Sau Mỹ, Đức, chính phủ Anh hôm 31.1 đã loại trừ việc gửi máy bay chiến đấu tới Ukraine trong thời điểm hiện tại.

Anh: 'Việc gửi máy bay chiến đấu cho Ukraine hiện tại là không thực tế'

Hoàng Vũ | 01/02/2023, 12:28

Sau Mỹ, Đức, chính phủ Anh hôm 31.1 đã loại trừ việc gửi máy bay chiến đấu tới Ukraine trong thời điểm hiện tại.

Theo Politico, Kyiv trong những ngày gần đây đã tăng cường yêu cầu cung cấp máy bay phản lực sau khi các đồng minh châu Âu đồng ý cung cấp xe tăng chiến đấu để hỗ trợ cuộc chiến chống lại lực lượng Nga.

Nhưng người phát ngôn chính thức của Thủ tướng Anh Rishi Sunak nói với các phóng viên hôm 31.1 rằng các máy bay chiến đấu F-35 của Vương quốc Anh “cực kỳ tinh vi và phải mất hàng tháng trời mới học được cách bay”.

f35-anh.jpg
Tiêm kích F-35 của quân đội Anh - Ảnh: Politico

“Do đó, chúng tôi tin rằng việc gửi những máy bay phản lực đó đến Ukraine là không thực tế. Chúng tôi sẽ tiếp tục cung cấp, tăng cường hỗ trợ quân sự cho Ukraine và lắng nghe thận trọng các yêu cầu của họ”, quan chức này nói thêm.

Người phát ngôn Thủ tướng Anh nói rằng “cần một khoảng thời gian dài để học cách sử dụng những thứ rất phức tạp. “Nhưng chúng tôi sẽ tìm hiểu thêm những gì chúng tôi có thể làm để hỗ trợ Ukraine. Hiện chúng tôi cho rằng việc gửi máy bay chiến đấu hiện tại là không thực tế”, ông nói.

Tuyên bố trên được đưa ra vài giờ sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden dường như loại trừ khả năng sẽ cung cấp cho Ukraine các máy bay chiến đấu F-16 cho đến thời điểm hiện tại. Phát biểu với các phóng viên tại Nhà Trắng, khi được hỏi "liệu ông có ủng hộ việc gửi các máy bay tiêm kích phản lực tới Ukraine hay không?", Tổng thống Biden khẳng định rằng "Không".

Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine tuần trước tuyên bố nước này sẽ nỗ lực thúc đẩy các nước phương Tây cung cấp máy bay chiến đấu tối tân như F-16, sau khi đã được đảm bảo về nguồn cung xe tăng chủ lực. Mặc dù chưa có quyết định về việc cung cấp máy bay F-16 nhưng Ukraine đã lập danh sách 50 phi công sẵn sàng tham gia khóa huấn luyện 3 tháng về điều khiển loại chiến đấu cơ này.

Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki hôm 30.1 tuyên bố sẽ chuyển giao máy bay chiến đấu F-16 cho Ukraine, nhưng chỉ là hành động phối hợp giữa các thành viên NATO. Ông Morawiecki cho biết, Ba Lan điều phối tất cả các hành động liên quan đến việc tăng cường khả năng phòng thủ của Kyiv với các đối tác NATO, chủ yếu là với Mỹ.

Phía chính phủ Pháp cũng tiết lộ đang xem xét yêu cầu của Ukraine về việc cung cấp đào tạo phi công lái máy bay chiến đấu. Tổng thống Emmanuel Macron đã nói rằng “về nguyên tắc không có gì bị loại trừ” khi đề cập đến việc hỗ trợ cho Ukraine, song ông đã cảnh báo rằng bất kỳ sự giúp đỡ mới nào cũng phải đảm bảo điều kiện “không leo thang” thêm căng thẳng với Nga.

Trong khi đó, Đức kiên quyết gạt kiến nghị cung cấp máy bay chiến đấu cho Ukraine. “Vấn đề máy bay chiến đấu hoàn toàn không được đặt ra. Tôi chỉ có thể khuyên không nên bước vào một cuộc cạnh tranh liên tục để cố gắng vượt trội hơn người khác trong vấn đề vũ khí”, ông Scholz nói hôm 29.1.

Nhà lãnh đạo Đức trước đó đã nhiều lần loại bỏ khả năng cung cấp máy bay chiến đấu cho Ukraine vì cho rằng cần ngăn chặn leo thang quân sự nghiêm trọng hơn nữa.

Bài liên quan
Các doanh nghiệp Trung Quốc sẽ về Sóc Trăng tìm kiếm cơ hội đầu tư
50 doanh nghiệp lớn của Trung Quốc sẽ có buổi gặp gỡ với các doanh nghiệp tỉnh Sóc Trăng vào sáng 20.3 tới.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
TP.HCM cần làm gì để đột phá trong tăng trưởng kinh tế?
Các chuyên gia cho rằng tăng trưởng 8,3% vẫn chưa phải là cao so với tiềm năng của TP.HCM. Thành phố có thể hướng đến mục tiêu tăng trưởng cao hơn nhiều, trên 10%, thậm chí cao hơn.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Anh: 'Việc gửi máy bay chiến đấu cho Ukraine hiện tại là không thực tế'