Giám đốc tiếp thị Apple - Greg Joswiak cho biết công ty sẽ cần phải tuân thủ luật của Liên minh châu Âu để chuyển iPhone sang dùng bộ sạc USB-C.
Greg Joswiak nói rằng Apple sẽ tuân thủ như các luật khác. Ông từ chối nói rõ khi nào iPhone có thể nhận được bộ sạc USB-C để thay thế Lightning.
Greg Joswiak đưa ra bình luận tại một hội nghị của tờ Wall Street Journal ở Laguna Beach, bang California, Mỹ.
Ông cho biết Apple và Liên minh châu Âu (EU) đã mâu thuẫn về bộ sạc trong một thập kỷ, nhớ lại cách các nhà chức trách châu Âu từng muốn Apple áp dụng cổng sạc Micro-USB.
Greg Joswiak nói rằng cả Lightning (cổng sạc iPhone hiện tại) cũng như USB-C phổ biến hiện nay sẽ không được phát minh nếu sự chuyển đổi đó xảy ra.
Apple đang có kế hoạch chuyển iPhone sang USB-C vào năm tới, Bloomberg News đưa tin. Luật có hiệu lực vào năm 2024. Apple đã chuyển máy Mac, nhiều iPad và phụ kiện sang USB-C từ Lightning và các đầu nối khác.
Greg Joswiak đã tham gia cùng người sáng lập Snap - Evan Spiegel tại cuộc họp để bác bỏ ý kiến cho rằng metaverse sẽ là tương lai của điện toán.
"Metaverse là từ mà tôi sẽ không bao giờ sử dụng”, Greg Joswiak nói.
Mark Zuckerberg đã đổ hàng tỉ USD vào metaverse và tiến xa hơn khi đổi tên Facebook thành Meta Platforms vào năm ngoái.
Metaverse là thuật ngữ có nguồn gốc từ khoa học viễn tưởng và đề cập đến một phiên bản giả định của internet 3D (ba chiều) được truy cập thông qua công nghệ nhập vai chứ không phải màn hình 2D.
Hồi đầu tháng 10, Tim Cook, Giám đốc điều hành Apple, tiết lộ trong cuộc phỏng vấn độc quyền với hãng truyền thông Bright (Hà Lan) rằng sự lưỡng lự của công ty với việc tham gia vào trào lưu metaverse là có chủ đích.
"Tôi luôn nghĩ rằng điều quan trọng là mọi người phải hiểu điều gì đó là gì. Và tôi thực sự không chắc một người bình thường có thể cho bạn biết metaverse là gì", Tim Cook nói.
Từ metaverse chỉ được đề cập một lần trong các cuộc gọi báo cáo thu nhập của Apple cho đến nay trong năm 2022, so với 36 lần ở các đợt báo cáo thu nhập của Meta Platforms.
Bất chấp việc sử dụng từ metaverse bùng nổ trong toàn ngành, các giám đốc điều hành vẫn băn khăn rằng liệu metaverse có đại diện cho sản phẩm thực, như thực tế ảo, hay chỉ là khái niệm cho một thế giới ảo có thể không bao giờ thực sự tồn tại.
Giám đốc điều hành Mark Zuckerberg đã nói với nhân viên vào tháng 7 rằng Meta Platforms đang cạnh tranh với Apple để xây dựng metaverse.
Sau khi Facebook đổi tên thành Meta Platforms và tuyên bố vào mùa thu năm ngoái rằng sẽ đầu tư 10 tỉ USD vào việc xây dựng metaverse, Apple đã đứng ngoài ngành công nghệ rộng lớn hơn khi từ chối tham gia vào nỗi ám ảnh mới nhất của Mark Zuckerberg.
Thay vào đó, Apple đã tập trung đầu tư vào công nghệ mới nổi của mình, đặc biệt là thực tế tăng cường (AR).
Khi một nhà phân tích hỏi Tim Cook vào tháng 1 về vai trò của nhà sản xuất iPhone trong không gian metaverse, ông trả lời rằng Apple "luôn khám phá các công nghệ mới và mới nổi", chỉ vào 14.000 ứng dụng AR kit của công ty trên App Store.
"Tôi nghĩ AR là một công nghệ sâu sắc sẽ ảnh hưởng đến mọi thứ", Tim Cook nói với Bright trong cuộc phỏng vấn và cho biết thêm rằng thực tế ảo (VR) không phải là cách để "sống cả đời".
"Đó là thứ mà bạn thực sự có thể đắm mình vào và điều đó có thể được sử dụng một cách tốt đẹp. VR dành cho những khoảng thời gian nhất định, nhưng không phải là một cách để giao tiếp tốt. Vì vậy, tôi không chống lại nó, nhưng đó là cách tôi nhìn nhận nó", tỷ phú Mỹ 61 tuổi chia sẻ.
Về những thay đổi sản phẩm khác của Apple, Craig Federighi, Phó chủ tịch cấp cao về kỹ thuật phần mềm Apple, đã được hỏi liệu Mac có bao giờ sẽ có màn hình cảm ứng không. "Ai nói?", ông trả lời.
Trong một lĩnh vực gây tranh cãi khác, Craig Federighi nói rằng một phiên bản Android của iMessage sẽ kìm hãm sự đổi mới trên iMessage trên iOS. Apple sẽ không thể đầu tư nhiều vào phiên bản Android.
