Các nhà phân tích cho biết Huawei đang quay trở lại thị trường smartphone Trung Quốc với chiếc Mate 60 Pro mới nhất, nhưng cơ hội cạnh tranh với Apple và Samsung Electronics vẫn rất mong manh.
Trong tuần qua, người tiêu dùng Trung Quốc đã đổ xô đến các cửa hàng của Huawei để mua Mate 60 Pro, có giá 6.999 nhân dân tệ (958 USD) với bộ vi xử lý 5G tự sản xuất chỉ kém vài năm so với thế hệ tiên tiến nhất, làm dấy lên hy vọng rằng gã khổng lồ viễn thông này có thể sẽ hồi sinh.
Song dù Mate 60 Pro có thể phổ biến với người tiêu dùng trong nước, các nhà phân tích cho rằng sức hấp dẫn của nó ở nước ngoài bị hạn chế do thiếu các ứng dụng phổ biến như Google Maps. Mate 60 Pro hiện chỉ có sẵn ở Trung Quốc và chưa có thông tin nào về việc liệu chiếc smartphone này có được bán ở thị trường nước ngoài hay không.
Linda Sui, nhà phân tích smartphone hàng đầu tại công ty TechInsights, cho biết: “Sự trở lại mạnh mẽ của Huawei sẽ có tác động rất lớn đến thị trường smartphone Trung Quốc trong nửa cuối 2023 và năm 2024, đồng thời tác động nhiều hơn đến các thương hiệu điện thoại chạy Android khác đang cạnh tranh thị trường smartphone cao cấp của Trung Quốc”.
Linda Sui nói thêm rằng dù Huawei có thể làm thay đổi vị trí 5 thương hiệu smartphone hàng đầu ở Trung Quốc, nhưng ít gây ra mối đe dọa lớn với Apple vì hai thương hiệu này có cơ sở khách hàng mục tiêu khác nhau.
Huawei từ chối bình luận về chiến lược tiếp thị cho dòng Mate 60 Pro.
Theo dữ liệu từ công ty tư vấn IDC và Counterpoint, doanh số smartphone của Trung Quốc đã giảm xuống còn 286 triệu chiếc vào năm 2022, trong đó Huawei đứng thứ 6 với 7,9% thị phần, sau Vivo, Apple, Oppo, Honor và Xiaomi. Đây là sự thay đổi lớn so với thời kỳ hoàng kim của Huawei, khi hãng này dẫn đầu thị trường Trung Quốc trong 4 năm liên tiếp từ 2017 đến 2020.
Sau khi không thể tiếp cận các chất bán dẫn tiên tiến vào tháng 9.2020 do lệnh trừng phạt của Mỹ, Huawei (từng cạnh tranh với Apple trên thị trường toàn cầu) đã chứng kiến doanh thu ở mảng kinh doanh tiêu dùng của mình sụt giảm mạnh vào năm 2021. Vào năm 2022, doanh thu mảng kinh doanh tiêu dùng của Huawei giảm thêm 11,9% so với cùng kỳ năm 2021, xuống còn 214,5 tỉ nhân dân tệ (29,35 tỉ USD).
Để giải quyết tác động của các lệnh trừng phạt của Mỹ, Huawei đã thoái vốn hoạt động kinh doanh điện thoại giá rẻ Honor và mạng lưới phân phối toàn quốc rộng lớn của công ty bị thu hẹp. Huawei nằm ngoài top 5 thương hiệu smartphone hàng đầu ở Trung Quốc trong hai năm qua.
Đó là lý do tại sao mẫu Mate 60 Pro đang được một số nhà phân tích coi là cứu tinh tiềm năng cho Huawei, với doanh số tăng vọt trên cả kênh trực tuyến và ngoại tuyến.
Ivan Lam, nhà phân tích cấp cao tại công ty nghiên cứu thị trường Counterpoint Research, cho biết Mate 60 Pro có thể giúp Huawei lọt vào top 4 thương hiệu hàng đầu tại Trung Quốc trong quý 4/2023, song sẽ không có cuộc đua giành vị trí dẫn đầu. Theo một ghi chú nghiên cứu của Counterpoint, doanh số dòng Mate 60 trong 4 tháng đầu tiên sau khi ra mắt có thể đạt 4 triệu chiếc trong nước.
Ivan Lam lưu ý rằng Huawei đã mất một số kênh bán hàng trực tiếp trong vài năm qua, điều này đã ảnh hưởng đến khả năng tiếp cận của họ ở các thành phố cấp ba và cấp tư.
