Cổ phiếu Apple tiếp tục sụt giảm hôm 7.9, có nguy cơ xóa sạch 212 tỉ USD giá trị thị trường chỉ trong hai ngày.
Tin xấu đến với Apple khi Trung Quốc có kế hoạch mở rộng lệnh cấm sử dụng iPhone với các cơ quan chính phủ và công ty nhà nước.
Cổ phiếu Apple giảm tới 5,1% hôm 7.9, nâng mức sụt giảm trong hai ngày lên tới 7,1%. Apple là thành phần lớn nhất trong các chỉ số chứng khoán lớn của Mỹ, chịu sự bán tháo cổ phiếu trên diện rộng hai hôm nay, một phần do hàng loạt bất ổn ở Trung Quốc.
Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang suy thoái trong bối cảnh khủng hoảng kéo dài trên thị trường bất động sản, đe dọa nhu cầu về mọi thứ từ hàng hóa đến điện tử tiêu dùng.
Apple coi Trung Quốc là thị trường nước ngoài và cơ sở sản xuất lớn nhất của mình. Thêm vào những rắc rối cho Apple là lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ tăng cao do trái phiếu bị bán tháo vì lo ngại Cục Dự trữ Liên bang (Fed) sẽ đẩy mạnh cuộc chiến chống lạm phát.
Nhà phân tích Wamsi Mohan của Bank of America lưu ý rằng “thời điểm Trung Quốc ra lệnh cấm dùng iPhone trong các cơ quan chính phủ rất thú vị”, sau khi Huawei ra mắt smartphone cao cấp Mate 60 Pro có khả năng 5G.
Nếu Bắc Kinh tiếp tục động thái này, lệnh phong tỏa chưa từng có cũng có thể ảnh hưởng đến một số hãng công nghệ Mỹ khác phụ thuộc vào doanh số và sản xuất tại Trung Quốc. Cổ phiếu các nhà cung cấp của Apple trên khắp các châu lục đều giảm giá vào ngày 7.9 khi nhiều nguồn tin xác nhận Trung Quốc cấm dùng iPhone trong một số cơ quan chính phủ.
Tuy nhiên, nhà phân tích Daniel Ives của công ty Wedbush Securities cho rằng tác động của "lệnh cấm iPhone đã bị thổi phồng quá mức" vì nó sẽ ảnh hưởng đến chưa đến 500.000 iPhone trong tổng số khoảng 45 triệu chiếc mà ông dự kiến Apple sẽ được bán ở Trung Quốc trong 12 tháng tới.
Daniel Ives viết trong một ghi chú: “Bất chấp những ồn ào lớn, Apple vẫn đạt được mức tăng thị phần lớn trên thị trường smartphone Trung Quốc”.
Theo dữ liệu từ công ty theo dõi thị trường công nghệ Counterpoint Research, iPhone là thương hiệu smartphone nước ngoài duy nhất có thị phần vượt trội ở Trung Quốc. Cụ thể hơn, iPhone chiếm 17,2% thị phần ở Trung Quốc, ngang bằng với nhà sản xuất điện thoại nội địa Oppo và chỉ đứng sau Vivo một chút.
"Táo khuyết" được yêu thích ở Trung Quốc bất chấp sự bất bình ngày càng tăng với những nỗ lực của Mỹ nhằm kiềm chế ngành công nghệ quốc gia châu Á này. iPhone là một trong những sản phẩm bán chạy nhất Trung Quốc và được cả quan chức chính phủ lẫn khu vực tư nhân ưa chuộng.
Tuy nhiên, các thiết bị nước ngoài từ lâu đã không được khuyến khích sử dụng trong các cơ quan nhạy cảm, đặc biệt khi Trung Quốc đẩy mạnh chiến dịch những năm gần đây nhằm giảm sự phụ thuộc vào công nghệ từ Mỹ, đối thủ địa chính trị của cường quốc châu Á.
Vào năm 2022, Trung Quốc đã ra lệnh cho các cơ quan chính phủ và các tập đoàn được nhà nước hậu thuẫn thay thế máy tính cá nhân mang nhãn hiệu nước ngoài bằng sản phẩm nội địa trong vòng hai năm. Điều này đánh dấu một trong những nỗ lực mạnh mẽ nhất nhằm loại bỏ công nghệ quan trọng của nước ngoài khỏi các cơ quan nhạy cảm nhất nước này.
