinh tế và xuất khẩu cho thấy khả năng chống chịu mạnh mẽ, nhiều hộ gia đình vẫn tiếp tục gặp khó khăn tài chính do khủng hoảng gây ra.
Kết quả sơ bộ từ Khảo sát hộ gia đình tần suất cao qua điện thoại về COVID-19 của Ngân hàng Thế giới trong tháng 1.2021 chỉ ra rằng gần một nửa các hộ gia đình vẫn cho biết thu nhập gia đình của họ thấp hơn so với cùng kỳ năm trước.
Ngoài ra, trên một phần ba số người trả lời cho biết họ biết có người bị mất việc làm kể từ tháng 2.2020. Mặc dù kết quả trên vẫn tốt hơn so với nhiều quốc gia khác trên thế giới, nhưng cho thấy cuộc khủng hoảng hiện nay để lại tác động đáng kể và lâu dài đến người lao động và hộ gia đình ở Việt Nam.
Để ứng phó với những hệ quả tài chính do khủng hoảng gây ra, khảo sát của Ngân hàng thế giới vào tháng 1.2021 cho thấy khoảng 9% các hộ gia đình phải vay mượn và 15% phải cắt giảm tiêu dùng.
Trong số các hộ gia đình có thu nhập thấp hơn so với trước khủng hoảng COVID-19, khoảng 40% dự định phải cắt giảm hoặc đình hoãn kế hoạch xây dựng, bắt đầu hoạt động kinh doanh mới hoặc mua sắm xe cộ.
Nếu kéo dài, hành vi thận trọng này sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến tổng cầu trong nước trong thời gian tới.
Thương mại hàng hóa tăng trưởng kỷ lục
Tiếp tục đi theo quỹ đạo trong thời gian gần đây, thương mại hàng hóa đạt tăng trưởng kỷ lục vào tháng 1.2021.
Kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa tăng lần lượt 51,8% và 41,8% (so cùng kỳ năm trước). Thặng dư thương mại hàng hóa tháng 1 ước đạt 1,1 tỉ USD theo số liệu sơ bộ.
Kim ngạch xuất khẩu dệt may, giày dép và một số nông sản bắt đầu phục hồi, trong khi kim ngạch các mặt hàng điện thoại, máy tính và điện tử tiếp tục tăng mạnh trong tháng 1.2021.
Xuất khẩu sang Mỹ và Trung Quốc tiếp tục đà tăng trưởng vững chắc trong năm 2020 trong khi xuất khẩu sang EU, ASEAN, Nhật Bản và Hàn Quốc phục hồi mạnh mẽ. Tương tự, nhập khẩu từ Hàn Quốc, ASEAN và Mỹ cũng tăng, tương tự như nhập khẩu từ Trung Quốc, Nhật Bản và EU.
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong tháng đầu tiên của năm 2021 thấp hơn 0,1% so với tháng 12.2020 và giảm 1,1% so với cùng kỳ năm trước.
Chính phủ triển khai giảm giá điện 10% đợt 2 do COVID-19 vào tháng 1.2021. Giá lương thực thực phẩm giảm 0,1% trong tháng 1.2021 so với năm trước cũng góp phần dẫn tới giảm phát.
Lạm phát cơ bản, không bao gồm giá lương thực thực phẩm và giá các mặt hàng do Nhà nước quản lý giá, giảm mạnh so với đầu năm 2020, chạm mức 0,5% trong tháng 1.2021 (bằng một nửa so với tháng 12.2020).
Xu hướng giảm này có thể phản ánh sức cầu trong nước yếu hơn kể từ đầu cuộc khủng hoảng COVID-19.
Tăng trưởng 2021 phụ thuộc vào việc kiểm soát dịch
Mặc dù hụt thu ngân sách trong tháng 1.2021, nhưng thanh khoản dồi dào tiếp tục tạo điều kiện cho Chính phủ vay với lãi suất hấp dẫn trên thị trường trong nước.
Tổng thu ngân sách trong tháng 1.2021 đạt 153,5 ngàn tỉ đồng, thấp hơn 15,5% so với cùng kỳ năm trước. Giảm thu chủ yếu do thu nội địa bị giảm 16,5% (so cùng kỳ năm trước).
Thu cân đối từ hoạt động xuất, nhập khẩu tăng 16,9% do nhập khẩu hàng hóa tăng trưởng vững chắc.
Trong tháng đầu tiên của năm 2021, Chính phủ chi ngân sách tổng cộng 99,6 ngàn tỉ VND, tăng nhẹ (1,0%) so với cùng kỳ năm trước. Đầu tư công đạt 15 ngàn tỉ VND, với tỷ lệ giải ngân đạt 3,25%.
Kho bạc Nhà nước vay khoảng 23,4 ngàn tỉ VND trong tháng 1.2021 trên thị trường nội địa, tương đương 23,4% kế hoạch phát hành 100 ngàn tỉ VND trong quý 1 năm 2021.
Đúng theo kế hoạch, trái phiếu được phát hành chủ yếu với kỳ hạn từ 10 năm trở lên, góp phần kéo dài kỳ hạn trong cơ cấu nợ công. Chi phí vay nợ tiếp tuc giảm, với lợi suất trái phiếu kho bạc kỳ hạn 10 năm vào ngày 23.1 ở mức 2,17%, nghĩa là thấp hơn 0,1 điểm phần trăm so với tháng trước, và thấp hơn 0,7% so với tháng 1.2020.
WB cho rằng trong thời gian tới, viễn cảnh tăng trưởng của năm 2021 sẽ phụ thuộc cơ quan chức năng kiểm soát đợt dịch mới bùng phát tốt và nhanh như thế nào, cũng như thời gian triển khai tiêm chủng vắc-xin trong nước và trên thế giới.
Nếu khủng hoảng tiếp tục kéo dài, chính phủ có thể cần cân nhắc hỗ trợ nền kinh tế thêm bằng biện pháp tài khóa và tiền tệ. Tuy nhiên, cần quan tâm theo dõi đặc biệt tới dư địa tài khóa, sức khỏe của khu vực tài chính, và những tác động xã hội có thể xảy ra vì mất thu nhập kéo dài ở một số hộ gia đình có thể tạo ra tình trạng bất bình đẳng những căng thẳng mới.