Xác định SMIC sản xuất chip Kirin 9000s bên trong Huawei Mate 60 Pro, TechInsights đã ước tính doanh số dòng Mate 60 sẽ đạt hơn 6 triệu chiếc vào cuối năm nay. SMIC là nhà sản xuất chip số 1 Trung Quốc.
Mặc dù Mate 60 Pro đã gây bất ngờ với bộ vi xử lý mạnh mẽ trước các lệnh trừng phạt cứng rắn từ Mỹ, nhưng vẫn còn đó những câu hỏi về sự ổn định về nguồn cung chip của Huawei.
Theo Kuo Ming-chi, nhà phân tích nổi tiếng tại hãng TF International Securities, Huawei dự kiến sẽ bán được ít nhất 12 triệu chiếc Mate 60 Pro trong 12 tháng sau khi ra mắt. Con số này sẽ tăng cao so với doanh số 2,5 triệu của Mate 50 Pro năm ngoái, nhưng vẫn thấp hơn nhiều so với doanh số dòng iPhone 15 sắp ra mắt của Apple, ước tính khoảng 90 triệu trong năm nay.
Toby Zhu, nhà phân tích của hãng Canalys, cho biết dòng Mate 60 sẽ cạnh tranh với Apple và các đối thủ khác trong cùng phân khúc. Tuy nhiên, dự kiến Huawei chỉ chiếm khoảng 12 đến 14% trong tổng số 280 triệu điện thoại di động ước tính sẽ được bán ở Trung Quốc vào năm 2023, Toby Zhu nói.
Nghị sĩ Mỹ kêu gọi chấm dứt xuất khẩu công nghệ cho Huawei, SMIC
“Bộ Thương mại Mỹ nên chấm dứt mọi hoạt động xuất khẩu công nghệ cho Huawei và SMIC sau khi phát hiện ra chip mới trong Mate 60 Pro có thể vi phạm các hạn chế thương mại”, Mike Gallagher, Chủ tịch Ủy ban đặc biệt về cạnh tranh chiến lược Mỹ - Trung của Hạ viện Mỹ, nói hôm 6.9.
Ông Mike Gallagher, nhà làm luật có ảnh hưởng của đảng Cộng hòa, thúc ép chính quyền Biden có lập trường cứng rắn hơn trong việc xuất khẩu công nghệ của Mỹ đến Trung Quốc, sau khi Huawei trình làng Mate 60 Pro vào tuần trước. Smartphone chứa chip Kirin 9000s, được cho do SMIC sản xuất.
TechInsights cho biết SMIC đã sản xuất Kirin 9000s thông qua quy trình 7 nanomet, được gọi là nút N + 2, làm dấy lên suy đoán rằng công ty này đang âm thầm giúp Huawei vượt qua các lệnh trừng phạt công nghệ khắc nghiệt từ Mỹ.
Mike Gallagher cho biết trong một tuyên bố: “Có lẽ chip này không được sản xuất nếu không có công nghệ của Mỹ và do đó SMIC có thể đã vi phạm Quy tắc sản phẩm trực tiếp nước ngoài của Bộ Thương mại. Đã đến lúc chấm dứt tất cả hoạt động xuất khẩu công nghệ của Mỹ cho cả Huawei và SMIC để làm rõ rằng bất kỳ công ty nào vi phạm luật pháp Mỹ và làm suy yếu an ninh quốc gia của chúng ta sẽ bị ngắt kết nối khỏi công nghệ Mỹ”.
Huawei bị Mỹ đưa vào danh sách đen thương mại vào tháng 5.2019 vì lo ngại an ninh quốc gia, buộc các công ty ở Mỹ và những nhà cung cấp khác phải có giấy phép đặc biệt để vận chuyển hàng hóa cho tập đoàn Trung Quốc. SMIC bị Mỹ thêm vào danh sách đen thương mại vào tháng 12.2020, vì lo ngại công ty có thể chuyển hướng công nghệ tiên tiến sang người dùng quân sự.
Các hạn chế thương mại áp đặt với Huawei và SMIC bao gồm Quy tắc sản phẩm trực tiếp nước ngoài nhằm cấm bất kỳ công ty nào ở bất cứ đâu trên thế giới sử dụng các công cụ từ Mỹ để sản xuất chip cho Huawei.
Thế nhưng, các nhà cung cấp cho Huawei và SMIC đã nhận được giấy phép trị giá hàng tỉ USD để bán công nghệ của Mỹ cho hai công ty này dù họ nằm trong danh sách thương mại, Reuters đưa tin trước đó. Khoảng 90% trong số các giấy phép này dành để bán hàng cho SMIC.
Cơ quan giám sát kiểm soát xuất khẩu của Bộ Thương mại Mỹ không trả lời câu hỏi về vấn đề trên.