Apple và Oppo là hai hãng smartphone đứng đầu về doanh số trong quý 1/2023 tại Trung Quốc, thị trường vẫn đang bị thu hẹp sau một năm gián đoạn kinh tế.

Apple, Oppo tranh vị trí số 1 tại thị trường smartphone đang thu hẹp của Trung Quốc

Sơn Vân | 27/04/2023, 17:52

Apple và Oppo là hai hãng smartphone đứng đầu về doanh số trong quý 1/2023 tại Trung Quốc, thị trường vẫn đang bị thu hẹp sau một năm gián đoạn kinh tế.

Theo số liệu mới nhất từ công ty nghiên cứu IDC, Oppo (có trụ sở tại thành phố Thâm Quyến, Trung Quốc) đứng đầu về doanh số smartphone trong quý 1/2023 với 19,6%, tiếp theo là Apple.

Trong khi hai hãng nghiên cứu Counterpoint Research, Canalys tính toán số liệu bán hàng và số smartphone được vận chuyển của các công ty để đi đến kết luận rằng Apple giành được vị trí dẫn đầu tại Trung Quốc quý 1/2023 dù chỉ hơn đối thủ đôi chút.

Apple từng giành vị trí dẫn đầu ở Trung Quốc trong quý 4/2022 sau khi phát hành dòng iPhone 14 và 14 Pro. Counterpoint Research cho biết Apple chiếm gần 24% doanh số smartphone của Trung Quốc trong quý 4/2022 và là nhà cung cấp smarphone hàng đầu ở nước này. Hơn nữa, Apple lần đầu tiên trở thành nhà cung cấp smarphone lớn thứ hai ở Trung Quốc trong năm (2022). Công ty có trụ sở ở thành phố Cupertino, bang California, Mỹ bị sụt giảm doanh số smartphone so với năm 2021, nhưng nhỏ hơn so với các đối thủ Trung Quốc như Vivo, Oppo và Xiaomi.

Thị trường smartphone Trung Quốc đã ghi nhận sự sụt giảm ở mức hai con số trong phần lớn năm 2022, trước hết là doanh số smartphone Android giảm mạnh, chẳng hạn các sản phẩm của Oppo, sau đó ảnh hưởng đến cả iPhone.

Theo Canalys, lượng smartphone vận chuyển vào lãnh thổ Trung Quốc giảm 11% trong quý 1/2023 so với cùng kỳ năm trước, mức thấp nhất trong một thập kỷ qua

IDC cho biết việc giảm giá mẫu iPhone 14 Pro và Pro Max đã giúp cho tăng trưởng doanh số của Apple vào tháng 2, song việc giới thiệu mẫu iPhone 14 màu vàng hồi đầu tháng 3 không tạo được sự phấn khích lớn. Apple giới thiệu tùy chọn màu sắc này với hy vọng thu hút người tiêu dùng quan tâm đến thiết bị đắt tiền, với giá bán tối thiểu 5.999 nhân dân tệ (tương đương 866 USD) tại Trung Quốc.

Theo IDC, Oppo đã bán được nhiều smartphone cao cấp hơn dự kiến trong quý 1/2023. Công ty Trung Quốc nhận được sự thúc đẩy từ việc thương hiệu phụ OnePlus quay trở lại thị trường nội địa, cùng sự đón nhận tích cực với smartphone có thể gập.

Samsung Electronics, công ty hàng đầu thế giới về smartphopne và điện thoại có thể gập, chỉ có một sự hiện diện nhỏ ở Trung Quốc. Tại đây, hầu hết nhà sản xuất điện thoại địa phương hiện có ít nhất một mẫu smartphone có thể gập được bán.

Không có nhà cung cấp nào trong số 5 hãng smartphone Trung Quốc lớn nhất ghi nhận mức tăng trưởng tích cực trong quý 1/2023. Vivo, Honor Mobile và Xiaomi đều có sự sụt giảm đáng kể về doanh số smartphone trong quý 1/2023 so với cùng kỳ năm ngoái.

