Việc Ấn Độ đình chỉ nhập khẩu thiết bị Wi-Fi Trung Quốc đã kéo dài vài tháng và khiến nhiều công ty bị ảnh hưởng.

Ấn Độ dừng nhập khẩu thiết bị Wi-Fi Trung Quốc, nhiều hãng khốn đốn

Nhân Hoàng | 07/05/2021, 21:14

Việc Ấn Độ đình chỉ nhập khẩu thiết bị Wi-Fi Trung Quốc đã kéo dài vài tháng và khiến nhiều công ty bị ảnh hưởng.

Tại Ấn Độ, đã có một cuộc đàn áp các công ty Trung Quốc kể từ năm ngoái. Huawei là một trong những công ty đầu tiên bị giáng đòn. Sau đó, hàng trăm ứng dụng của Trung Quốc đã bị cấm ở Ấn Độ, gồm cả game PUBG Mobile của Tencent và TikTok.

Giờ đây, một lệnh cấm khác với công nghệ Trung Quốc ở Ấn Độ có hiệu lực. Một báo cáo gần đây tuyên bố rằng Ấn Độ đã đình chỉ phê duyệt nhập khẩu các thiết bị Wi-Fi từ Trung Quốc.

Việc đình chỉ đã kéo dài vài tháng và khiến nhiều công ty bị ảnh hưởng. Dell, HP, Xiaomi, Oppo, Vivo và Lenovo không thể xuất xưởng thiết bị của họ sang Ấn Độ vì lý do này. Trên thực tế, tất cả các công ty sử dụng mô đun Wi-Fi từ Trung Quốc hiện không thể vận chuyển sản phẩm của họ đến Ấn Độ.

Theo các nguồn tin, Ấn Độ đã dừng nhập khẩu các thiết bị điện tử thành phẩm từ Trung Quốc có chứa các mô đun Wi-Fi. Các thiết bị chứa mô đun Wi-Fi này gồm loa Bluetooth, tai nghe không dây, smartphone, đồng hồ thông minh và máy tính xách tay.

an-do-dung-nhap-khau-thiet-bi-wifi-trung-quoc.jpg
Ấn Độ dừng nhập khẩu thiết bị Wi-Fi Trung Quốc vài tháng qua

Kể từ tháng 11.2020, Cục Điều phối và Lập kế hoạch Không dây (WPC) thuộc Bộ Truyền thông Ấn Độ đã đình chỉ việc phê duyệt nhập khẩu các thiết bị này. Nguồn tin cho biết nỗ lực vận động hành lang của các công ty tìm kiếm thủ tục hải quan đang được tiến hành.

Kể từ đó, hơn 80 đơn đăng ký như vậy từ các công ty Mỹ, Trung Quốc và Hàn Quốc chờ đợi sự chấp thuận của WPC. Thậm chí một số công ty Ấn Độ đang chờ sự chấp thuận của WPC để nhập khẩu một số thành phẩm từ Trung Quốc.

Hiện chưa có bình luận chính thức nào từ Dell, HP, Xiaomi, Oppo, Vivo và Lenovo về vấn đề trên. Cũng chưa có bình luận nào từ Bộ Truyền thông Ấn Độ.

Ấn Độ loại Huawei và ZTE khỏi các thử nghiệm mạng 5G

Chính phủ Ấn Độ đã ngăn các nhà cung cấp Trung Quốc tham gia thử nghiệm mạng 5G ở nước này, điều dường như là hệ quả khác của căng thẳng biên giới giữa hai cường quốc châu Á.

Các nhà cung cấp dịch vụ di động của Ấn Độ sẽ thử nghiệm kết nối 5G trong vòng 6 tháng. Các nhà viễn thông sẽ giám sát hoạt động của thiết bị do Samsung Electronics, Ericsson và Nokia cung cấp.

Bị bỏ lại trong danh sách các nhà cung cấp là các công ty Trung Quốc như Huawei và ZTE.

Các công ty rời khỏi thử nghiệm có nguy cơ bỏ lỡ các cơ hội kinh doanh do Ấn Độ chuyển sang viễn thông 5G. Tháng 6.2020, chính phủ Ấn Độ đã yêu cầu các hãng viễn thông địa phương không sử dụng thiết bị của Huawei và ZTE để thử nghiệm 5G và nâng cấp mạng 4G, theo truyền thông địa phương.

