Hôm 29.5, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết cơ quan y tế vừa phát hiện chủng SARS-CoV-2 mới có sự lai tạo giữa biến thể Ấn Độ và Anh, lây nhanh, phát tán rộng trong không khí.
Sau khi ngăn chặn thành công coronavirus trong phần lớn năm ngoái, Việt Nam đang phải vật lộn với sự gia tăng số ca COVID-19 tăng đột biến từ cuối tháng 4.2021, chiếm hơn một nửa trong tổng số 6.856 trường hợp đến nay. Đến nay, Việt Nam đã ghi nhận tổng cộng 47 ca tử vong do COVID-19 với 12 người trong đợt dịch mới.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long, hiện nay giải trình tự gien vi rút trên các bệnh nhân ở Việt Nam cho thấy có hai biến chủng đang phổ biến là chủng từ Ấn Độ và Anh. Trong đó, chủng từ Ấn Độ phổ biến nhất, xuất hiện ở Bắc Ninh, Bắc Giang, Hà Nội và nay là TP.HCM... Chủng Anh xuất hiện ở Đà Nẵng và một số địa phương khác.
Trên chủng Ấn Độ có những đột biến gien của chủng Anh. Đặc điểm của chủng này lây nhanh, phát tán rộng trong không khí, nồng độ vi rút trong dịch cổ họng tăng rất nhanh và phát tán rất mạnh ra môi trường xung quanh. Số ca mắc tăng rất nhanh và lan rộng trong thời gian ngắn.
Biến chúng này chưa có tên và tới đây Bộ Y tế sẽ tiến hành công bố chủng này trên bản đồ gien thế giới.
Đến nay Việt Nam đã ghi nhận tổng cộng 7 biến chủng coronavirus gồm: B.1.222, B.1.619, D614G, B.1.1.7 (biến chủng Anh), B.1.351, A.23.1 và B.1.617.2 (biến chủng Ấn).
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã xác định được bốn biến thể của SARS-CoV-2 đang được toàn cầu quan tâm, gồm các biến thể xuất hiện đầu tiên ở Ấn Độ, Anh, Nam Phi và Brazil.
Bà Maria Van Kerkhove, Trưởng nhóm Kỹ thuật của WHO về COVID-19, cho biết: “Hiện tại, chúng tôi vẫn chưa đưa ra đánh giá về biến thể vi rút được báo cáo tại Việt Nam. Văn phòng quốc gia của chúng tôi đang làm việc với Bộ Y tế tại Việt Nam và chúng tôi mong đợi sẽ sớm có thêm thông tin".
Theo hiểu biết hiện tại của WHO, biến thể được phát hiện ở Việt Nam là biến thể B.1.617.2, thường được gọi là biến thể Ấn Độ, có thể có thêm một đột biến, Maria Van Kerkhove nói.
"Tuy nhiên, chúng tôi sẽ cung cấp thêm thông tin ngay khi nhận được", Van Kerkhove chia sẻ.
Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết việc nuôi cấy biến thể mới trong phòng thí nghiệm cho thấy vi rút tự nhân lên rất nhanh, có thể giải thích tại sao rất nhiều ca bệnh mới đã xuất hiện ở các vùng khác nhau của đất nước trong một thời gian ngắn.
Bộ Y tế cho biết đang làm việc để đảm bảo có 10 triệu liều vắc xin theo chương trình COVAX, cũng như 20 triệu liều vắc xin Pfizer (Mỹ) và 40 triệu liều Sputnik V (Nga).
Việt Nam đến nay đã nhận được 2,9 triệu liều vắc xin COVID-19 và đặt mục tiêu đảm bảo 150 triệu liều trong năm nay.
Sáng 30.5, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) ghi nhận thêm 33 ca nhiễm COVID-19 mới trong cộng đồng, tất cả đều liên quan đến Hội thánh truyền giáo Phục Hưng.
Ttừ ngày 27.5 đến nay, TP.HCM ghi nhận tổng cộng 133 ca COVID-19. Trong đó, chuỗi liên quan Hội thánh truyền giáo Phục Hưng có 126 bệnh nhân. Kết quả xét nghiệm trước đó cho thấy những bệnh nhân này đều nhiễm biến chủng Ấn Độ.