Dữ liệu chính thức cho thấy sản lượng smartphone giảm 13,8% tại Trung Quốc vào năm 2022. Thị trường smartphone toàn cầu cũng bị tổn thương do suy thoái kinh tế bởi lạm phát và lãi suất gia tăng. 

Nhà phân tích Lucas Zhong của Canalys cho biết trong báo cáo hôm 27.4: “Đại dịch đã ảnh hưởng đến hành vi của người tiêu dùng trong trung và dài hạn, khi họ có xu hướng chi tiêu cho những nhu yếu phẩm và tiết kiệm một số tiền nhất định. Các nhà cung cấp cần đưa ra những sản phẩm thuyết phục để kích thích người dùng nâng cấp smartphone”.

apple-va-oppo-tranh-vi-tri-so-1-o-thi-truong-smartphone-dang-thu-hep-cua-trung-quoc.jpg
Việc giảm giá mẫu iPhone 14 Pro và Pro Max giúp tăng doanh số smartphone của Apple tại Trung Quốc - Ảnh: Reuters

Theo trang Bloomberg, sản lượng các thiết bị điện tử quan trọng của Trung Quốc sụt giảm trong quý 1/2023 dù nền kinh tế tổng thể phục hồi tích cực. Điều này cho thấy sự không đồng đều trong quá trình phục hồi của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Sản lượng chất bán dẫn giảm gần 15% trong quý 1/2023 so với cùng kỳ năm 2022, theo dữ liệu do Cục Thống kê Quốc gia công bố.

Sản lượng smartphone của Trung Quốc cũng giảm 13,8% trong quý 1/2023 so với cùng kỳ năm 2022, do các thương hiệu địa phương như Oppo, Vivo và Xiaomi phải vật lộn để thoát khỏi tình trạng khó khăn về doanh số đã ảnh hưởng đến thiết bị cầm tay Android trong hơn một năm qua.

Ngoài doanh số bán hàng trong nước này sụt giảm, căng thẳng thương mại với Mỹ đang ngày càng thúc đẩy các thương hiệu điện tử như Apple tìm kiếm các địa điểm sản xuất bên ngoài Trung Quốc.

Lĩnh vực sản xuất công nghệ của Trung Quốc đang phải đối mặt với áp lực cạnh tranh ngày càng tăng từ các nhà máy ở Ấn Độ và Việt Nam. Đó là hai trong số các địa điểm ở châu Á được các nhà lắp ráp điện tử sử dụng để đa dạng hóa địa lý hoạt động của họ ngoài Trung Quốc.

Việc chính quyền Biden hạn chế thương mại với ngành công nghiệp bán dẫn Trung Quốc cũng hạn chế tham vọng chip của Bắc Kinh, vì các nhà sản xuất địa phương không còn khả năng tiếp cận một số công nghệ để chế tạo chip tiên tiến.

Sản lượng các máy tính nhỏ như PC giảm mạnh nhất trong số các loại sản phẩm điện tử quan trọng được tiết lộ trong báo cáo. Sự suy giảm sản lượng điện tử đã ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng của tổng sản lượng công nghiệp Trung Quốc, chỉ tăng 3,9% vào tháng 3. Trong quý 1/2023, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Trung Quốc tăng trưởng 4,5% so với cùng kỳ năm 2022.

Nhập khẩu chip của Trung Quốc đã giảm 22,9% trong quý 1/2023 so với cùng kỳ năm trước trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu chậm lại và chính quyền Biden gia tăng nỗ lực hạn chế xuất khẩu công nghệ bán dẫn tiên tiến sang cường quốc châu Á.

Trung Quốc đã nhập khẩu 108,2 tỉ IC (mạch tích hợp) từ tháng 1 đến tháng 3, giảm 22,9% so với cùng kỳ năm ngoái, theo dữ liệu do Tổng cục Hải quan công bố.