Ấn Độ chính thức loại trừ các công ty Trung Quốc khỏi cơ sở hạ tầng 5G được nhiều người coi là hành động trả đũa đối thủ. Động thái đó xảy ra trong bối cảnh bế tắc ở biên giới Himalaya tranh chấp với Trung Quốc đã kéo dài 1 năm. Các cuộc đụng độ vào tháng 6 năm ngoái giữa quân đội hai bên khiến 20 lính Ấn Độ và một số lính Trung Quốc tử vong.

Hai nước đã đồng ý vào tháng 2.2021 về việc rút quân một phần, làm dấy lên hy vọng rằng binh lính sẽ rút hoàn toàn khỏi khu vực biên giới. Thế nhưng, động lực cho đợt rút quân toàn bộ đang mờ dần.

Ấn Độ đang tiến tới tăng cường quan hệ với Anh và Liên minh châu Âu. Nhóm Quad, bao gồm Ấn Độ, Mỹ, Nhật Bản và Úc, cũng đang gây áp lực lên Trung Quốc.

Ấn Độ sẽ đề xuất luật cấm tiền điện tử

Công nghệ Trung Quốc không phải là thứ duy nhất mà Ấn Độ cấm.

Giữa tháng 3 vừa qua, Reuters đưa tin Ấn Độ sẽ đề xuất luật cấm tiền điện tử, phạt nặng với bất kỳ ai có hoạt động giao dịch trong nước hoặc nắm giữ các tài sản kỹ thuật số.

Reuters trích dẫn lời một quan chức cấp cao Ấn Độ cho biết dự luật này là một trong những chính sách nghiêm ngặt nhất trên thế giới với tiền điện tử. Cụ thể là sẽ hình sự hóa việc sở hữu, phát hành, khai thác, giao dịch và chuyển giao tài sản tiền điện tử.

Biện pháp này phù hợp với chương trình nghị sự vào tháng 1.2021 của chính phủ Ấn Độ kêu gọi cấm các loại tiền ảo tư nhân như bitcoin trong khi xây dựng khuôn khổ cho một loại tiền kỹ thuật số chính thức. Tuy vậy, những bình luận của chính phủ khiến giới đầu tư vẫn nuôi hy vọng rằng giới chức Ấn Độ sẽ “nhẹ tay” hơn với loại hình thị trường đang bùng nổ này.

Dự luật được cho là sẽ gia hạn cho người sở hữu tiền điện tử tối đa 6 tháng để thanh lý, nếu không hoàn thành trong thời gian này sẽ bị phạt.

Nhiều khả năng dự luật này sẽ được ban hành thành luật nếu các thành viên chính phủ của Thủ tướng Narendra Modi chiếm đa số trong Quốc hội. Nếu dự luật chính thức được ban hành, Ấn Độ sẽ là nền kinh tế lớn đầu tiên coi việc nắm giữ tiền điện tử là bất hợp pháp. Trung Quốc đã cấm khai thác và buôn bán nhưng cũng không hình sự hóa hành vi tàng trữ tiền ảo.

Chính phủ Ấn Độ không nêu rõ lý do tại sao lại có kế hoạch cấm hoặc điều chỉnh tiền điện tử. Tuy nhiên, nhiều quan chức chính phủ tin rằng tiền điện tử là một “kế hoạch Ponzi”. Trên thực tế, ngay cả các ngân hàng ở Ấn Độ cũng tin rằng sự ra đời của tiền điện tử sẽ làm tăng nguy cơ bất ổn tài chính.

Bài liên quan
Ấn Độ cấm vĩnh viễn TikTok, WeChat và 57 ứng dụng Trung Quốc
Bộ Điện tử và Công nghệ thông tin Ấn Độ đã đưa ra thông báo mới về việc thực hiện lệnh cấm vĩnh viễn với TikTok, WeChat và 57 ứng dụng Trung Quốc khác, truyền thông nước này đưa tin.

(1) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
TP.HCM cần làm gì để đột phá trong tăng trưởng kinh tế?
Các chuyên gia cho rằng tăng trưởng 8,3% vẫn chưa phải là cao so với tiềm năng của TP.HCM. Thành phố có thể hướng đến mục tiêu tăng trưởng cao hơn nhiều, trên 10%, thậm chí cao hơn.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Ấn Độ dừng nhập khẩu thiết bị Wi-Fi Trung Quốc, nhiều hãng khốn đốn