Chuyên gia kinh tế PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh cho rằng kinh tế tư nhân phải được coi như một động lực mới giúp thúc đẩy tăng trưởng và phát triển bền vững.

PGS-TS Đinh Trọng Thịnh: Kinh tế tư nhân phải là động lực

Lam Thanh | 13/02/2021, 12:07

Chuyên gia kinh tế PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh cho rằng kinh tế tư nhân phải được coi như một động lực mới giúp thúc đẩy tăng trưởng và phát triển bền vững.

Việt Nam hoàn thành mục tiêu kép

Kinh tế Việt Nam 2020 gặp nhiều khó khăn do dịch bênh COVID-19, sự khắc nghiệt của thiên tai, sự xáo trộn của các chuỗi cung ứng và tiêu thụ trên toàn cầu cùng với sự suy thoái của nền kinh tế thế giới. Tuy nhiên, Việt Nam đã hoàn thành mục tiêu kép về kiểm soát dịch bệnh và là một trong số ít quốc gia có mức tăng trưởng GDP đạt 2,91%.

dinh-trong-thinh-kttn-1.jpg
Chuyên gia kinh tế, PGS-TS Đinh Trọng Thịnh

Để thực hiện được các chỉ tiêu kế hoạch trong năm 2021 trong điều kiện nền kinh tế thế giới vẫn còn nhiều diễn biến phức tạp, trao đổi với phóng viên Một Thế Giới, chuyên gia kinh tế, PGS-TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng cần có những biện pháp chủ động, linh hoạt, kiên quyết và phù hợp với nền kinh tế.

Theo chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh, nền kinh tế Việt Nam đã phát triển toàn diện hơn; năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) đóng góp vào tăng trưởng bình quân giai đoạn 2016-2020 ước đạt 45,21%, vượt xa so với mục tiêu 30%-35% mà kế hoạch đề ra.

Khu vực đầu tư tư nhân trong năm 2020 đã có nỗ lực rất lớn để có thể chiếm đến 44,9% tổng đầu tư xã hội. Kinh tế tư nhân đã thực sự trở thành một động lực tăng trưởng của nền kinh tế, đóng góp 44-45% trong GDP, giải quyêt nhiều công ăn việc làm cho người lao động.

Chất lượng nợ công được cải thiện rõ nét. Giai đoạn 2016-2019 tốc độ tăng nợ công giảm còn bằng 6,8%, tương đương với tốc độ tăng trưởng kinh tế. Đây là một cố gắng rất lớn khi tốc độ tăng nợ công của giai đoạn 2011-2015 là 18,1%, bằng 3 lần tăng trưởng kinh tế.

Theo ông Đinh Trọng Thịnh, năm 2021, nền kinh tế thế giới sẽ từng bước phục hồi dưới sự hỗ trợ mạnh mẽ của Chính phủ các quốc gia.

Trước hết, nhiều quốc gia trên thế giới đã phát triển được vắc-xin chống COVID-19 và đã có những quốc gia thực hiện tiêm chủng rộng rãi trong xã hội. Khi dịch bệnh được kiểm soát thì các quốc gia sẽ đẩy mạnh công cuộc phục hồi và phát triển kinh tế.

Ông Thịnh cho rằng mặc dù đại dịch COVID-19 còn diễn biến phức tạp, nhiều quốc gia tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội, đóng cửa biên giới, nhưng hầu hết các quốc gia đã dần quen với trạng thái “bình thường mới”, vừa nỗ lực phòng chống dịch, vừa bắt đầu từng bước phục hồi kinh tế.

Nền kinh tế thế giới được dự báo sẽ có những bước phục hồi và phát triển. IMF dự báo nền kinh tế thế giới tăng trưởng 4% trong năm 2021. Nhu cầu về nguyên nhiên vật liệu, về vật tư, linh phụ kiện và hàng hóa sẽ tăng cao.

"Đây sẽ là nhân tố thúc đẩy hoạt động thương mại quốc tế, thúc đẩy nền kinh tế xuất nhập khẩu cao như Việt Nam tăng trưởng mạnh mẽ", ông Thịnh nói.

Hơn nữa, chuyên gia này cho rằng nhiều thay đổi đang diễn ra ở nền kinh tế lớn nhất trên thế giới. Xu hướng tăng cường hợp tác quốc tế để giải quyết các vấn đề chung sẽ góp phần giảm bớt các căng thăng tại các điểm nóng kinh tế trên thế giới.

Thậm chí, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung cũng sẽ đi vào chiều sâu và có thể có những giới hạn nhất định. Đại dịch COVID-19 cũng làm cho nhiều quốc gia cảm nhận sự hợp tác, cùng sinh tồn là rất quan trọng.

