Hôm 10.8, Anh cho biết đang cân nhắc cách phản ứng với quyết định của Tổng thống Mỹ - Joe Biden về việc cấm một số khoản đầu tư vào công nghệ cao ở Trung Quốc, đồng thời tiếp tục đánh giá các rủi ro an ninh quốc gia tiềm ẩn.
Ngày 9.8, ông Biden đã ký một sắc lệnh cho phép Bộ trưởng Tài chính Mỹ cấm hoặc hạn chế các khoản đầu tư của Mỹ vào các thực thể Trung Quốc trong ba lĩnh vực: chất bán dẫn và vi điện tử, công nghệ thông tin lượng tử và một số hệ thống trí tuệ nhân tạo (AI).
Chính phủ Mỹ cho biết các biện pháp này được thiết kế để giải quyết các rủi ro an ninh quốc gia. Hôm 10.8, Trung Quốc nói rất lo ngại về động thái này.
Người phát ngôn chính phủ của Thủ tướng Anh - Rishi Sunak cho biết sắc lệnh đã đưa ra quan điểm rõ ràng về cách tiếp cận của Mỹ: "Anh sẽ xem xét các biện pháp mới này một cách kỹ càng khi chúng tôi tiếp tục đánh giá các rủi ro an ninh quốc gia tiềm ẩn gắn liền với một số khoản đầu tư".
Anh gần đây đã tìm cách tạo mối quan hệ ổn định với Trung Quốc sau thời kỳ biến động vì nhiều vấn đề như quy tắc an ninh ở Hồng Kông và cáo buộc vi phạm nhân quyền với người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương.
Ngoại trưởng James Cleverly đã đưa ra cách tiếp cận mới của Anh vào tháng 4, nói rằng nước này sẽ tìm cách tự bảo vệ mình bằng cách hạn chế các mối đe dọa an ninh quốc gia do Trung Quốc gây ra trong khi tham gia vào các lĩnh vực như thương mại, đầu tư và biến đổi khí hậu.
Ông Joe Biden và Rishi Sunak đã ký một thỏa thuận mới nhằm củng cố liên minh an ninh lịch sử giữa hai nước vào tháng 6, cam kết tăng cường quan hệ kinh tế trong các lĩnh vực như công nghệ tiên tiến, năng lượng sạch và khoáng sản quan trọng.
Dữ liệu chính thức cho thấy Trung Quốc không phải là điểm đến quan trọng với đầu tư nước ngoài của Anh với con số là 10,7 tỉ bảng (13,6 tỉ USD) cuối năm 2021, so với 461,4 tỉ bảng vào Mỹ. Đầu tư của Anh vào Hồng Kông chỉ ở mức 77,6 tỉ bảng.
Việc Tổng thống Joe Biden cấm một số khoản đầu tư công nghệ của Mỹ vào Trung Quốc sẽ khiến các nhà đầu tư tiếp tục tránh xa quốc gia này, lo ngại rằng sẽ có các biện pháp nghiêm khắc hơn trong tương lai khi căng thẳng gia tăng giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới leo thang.
Các nhà đầu tư tư nhân và vốn mạo hiểm của Mỹ từng dừng rót tiền vào các công nghệ nhạy cảm tại Trung Quốc khi mối quan hệ giữa hai nước trở nên tồi tệ kể từ thời chính quyền Donald Trump, vì các vấn đề từ công nghệ đến chính sách công nghiệp của Trung Quốc và an ninh quốc gia.
Ông Biden ban hành sắc lệnh hôm 9.8 nêu trên nhằm mục đích ngăn vốn và chuyên môn của Mỹ đóng góp vào việc hiện đại hóa quân sự Trung Quốc và gây hại cho an ninh quốc gia Mỹ, nhưng chỉ áp dụng cho các khoản đầu tư mới.
Theo các nhà phân tích, điều này sẽ không phải là sự chấm dứt các biện pháp tăng cường kiểm tra các khoản đầu tư của người Mỹ vào Trung Quốc, quốc gia đang cố gắng phục hồi sau đại dịch COVID-19.
Weiheng Chen, người đứng đầu bộ phận Trung Quốc tại công ty luật Wilson Sonsini, cho biết Quốc hội Mỹ có thể đưa ra dự luật mở rộng với các hạn chế của ông Biden.
