Để đảm bảo tốt hơn cho công tác phòng cháy, chữa cháy rừng trong thời gian cao điểm của mùa khô, tỉnh An Giang đã huy động 2.500 người gồm các lực lượng chức năng có liên quan sẵn sàng làm nhiệm vụ chữa cháy rừng vùng đồi núi.
Rừng, đất rừng có vai trò quan trọng đối với tỉnh An Giang
Rừng và đất rừng của An Giang không lớn so với các tỉnh, thành trong cả nước nhưng có vai trò rất quan trọng trong việc phòng hộ bảo vệ môi trường sinh thái, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, gắn với phát triển du lịch, bảo vệ đa dạng sinh học cũng như phục vụ an ninh, quốc phòng biên giới.
Theo kế hoạch bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) tỉnh An Giang, tổng diện tích rừng và đất quy hoạch lâm nghiệp của tỉnh là trên 16.860 ha gồm rừng đặc dụng với diện tích gần 1.600 ha (chiếm 9.35% diện tích đất lâm nghiệp). Rừng phòng hộ với diện tích 11.550 ha (chiếm 68.47%) và rừng sản xuất với diện tích trên 3.740 ha, chiếm 22.18%.
Mùa khô năm 2022, tổng diện tích vùng trọng điểm cháy rừng tại các huyện Tri Tôn, Tịnh Biên, Thoại Sơn được xác định gần 7.400 ha, chiếm 43.70% tổng diện tích rừng và đất lâm nghiệp toàn tỉnh.
Cụ thể, huyện Tịnh Biên xác định, diện tích vùng trọng điểm cháy rừng trên 2.900 ha gồm: Rừng tràm Trà Sư, rừng tràm Nhơn Hưng, khu vực núi Phú Cường, khu vực núi Nhọn, khu vực đồi Kakô, khu vực Latina-Tà Lọt thuộc Núi Cấm.
Còn huyện Tri Tôn có diện tích vùng trọng điểm cháy rừng trong mùa khô cao nhất với trên 4.400 ha. Trong đó, vùng đồi núi của huyện có 2.550 ha (khu vực có nguy cơ cháy cao 1.850 ha, chiếm 41.98% diện tích và khu vực có khả năng cháy 700 ha, chiếm 15,88%); vùng đồng bằng với hơn 1.856 ha rừng tràm có nguy cơ cháy cao như rừng tràm Bình Minh, rừng tràm Tân Tuyến và rừng tràm Lâm trường tỉnh đội.
Riêng huyện Thoại Sơn chỉ có 50 ha vùng trọng điểm cháy rừng trong mùa khô ở các khu vực núi Tượng, núi nhỏ, núi Sập.
Lên kế hoạch chủ động ứng phó cháy rừng trong mùa khô
Theo tìm hiểu của phóng viên Một Thế Giới, ngành kiểm lâm tỉnh An Giang đã hướng dẫn các chủ rừng và chủ nhận khoán rừng chấp hành đúng quy trình kỹ thuật phòng cháy rừng trên địa bàn quản lý.
Đối với diện tích rừng phòng hộ, đặc dụng vùng đồi núi, Ban Quản lý rừng phòng hộ và đặc dụng tỉnh An Giang đã khẩn trương thực hiện phát và đốt dọn cỏ cục bộ làm giảm vật liệu cháy trong rừng.
Ngoài ra, đối với những vùng trọng điểm như: rừng tràm Trà Sư, Nhơn Hưng, Vĩnh Châu, Bình Minh, Lâm trường tỉnh đội, Tân Tuyến, Ban Quản lý rừng phòng hộ và đặc dụng tỉnh duy trì nước dưới kênh, đốt dọn gốc rạ giáp rừng, đốt dọn cỏ trên các tuyến kênh và thực hiện vệ sinh rừng.
“Để chủ động phòng, chống cháy rừng trong mùa khô, các lực lượng năng có liên quan đã xây dựng, triển khai kế hoạch hiệp đồng chữa cháy rừng. Riêng Bộ chỉ huy quân sự tỉnh chỉ đạo Ban chỉ huy quân sự các huyện Tri Tôn, Tịnh Biên, Thoại Sơn và TP.Châu Đốc xây dựng kế hoạch hiệp đồng chữa cháy rừng tại địa phương, chuẩn bị lực lượng, phương tiện sẵn sàng tham gia chữa cháy khi có lệnh huy động. Các lực lượng khác như Công an, Quân sự, Biên phòng, Hải quan... phối hợp trong công tác phòng cháy, chữa cháy rừng, chống chặt phá rừng và ngăn chặn mua bán, vận chuyển gỗ, động vật hoang dã trái phép”, một cán bộ có trách nhiệm cho biết.
Được biết, từ năm 2021, toàn tỉnh An Giang đã phát hiện và kịp thời chữa cháy 10 vụ cháy rừng với diện tích 5.6 ha, giảm 3 vụ so với năm 2020. Hầu hết các vụ cháy là cháy thảm thực bì, dây leo, cây bụi dưới tán rừng tập trung ở huyện Tri Tôn và huyện Tịnh Biên. Nguyên nhân xảy ra cháy rừng do người dân bất cẩn trong sử dụng lửa, chưa xác định được người vi phạm.
Để phòng, chống cháy rừng, tỉnh An Giang đã duy trì hoạt động của 17 tổ hợp tác bảo vệ và phát triển rừng thuộc địa bàn huyện Tri Tôn và huyện Tịnh Biên. Đồng thời, tỉnh An Giang đã huy động 2.500 người gồm các lực lượng chức năng có liên quan sẵn sàng làm nhiệm vụ chữa cháy rừng vùng đồi núi.
Còn đối với ngành kiểm lâm, bắt đầu từ ngày 8.3, sẽ thực hiện ứng trực 100% quân số ở cơ sở, không kể ngày thứ Bảy và Chủ nhật, để kịp thời phát hiện, xử lý sớm những tình huống cháy rừng có thể xảy ra.
Bên cạnh đó, tỉnh An Giang cũng trang bị 6 xe tải, 59 xuồng và vỏ lãi, 126 máy chữa cháy đồi, 146 máy chữa cháy đeo vai và trên 7.535 các dụng cụ như thùng chứa nước, bình xịt, can đựng nước, bàn đập lửa, kẻng báo động... để ứng phó với các tình huống cháy lớn.