Kinh tế Việt Nam phục hồi mạnh mẽ

Chuyên gia này cho rằng sang năm 2021, nền kinh tế Việt Nam được dự báo sẽ phục hồi và phát triển mạnh mẽ. Trước hết, do việc phòng chống và kiểm soát tốt dịch bệnh, ý thức phòng chống dịch của người dân và toàn xã hội tăng cao.

Việt Nam đã chuyển sang hình thức kiểm soát chặt chẽ biên giới, khoanh vùng dập dịch ngay tại gốc với phạm vi thích hợp, nền sản xuất của đất nước đã có những dấu hiệu phục hồi mạnh mẽ trong quý 4.2020.

Cùng với đó, các DN Việt Nam đã thích ứng nhanh chóng với trạng thái kinh tế mới. Nếu xét theo số DN mới đăng ký thành lập và số DN quay trở lại hoạt động, thì số lượng tăng hơn 0,8% so với 2019, đặc biệt, vốn đăng ký bình quân mỗi DN cao hơn nhiều so với 2019.

Cũng theo chuyên gia này, cơ cấu nền kinh tế đã có những chuyển biến đáng kể từ phát triển theo chiều rộng sang chiều sâu, năng suất lao động tăng đáng kể, đóng góp của nhân tố TFP (năng suất nhân tố tổng hợp) vào tăng trưởng đạt 45-47%.

Kinh tế tư nhân đã trở thành một nhân tố quan trọng đóng góp 44-45% GDP, là một động lực thúc đẩy nền kinh tế phát triển.

Hơn nữa, việc cải cách hành chính, cắt giảm các điều kiện kinh doanh, giảm 29 loại phí, lệ phí đã góp phần tiết giảm chi phí sản xuất kinh doanh và các chi phí tiếp cận cho các DN.

dinh-trong-thinh-kttn-3.jpg
Chuyên gia Đinh Trọng Thịnh cho rằng năm tới kinh tế sẽ phục hồi mạnh mẽ

Bên cạnh đó, việc hội nhập mạnh mẽ của nền kinh tế Việt Nam với nền kinh tế thế giới thông qua hiệu quả của các Hiệp định thương mại EVFTA, RCEPT, UKVFTA… giúp các DN Việt Nam có cơ hội nhập khẩu các máy móc, thiết bị, các nguyên nhiên vật liệu và hưởng các ưu đãi xuất xứ, ưu đãi thuế cùng với việc đa dạng hóa thị trường xuất nhập khẩu.

Đặc biệt, ông Thịnh cho rằng kinh tế số đã trở thành một trào lưu, một động lực phát triển của các DN trong nền kinh tế, đang thúc đẩy tính công khai, minh bạch, tiết kiệm chi phí và tăng năng suất lao động trong nền kinh tế.

Ngoài ra, đầu tư công đã có những chuyển biến tích cực, mức độ giải ngân năm 2020 đạt trên 92% đang góp phần tháo gỡ các khó khăn về cơ sở hạ tầng, về khả năng kết nối giữa các vùng kinh tế, góp phần tạo công ăn việc làm và tăng trưởng GDP.

Ông Thịnh cũng nhận định khả năng vốn FDI sẽ tiếp tục tăng cao trong năm 2021 cũng sẽ là một nhân góp phần thúc đẩy nền kinh tế tăng trưởng nhanh.

Tăng trưởng có thể đạt 7,4%

Ông Thịnh dự báo, trong năm 2021, nếu dịch bệnh được khống chế sớm, kinh tế thế giới phục hồi tốt, kinh tế Việt Nam tận dụng tốt các cơ hội, nắm bắt và thích ứng với các Hiệp định thương mại tự do và những thay đổi lớn trong nền kinh tế thế giới, tăng trưởng 6,8%-7,4% thì khả năng lạm phát có thể sẽ là 3,8% (+/- 0,5%), thâm hụt NSNN trong khoảng 4,1 %.

Với những thay đổi chính sách của Chính phủ mới của Mỹ, nước có nền kinh tế lớn nhất thế giới, nhiều khả năng kịch bản này sẽ đạt được.

Trường hợp, nếu dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, kinh tế thế giới phục hồi chậm, nền kinh tế Việt Nam vẫn có thể tăng trưởng 6,0%-6,7% với lạm phát sẽ trong khoảng 3,3% (+/- 0,5%), thâm hụt NSNN trong khoảng 3,5%.