Craig Federighi và Greg Joswiak đều lập luận rằng Apple đã được hưởng lợi từ việc đưa nhân viên trở lại văn phòng. Đây là điều mà nhiều hãng công nghệ đã không thể thực hiện vì sự phản đối của nhân viên.
Craig Federighi cho biết đại dịch khiến nhiều người cảm thấy mất kết nối và công ty sẽ hoạt động hiệu quả hơn nhiều khi mọi người quay trở lại với nhau. Ông nói thêm, văn hóa của Apple từ lâu đã ở cùng một vị trí.
Ngày 4.10 vừa qua, Nghị viện châu Âu đã thông qua các quy định mới sẽ giới thiệu ở EU một cổng sạc duy nhất cho điện thoại di động, máy tính bảng và máy ảnh vào năm 2024.
Đây là quy định đầu tiên trên thế giới được cho là sẽ ảnh hưởng đến Apple nhiều hơn các đối thủ của nhà sản xuất iPhone.
Các nhà lập pháp EU ủng hộ cải cách với đa số, với 602 phiếu thuận và chỉ 13 phiếu chống.
Cuộc bỏ phiếu xác nhận một thỏa thuận sớm hơn giữa các tổ chức EU và sẽ biến cổng USB-C trên các thiết bị chạy Android trở thành tiêu chuẩn của EU, buộc Apple phải thay đổi cổng sạc cho iPhone và các thiết bị khác.
Trong số các nhà cung cấp thiết bị điện tử lớn cho khách hàng châu Âu, Apple được cho là sẽ bị ảnh hưởng nhiều nhất. Thế nhưng, các nhà phân tích cũng mong đợi một tác động tích cực xảy ra vì có thể khuyến khích người dân sắm những thiết bị mới nhất của Apple dùng cổng USB-C thay vì những máy sử dụng cổng Lightning.
Các nhà phân tích cho biết thỏa thuận này cũng bao gồm đầu đọc điện tử, tai nghe dạng nhét và các công nghệ khác, có nghĩa là nó cũng có thể ảnh hưởng đến Samsung, Huawei và các nhà sản xuất thiết bị khác.
Trước đây, Apple đã cảnh báo rằng đề xuất này sẽ làm tổn hại đến sự đổi mới và tạo ra một núi rác thải điện tử.
Sự thay đổi này đã được thảo luận trong nhiều năm và được thúc đẩy bởi những lời phàn nàn từ người dùng iPhone, Android về việc phải chuyển sang các bộ sạc khác nhau cho thiết bị của họ.
Ủy ban châu Âu ước tính rằng một bộ sạc duy nhất sẽ tiết kiệm khoảng 250 triệu euro (247,3 triệu USD) cho người tiêu dùng.
Một nửa số bộ sạc được bán cùng với điện thoại di động trong năm 2018 có cổng kết nối USB micro-B, 29% có cổng USB-C và 21% có cổng Lightning, theo nghiên cứu của Ủy ban năm 2019.
Đề xuất về một cổng sạc di động duy nhất được Ủy ban châu Âu đưa ra cách đây hơn một thập kỷ sau khi người dùng iPhone và Android phàn nàn về việc phải sử dụng các bộ sạc khác nhau cho ĐTDĐ của họ.
Người dùng iPhone sạc pin bằng cáp và cổng Lightning, trong khi các thiết bị chạy hệ điều hành Android sạc pin qua cổng USB-C.
"Thỏa thuận mà chúng tôi đạt được sẽ giúp người tiêu dùng tiết kiệm khoảng 250 triệu euro (267 triệu USD). Nó cũng sẽ cho phép các công nghệ mới như sạc không dây xuất hiện và phát triển mà không để sự đổi mới trở thành nguồn gốc phân mảnh thị trường lẫn bất tiện cho người tiêu dùng", Giám đốc ngành công nghiệp EU - Thierry Breton cho biết trong một tuyên bố hồi tháng 6.
Nghị viện châu Âu nhấn mạnh: “Vào mùa thu năm 2024, USB-C sẽ trở thành cổng sạc chung cho tất cả ĐTDĐ, máy tính bảng và máy ảnh ở EU”.
Việc EU sớm biến USB-C trở thành cổng tiêu chuẩn cho tất cả ĐTDĐ có nghĩa là những người dùng iPhone ở khu vực này sẽ thấy cáp Lightning của họ không còn hoạt động. Đó là một động thái gây tranh cãi nhưng có thể loại bỏ hàng tấn chất thải điện tử mỗi năm.
Các nhà lập pháp EU cũng muốn thống nhất hệ thống sạc không dây vào năm 2025, trong khi các nước EU và Ủy ban châu Âu muốn kéo dài thời gian hơn nữa vì lý do kỹ thuật.
Trước đó, Apple nói rằng việc sử dụng không phù hợp các tiêu chuẩn quốc tế sẽ hạn chế sự đổi mới và việc buộc người dùng đổi sang bộ sạc mới có thể tạo ra núi rác thải điện tử.
Năm ngoái, khi EU công bố các đề xuất buộc tất cả các nhà sản xuất điện thoại sử dụng USB-C, Apple cho biết điều đó sẽ gây hại cho sự đổi mới.
Gã khổng lồ công nghệ Mỹ tuyên bố: "Chúng tôi vẫn lo ngại rằng quy định nghiêm ngặt chỉ bắt buộc một loại cổng kết nối sẽ cản trở sự đổi mới thay vì khuyến khích nó, do đó sẽ gây hại cho người tiêu dùng ở châu Âu và trên toàn thế giới".