Các đảng viên đảng Cộng hòa trong Quốc hội đã ngay lập tức chỉ trích sắc lệnh của ông Biden (thuộc đảng Dân chủ) là không đi đủ xa.
Đầu tư bằng đồng nhân dân tệ
Theo dữ liệu của hãng Dealogic, năm nay các thương vụ mua lại công ty Trung Quốc của các công ty Mỹ đã giảm gần 60%, từ 8,8 tỉ USD xuống còn 3,5 tỉ USD so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi giá trị giao dịch ở lĩnh vực công nghệ giữa hai nước giảm từ 6,1 tỉ USD xuống 815 USD.
Căng thẳng Trung - Mỹ gia tăng và việc Trung Quốc siết chặt quản lý với các doanh nghiệp tư nhân đã khiến nhiều nhà quản lý quỹ rời khỏi nước này hoặc chuyển sang đầu tư bằng đồng nhân dân tệ.
Wayne Shiong, thành viên của quỹ China Development Capital có trụ sở tại Bắc Kinh (thủ đô Trung Quốc), cho biết: "Tình hình vốn đã rất tồi tệ với các quỹ dựa trên đồng USD để đầu tư vào lĩnh vực công nghệ Trung Quốc. Không còn nhiều khả năng làm cho tình hình trở nên tồi tệ hơn".
Theo Wayne Shiong, sắc lệnh của ông Biden có thể sẽ khiến các công ty đầu tư mạo hiểm tập trung vào Trung Quốc cảm thấy cấp bách hơn trong việc huy động vốn bằng đồng nhân dân tệ từ các nhà đầu tư trong nước.
Sắc lệnh này và triển vọng tạm dừng đầu tư vốn tư nhân ở Trung Quốc trên diện rộng được đưa ra khi Bắc Kinh tìm cách thu hút vốn để vực dậy nền kinh tế đang chậm lại.
Pan Yuan, nhà nghiên cứu tại Học viện Khoa học Xã hội Trung Quốc - cơ quan cố vấn hàng đầu cho chính phủ Trung Quốc, nói rằng bất chấp những hạn chế của ông Biden, Trung Quốc sẽ duy trì chính sách cởi mở để thu hút vốn nước ngoài.
Pan Yuan cho biết, để chống lại các hạn chế của Mỹ, Trung Quốc phải tập trung vào việc cải thiện năng lực công nghệ trong nước.
Tranh chấp công nghệ
Những người ủng hộ chính sách cứng rắn với Trung Quốc ở Quốc hội Mỹ đổ lỗi cho các nhà đầu tư Mỹ chuyển vốn và bí quyết có giá trị cho các hãng công nghệ Trung Quốc có thể giúp nâng cao khả năng quân sự của quốc gia châu Á. Về phần mình, Trung Quốc đang tìm cách tự cung tự cấp trong bối cảnh tranh chấp công nghệ đang leo thang.
Hôm 7.8, Hua Hong Semiconductor, công ty sản xuất chip số 2 Trung Quốc, đã niêm yết trên thị trường chứng khoán ở Thượng Hải, huy động được 3 tỉ USD và gia nhập danh sách các nhà sản xuất chip địa phương khai thác thị trường chứng khoán để mở rộng quỹ.
Đáp lại sắc lệnh của ông Biden, Bộ thương mại Trung Quốc cho biết họ "quan ngại sâu sắc" và sẽ thực hiện các biện pháp đối phó.
Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng các lựa chọn trả đũa của Trung Quốc là hạn chế và khó có thể làm vấn đề leo thang, đặc biệt là do sự giám sát chặt chẽ kể từ thời chính quyền Trump.
Derek Scissors, thành viên cấp cao và chuyên gia về quan hệ kinh tế Mỹ - Trung tại American Enterprise Institute (Viện Doanh nghiệp Mỹ) nhận xét: “Phản ứng chính của Trung Quốc sẽ là ngăn cản các nước khác làm theo các hành động của Mỹ. Trung Quốc có thể hành động theo cách không đối xứng, trả đũa ở đâu đó ngoài khía cạnh đầu tư”.