HCDC dự báo số ca nhiễm liên quan đến hội thánh này có thể tăng tiếp trong thời gian tới vì số hội viên đến nay có thể chưa ra khai báo hết.
Chiều 29.5, HCDC kêu gọi người từng tham gia Hội thánh truyền giáo Phục Hưng chủ động liên hệ y tế địa phương để khai báo, kể cả khi không có dấu hiệu bệnh.
TP.HCM tiếp tục tiến hành điều tra truy vết các trường hợp tiếp xúc, lấy mẫu xét nghiệm diện rộng các khu vực liên quan ca nhiễm. Tiếp tục lấy mẫu mở rộng cho toàn bộ người dân sống tại phường 3, phường 5, phường 9, phường 15 của quận Gò Vấp để đánh giá nguy cơ.
Theo HCDC, mầm bệnh có thể đã có trong cộng đồng, người dân cần nâng cao cảnh giác nhưng cũng không hoang mang. Tuân thủ các biện pháp phòng chống dịch của chính quyền và hợp tác với ngành y tế trong thực hiện phong tỏa, cách ly, lấy mẫu xét nghiệm. Trung thực trong khai báo y tế về nguy cơ, yếu tố tiếp xúc của bản thân. Khi có dấu hiệu sốt, ho, khó thở, mất vị giác, khứu giác… đi khám bệnh ngay và khai báo trung thực khi đến cơ sở y tế. Khi khám bệnh phải mang khẩu trang và di chuyển bằng xe cá nhân.
Bộ trưởng Bộ Y tế: 'Chỉ có vắc xin COVID-19 mới đưa cuộc sống trở lại bình thường'
Việt Nam đàm phán mua vắc xin Moderna
Chiều 28.5, ông Nguyễn Thanh Long họp với công ty Zuellig Pharma, đơn vị đại diện cung ứng vắc xin COVID-19 của Moderna (Mỹ) cho Việt Nam.
Bộ trưởng Bộ Y tế đề nghị Zuellig Pharma cung ứng vắc xin cho Việt Nam trong thời gian sớm nhất với giá cả hợp lý nhất để ứng phó kịp thời, hiệu quả với đại dịch. Zuellig Pharma cam kết sẽ sớm thảo luận với Moderna các đề xuất của Việt Nam.
Tương tự sản phẩm của Pfizer (Mỹ) - BioNTech (Đức), vắc xin Moderna được phát triển bằng công nghệ mRNA, có khả năng kích thích tế bào người tạo ra protein virus. Sau đó, hệ miễn dịch tiếp xúc với protein và sinh ra kháng thể, các tế bào miễn dịch nhận biết và tiêu diệt mầm bệnh. Kết quả thử nghiệm vắc xin Moderna hiệu quả 90%.
Cơ quan Dược phẩm Liên minh châu Âu (EMA) phê duyệt vắc xin Moderna vào ngày 6.1. Vắc xin này được tiêm chủng ở Mỹ, Canada, Đức, Hàn Quốc, Anh...
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ngày 30.4 đã phê duyệt vắc xin Moderna để sử dụng trong trường hợp khẩn cấp. Đây là loại vắc xin COVID-19 thứ 4 được duyệt sử dụng khẩn cấp, sau Pfizer, Astrazeneca và Johnson & Johnson.
Theo Bộ trưởng Y tế, với việc kiểm soát tốt dịch bệnh trong thời gian qua và , Việt Nam nên việc tiếp cận vắc xin cũng hạn chế hơn. Do các đơn vị cung ứng vắc xin COVID-19 ưu tiên cho các khu vực là điểm nóng về dịch bệnh.Covax Facility đã cam kết hỗ trợ Việt Nam 38,9 triệu liều. Việt Nam cũng đề xuất Covax hỗ trợ Việt Nam thêm 10 triệu liều theo cơ chế chia sẻ chi phí.
Ông Long mong muốn các Đại sứ quán, các doanh nghiệp của các quốc gia tài trợ cho Covax tác động để có thêm vắc xin cho Việt Nam và đề nghị các nước có dư thừa vắc xin tạo điều kiện cho Việt Nam tiếp cận được nhiều nguồn vắc xin.
Astrazeneca là vắc xin COVID-19 đang được tiêm ở Việt Nam. Đến nay, hơn 1 triệu người được tiêm vắc xin này. Trong đó, hơn 28.500 người được tiêm đủ 2 mũi.