Để thúc đẩy kinh tế tăng trưởng nhanh và bền vững nhằm đạt được các chỉ tiêu đã được đề ra trong năm 2021, ông Thịnh cho rằng cần thực hiện đồng bộ hàng loạt các biện pháp.

Cụ thể, tiếp tục đẩy mạnh công tác phòng chống dịch bệnh COVID-19 bùng phát trở lại và phòng ngừa các dịch bệnh sẽ là tiền đề tốt cho ổn định sản xuất, ổn định thị trường, bình ổn giá cả các mặt hàng.

Giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn, tạo nền tảng cho phát triển nhanh và bền vững. Đặc biệt, cần theo dõi sát tình hình biến động của nền kinh tế thế giới và thị trường tài chinh - tiền tệ, chủ động, tích cực quản lý và điều chỉnh tỷ giá hối đoái linh hoạt, phù hợp với sự phát triển của nền kinh tế, từng bước ổn định và nâng cao giá trị đồng Việt Nam.

dinh-trong-thinh-kttn-4.jpg
Kinh tế phục hồi và phát triển trong năm tới

Theo dõi, quản lý và giám sát các biến động trên thị trường BĐS và thị trường chứng khoán… để có các biện pháp điều chỉnh kịp thời, tránh để xảy ra các biến động bất thường tác động xấu đến nền kinh tế.

Tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động giá cả, thị trường, đảm bảo ổn định mặt bằng giá cả. Cần tích cực cơ cấu lại thu chi NSNN, giảm tới mức thấp nhất thâm hụt ngân sách, đẩy mạnh cải cách chính sách thuế, tái cấu trúc và tăng cường hiệu quả chi tiêu công, tích cực giảm thiểu thâm hụt NSNN, giảm bền vững tỷ trọng nợ công và nợ nước ngoài trên GDP.

Cùng với đó, nâng cao hiệu quả đầu tư công, tiếp tục đẩy mạnh công tác giải ngân đầu tư công được coi là đòn bẩy để phục hồi và phát triển nền kinh tế.

Đẩy mạnh cái cách cơ cấu nền kinh tế thực chất hơn, đẩy nhanh quá trình chuyển đổi mô hình tăng trưởng dựa vào ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nâng cao năng suất lao động và hiệu quả quản lý, khai thác, sử dụng và phát huy các nguồn lực của nền kinh tế.

“Cần phải coi việc ứng dụng công nghệ mới, công nghệ cao vào sản xuất, kinh doanh, nâng cao năng suất và chất lượng lao động là động lực chính để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong năm 2021 để tạo bàn đạp cho việc đẩy mạnh thực hiện đổi mới, sáng tạo và chuyển đổi mô hình sản xuất kinh doanh của nền kinh tế cho cả giai đoạn 2021-2030”, ông Thịnh nói.

Chuyên gia này cũng cho rằng cần tích cực thực hiện chuyển đổi số đồng bộ trong các hoạt động quản lý nhà nước, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, thực hiện Chính phủ điện tử và chế độ “một cửa”.

Kinh tế tư nhân phải là động lực

Tiếp tục hoàn thiện môi trường đầu tư, sản xuất kinh doanh, giảm tới mức tối đa các chi phí chính thức và phi chính thức trong đăng ký hoạt động kinh doanh, trong các hoạt động tiếp cận thị trường, tạo môi trường phát triển công bằng, minh bạch giữa các khu vực kinh tế, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và nền kinh tế.

“Đẩy mạnh phát triển kinh tế tư nhân được coi như một động lực mới giúp thúc đẩy tăng trưởng và phát triển bền vững nền kinh tế trong giai đoạn tăng tốc của nền kinh tế để vượt qua bẫy thu nhập trung bình”, ông Thịnh nói.

Theo chuyên gia này, trong thời gian vừa qua, khu vực kinh tế tư nhân đã có sự tăng trưởng bứt phá trên nhiều lĩnh vực, đóng góp khoảng 34% tổng nguồn vốn đầu tư toàn xã hội, tạo ra trên 44% GDP của đất nước, nhưng vẫn còn nhiều rào cản và sự đối xử chưa hợp lý để khu vực này được phát triển bình đẳng.

Theo đó, cần tập trung vào các DN tư nhân lớn trở thành những đầu tàu, dẫn dắt kết nối được các DN vừa và nhỏ hình thành mạng lưới, dây chuyền sản xuất kinh doanh, đặc biệt phát triển các DNNVV trong lĩnh vực công nghiệp phụ trợ.