Những năm gần đây, Trung Quốc ngày càng quan tâm hơn đến vấn đề bảo mật dữ liệu và đã đưa ra các luật mới cũng như yêu cầu các công ty tuân thủ.
Vào tháng 5, Trung Quốc kêu gọi các doanh nghiệp lớn thuộc sở hữu của nhà nước (SOE) đóng vai trò quan trọng trong nỗ lực đạt được sự tự chủ về công nghệ, nâng cao mức độ cạnh tranh khi căng thẳng với Mỹ đang gia tăng.
Căng thẳng Trung - Mỹ leo thang khi chính quyền Biden hợp tác với các đồng minh như Hà Lan và Nhật Bản để ngăn chặn Trung Quốc tiếp cận các thiết bị quan trọng cần thiết để duy trì khả năng cạnh tranh của ngành công nghiệp chip nước này và Bắc Kinh hạn chế mua sản phẩm từ các công ty Mỹ nổi tiếng như hãng máy bay Boeing, công ty chip nhớ Micron Technology.
Trong khi đó, SMIC (nhà sản xuất chip hàng đầu Trung Quốc) bị chính quyền Biden giám sát vì cung cấp linh kiện cho Huawei – công ty bị Mỹ đưa vào danh sách đen thương mại.
Huawei bị Mỹ đưa vào danh sách đen thương mại vào tháng 5.2019. SMIC bị thêm vào danh sách đen thương mại của Mỹ vào tháng 12.2020.
Mới đây, cuộc phân tích của công ty nghiên cứu chất bán dẫn TechInsights (Mỹ) cho biết SMIC đã sản xuất chip tiên tiến với khả năng 5G cho smartphone Huawei Mate 60 Pro.
Trong một báo cáo, TechInsights cho biết SMIC đã sản xuất Kirin 9000s thông qua quy trình 7 nanomet, được gọi là nút N + 2, làm dấy lên suy đoán rằng công ty này đang âm thầm giúp Huawei vượt qua các lệnh trừng phạt công nghệ khắc nghiệt từ Mỹ. Điều này có thể khiến chính phủ Mỹ xem xét thực hiện hành động nhắm đến SMIC nếu vi phạm các biện pháp trừng phạt thương mại hiện có.
Trong chuyến thăm Trung Quốc tuần trước, Bộ trưởng Thương mại Mỹ - Gina Raimondo cho biết các công ty Mỹ đã phàn nàn với bà rằng Trung Quốc đã trở thành nơi "không thể đầu tư", chỉ ra các khoản tiền phạt, cuộc đột kích vào các công ty Mỹ và những hành động khác khiến việc kinh doanh ở nền kinh tế lớn thứ hai thế giới trở nên rủi ro.
Trung Quốc là một trong những thị trường lớn nhất của Apple và tạo ra gần 1/5 doanh thu cho công ty này.
Ngay cả khi mối quan hệ Mỹ - Trung đang rạn nứt, Apple vẫn phụ thuộc rất nhiều vào quốc gia châu Á này cả với tư cách là đối tác sản xuất và thị trường cho các sản phẩm của mình. Giám đốc điều hành Tim Cook đã ca ngợi mối quan hệ đó trong chuyến đi tới Trung Quốc hồi tháng 3 và gọi đó là mối quan hệ “cộng sinh”.
Trung Quốc cũng là một trong những điểm nổi bật trong kết quả kinh doanh của Apple trong quý trước, giúp bù đắp cho giai đoạn nhìn chung trì trệ. Công ty Mỹ đang chuẩn bị trình làng những chiếc iPhone 15 trong sự kiện diễn ra lúc 0 giờ ngày 13.9 (giờ Việt Nam), tạo tiền đề cho một quý nghỉ lễ, thường là khoảng thời gian bán hàng lớn nhất trong năm của họ.
Đầu tháng 8, Apple cho biết doanh số iPhone trong quý tài chính thứ ba (hay quý 2/2023) là 39,67 tỉ USD, thấp hơn kỳ vọng của các nhà phân tích, nhưng lại tăng "hai con số" ở Trung Quốc.