Tổng giá trị nhập khẩu chip của Trung Quốc giảm 26,7% xuống còn 78,5 tỉ USD, giảm từ 107,1 tỉ USD vào năm ngoái, theo dữ liệu hải quan. Sự sụt giảm lớn hơn về giá trị nhập khẩu phản ánh thực tế là giá chip đã giảm vào năm nay trong bối cảnh dư cung và nền kinh tế toàn cầu đang chậm lại.

Trong quý 1/2022, tổng lượng IC nhập khẩu của Trung Quốc giảm 9,6% so với cùng kỳ 2021 xuống 140,3 tỉ chiếc, còn tổng giá trị chip nhập khẩu tăng 14,6% do giá cả cao hơn một năm trước đó.

Xuất khẩu IC của Trung Quốc trong quý 1/2023 đã giảm 13,5% so với cùng kỳ năm 2022 xuống 60,9 tỉ chiếc, so với mức giảm 4,6% một năm trước. Tổng giá trị chip xuất khẩu của Trung Quốc trong quý 1/2023 giảm 17,6%.

Dữ liệu thương mại mới nhất phản ánh căng thẳng địa chính trị và các lệnh trừng phạt gia tăng của Mỹ với Trung Quốc đã ảnh hưởng như thế nào đến các giao dịch bán dẫn giữa nước châu Á này và phần còn lại của thế giới.

Kể từ cuối năm ngoái, Mỹ đã thực hiện các biện pháp hạn chế khả năng Trung Quốc sản xuất chip và tiếp cận thiết bị sản xuất chip tiên tiến, với lý do an ninh quốc gia.

Tháng 10.2022, Cục Công nghiệp và An ninh, cơ quan thuộc Bộ Thương mại Mỹ, đã cập nhật các biện pháp kiểm soát xuất khẩu, nhắm vào khả năng của Trung Quốc trong việc phát triển và bảo trì siêu máy tính cũng như sản xuất chất chip tiên tiến được sử dụng trong các ứng dụng quân sự, gồm cả vũ khí hủy diệt hàng loạt.

Hồi tháng 1, rộ tin Mỹ đã đạt được thỏa thuận chung với Nhật Bản và Hà Lan để phối hợp kiểm soát xuất khẩu một số thiết bị sản xuất chip tiên tiến sang Trung Quốc. Trong khi đó, Liên minh Chip 4 do Mỹ đề xuất, gồm cả Hàn Quốc, Nhật Bản và Đài Loan, đang hình thành.

Tuy nhiên, dữ liệu xuất và nhập khẩu chip tháng 3 có sự cải thiện nhẹ so với hai tháng đầu năm 2023. Điều này phản ánh xu hướng phục hồi rộng lớn hơn trong các hoạt động sản xuất của Trung Quốc sau khi nới lỏng các chính sách kiểm soát đại dịch từ tháng 12.2022.

Chỉ số quản lý thu mua (PMI) của Trung Quốc ghi nhận mức cao hơn dự kiến là 51,9 vào tháng 3, so với 48 vào tháng 11.2022, với các nhà phân tích cho rằng nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang “đi đúng hướng” để phục hồi sau khi mở cửa trở lại.

Bài liên quan
Apple tăng gấp 3 lần sản lượng iPhone ở Ấn Độ khi đẩy nhanh dịch chuyển khỏi Trung Quốc
Apple đã lắp ráp lượng iPhone trị giá hơn 7 tỉ USD ở Ấn Độ trong năm tài chính vừa qua, tăng gấp 3 lần sản lượng tại quốc gia Nam Á này, sau khi tăng tốc dịch chuyển khỏi Trung Quốc.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
TP.HCM khai mạc Ngày sách và văn hóa đọc năm 2024
một giờ trước Văn hóa
Ngày sách và văn hóa đọc lần thứ 3 - 2024 TP.HCM được khai mạc sáng nay 19.4.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Apple, Oppo tranh vị trí số 1 tại thị trường smartphone đang thu hẹp của Trung Quốc