Từ các DN đầu tàu này, chính các DN nhỏ và vừa sẽ có động lực để tạo ra sản phẩm đạt chất lượng, đủ tiêu chuẩn quốc tế, đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu.

dinh-trong-thinh-kttn-5.jpg
Kinh tế tư nhân phải là động lực

Cũng theo ông Thịnh, phải tiếp tục đổi mới cơ chế hoạt động của các DNNN theo cơ chế thị trường với những DN mà nhà nước cần nắm giữ với vai trò quản lý và điều tiết nền kinh tế.

Đồng thời, tích cực, chủ động phân loại và đẩy mạnh cổ phần hóa những doanh nghiệp mà nhà nước không cần nắm giữ, trao cơ hội để các DN tư nhân có thể tham gia bình đẳng, công khai, minh bạch trong một số lĩnh vực như xây dựng cơ sở hạ tầng, cung cấp điện, nước, xăng dầu… theo cơ chế thị trường.

Giải pháp tiếp theo là nâng cao hiệu quả đầu tư công và hiệu quả chi NSNN, nhằm tạo cơ sở hạ tầng tốt nhất, phù hợp nhất cho sự phát triển của nền kinh tế trong giai đoạn 2021-2030.

Các doanh nghiệp phải chủ động

Để thực hiện được các mục tiêu đã đề ra, ông Thịnh cho rằng các doanh nghiệp cần tích cực, chủ động nâng cao năng lực cạnh tranh, đổi mới máy móc thiết bị và dây chuyền công nghệ, tăng cường ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật để nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hóa.

Đồng thời, các doanh nghiệp cần đẩy mạnh liên kết để tạo ra chuỗi sản xuất, chuỗi giá trị nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm, đáp ứng các đòi hỏi của các đối tác trong các FTA để được hưởng các ưu đãi do các Hiệp định này đem lại.

Việc xem xét, thích ứng và tận dụng các cơ hội để tăng trưởng theo các cam kết của các FTA cần được các doanh nghiệp, các ngành nghề của nền kinh tế Việt Nam quan tâm nhiều hơn nữa.

Theo đó, cần tiếp tục đẩy mạnh đa dạng hóa thị trường xuất khẩu nhằm tránh các cú sốc có thể xảy ra khi có sự thay đổi chính sách xuất nhập khẩu, thay đổi chính sách thuế quan và phi thuế quan ở các thị trường mục tiêu.

Việc đẩy mạnh nhập khẩu các máy móc thiết bị, nguyên nhiên vật liệu từ các quốc gia phát triển, các thị trường mục tiêu xuất khẩu như Mỹ , EU, Hàn Quốc, Nhật Bản… để vừa có được nguồn linh phụ kiện, nguyên vật liệu đầu vào đảm bảo chất lượng; có thể đáp ứng nhu cầu sản xuất các mặt hàng xuất khẩu cao cấp, vừa nâng cao được trình độ công nghệ sản xuất và tăng năng suất lao động, vừa giúp cân bằng cán cân thương mại, giảm thặng dự thương mại để tránh các xung đột cũng cần được các doanh nghiệp và các nhà quản lý quan tâm.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp trong nước cần nâng cao ý thức tự bảo vệ, đồng thời tích cực đấu tranh chống hiện tượng hàng giả, hàng nhái, hàng gian lận thương mại, hàng đội lốt thương hiệu, giả mạo xuất xứ Việt Nam để xuất khẩu vào các quốc gia đã ký kết các Hiệp định tự do thương mại hoặc đã giành cho hàng Việt Nam các ưu đãi.

“Việc một số nhóm mặt hàng bị các quốc gia điều tra về bán phá giá, về gian lận thương mại phải chịu kiểm tra ngặt nghèo và phức tạp trong thanh toán là những cảnh báo nghiêm trọng”, ông Thịnh nói.

Bài liên quan
Những điểm sáng trong bức tranh kinh tế Việt Nam năm 2020
Chuyển đổi từ nền kinh tế kế hoạch tập trung sang nền kinh tế thị trường có sự quản lý của Nhà nước đã giúp Việt Nam từ một trong những quốc gia nghèo nhất thế giới trở thành nước có thu nhập trung bình thấp và là điểm đến an toàn, tin tưởng của các nhà đầu tư tại khu vực Châu Á – Thái Bình Dương.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Cần Thơ giải ngân hơn 10.468 tỉ đồng vốn đầu tư công năm 2024 như thế nào?
Năm 2024, TP.Cần Thơ được giao kế hoạch vốn đầu tư công hơn 10.468 tỉ đồng, đến nay đã giao chi tiết 8.804 tỉ đồng.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
PGS-TS Đinh Trọng Thịnh: Kinh tế tư nhân phải là động lực