Peter Wennink, Giám đốc điều hành sắp nghỉ hưu của ASML, hôm 24.4 cho biết chính phủ Mỹ sẽ ngăn công ty Hà Lan bảo trì một số máy từng bán cho khách hàng Trung Quốc trong một số trường hợp.
Peter Wennink nói những hạn chế như vậy "sẽ không có tác động đáng kể đến tình hình tài chính của ASML từ năm 2025 đến 2030", vì chỉ có một số lượng hạn chế các nhà máy Trung Quốc bị ảnh hưởng.
ASML, hãng cung cấp thiết bị sản xuất chip lớn nhất thế giới, đã phải đối mặt hàng loạt hạn chế và yêu cầu cấp phép từ chính phủ Mỹ lẫn Hà Lan khi bán các dòng máy tiên tiến hơn của mình cho khách hàng Trung Quốc.
Những hạn chế này là một phần trong chiến dịch tại Mỹ nhằm làm chậm những tiến bộ quân sự của Trung Quốc và khiến quốc gia châu Á này suy yếu khả năng sản xuất chip.
Vào tháng 4, chính phủ Mỹ bắt đầu gây sức ép với chính phủ Hà Lan để ngăn ASML bảo trì một số máy trị giá hàng tỉ euro từng bán cho khách hàng Trung Quốc, gồm cả trong một số trường hợp thiết bị được phê duyệt xuất khẩu hoặc bán trước khi các hạn chế mới xuất hiện vào năm 2023.
Trung Quốc là thị trường lớn thứ hai của ASML tính theo doanh số bán hàng vào năm 2023 và khoảng 20% doanh thu toàn cầu của công ty Hà Lan đến từ việc bảo trì các máy đã lắp đặt trước đó.
Dù Hà Lan tự giám sát chính sách xuất khẩu của mình và ASML hy vọng có thể tiếp tục bảo trì cho hầu hết khách hàng Trung Quốc đến cuối năm nay, Peter Wennink nói rằng điều đó không đúng trong mọi trường hợp.
Ông nói: “Chúng tôi có thể bảo trì chúng, nhưng không phải với các linh kiện của Mỹ hoặc các phụ tùng thay thế xuất xứ từ Mỹ đang bị kiểm soát xuất khẩu”. Các quy định của Mỹ bao gồm cả phân khúc dòng sản phẩm của ASML được gọi là máy quang khắc cực tím sâu (DUV).
"Nhưng đó chỉ dành cho một số lượng hệ thống hạn chế. Chúng tôi có thể cài đặt chúng. Bất kỳ thứ gì khác từng bán, chúng tôi đều có thể cài đặt và bảo trì", Giám đốc điều hành sắp nghỉ hưu của ASML nói.
Peter Wennink phát biểu những điều này tại cuộc họp chung thường niên của công ty, nơi ông sắp nghỉ hưu và được thay thế bởi Christophe Fouquet.
ASML phê duyệt Christophe Fouquet làm giám đốc điều hành mới
Hội đồng quản trị ASML đã phê duyệt việc bổ nhiệm Christophe Fouquet làm giám đốc điều hành mới của công ty.
Christophe Fouquet (50 tuổi) vừa chính thức đảm nhận vai trò Giám đốc điều hành ASML tại cuộc họp thường niên của công ty được tổ chức tại thành phố Veldhoven, Hà Lan hôm 24.4.
“Tôi rất vui… khi có thể viết chương tiếp theo của ASML và tiếp tục tạo ra giá trị đáng kể cho các cổ đông của chúng tôi”, Christophe Fouquet nói.
Không cần bỏ phiếu và Chủ tịch ASML - Nils Andersen tuyên bố việc bổ nhiệm Christophe Fouquet đã được phê duyệt.
Christophe Fouquet có 15 năm làm việc tại ASML và trước đây giám sát các dòng máy in thạch bản cực tím (EUV) hàng đầu của công ty.
Christophe Fouquet thay thế vị trí của Peter Wennink, người lãnh đạo ASML từ năm 2014 đến nay, giai đoạn mà giá cổ phiếu công ty tăng hơn 10 lần. Qua đó, ASML trở thành hãng công nghệ lớn nhất châu Âu với vốn hóa thị trường trên 300 tỉ euro (320 tỉ USD).
Peter Wennink cho biết: "Người ta nói với tôi trong vài tháng qua rằng: 'Ông đang nghỉ hưu khi công ty đang ở đỉnh cao'. Không, chúng tôi thậm chí còn chưa đến giữa chặng đường".
Lý do bảo trì thiết bị ASML là mặt trận mới trong cuộc chiến chip Mỹ - Trung
Chính phủ Mỹ đã kêu gọi các đồng minh buộc các công ty cung cấp thiết bị sản xuất chip trong nước ngừng bảo trì một số công cụ mà họ đã bán ở Trung Quốc. Đây là một phần trong nỗ lực của Mỹ nhằm làm suy yếu khả năng sản xuất chip tiên tiến của Trung Quốc.
Với tư cách là nhà cung cấp thiết bị sản xuất chip lớn nhất trên toàn cầu, ASML đang được chú ý trong cuộc chiến chip Mỹ - Trung.
Tại sao thiết bị của ASML quan trọng?
ASML thống trị thị trường công cụ in thạch bản. Đó là những cỗ máy phức tạp, đắt tiền, thực hiện một bước quan trọng trong quy trình sản xuất chip, giúp tạo ra mạch điện.
Tại sao Mỹ không muốn ASML bảo trì thiết bị đã bán?
Lý do để ngăn chặn nhà máy sản xuất chip Trung Quốc bị nhắm mục tiêu có thể hoạt động trơn tru. Các thiết bị của ASML từ khó đến không thể thay thế. Nếu chủ sở hữu thiết bị của ASML bị từ chối cung cấp phụ tùng và bảo trì, đến một lúc nào đó, thiết bị sẽ ngừng hoạt động và nhà máy sẽ không thể sản xuất chip.
Chính phủ Hà Lan có từ chối giấy phép bảo trì không?
Hà Lan, đồng minh thân cận của Mỹ, không loại trừ khả năng từ chối giấy phép xuất khẩu và bảo trì của ASML trong một số trường hợp mà họ nhận thấy có rủi ro về an ninh. Tuy nhiên, Hà Lan không có kế hoạch cấm toàn diện.
Trung Quốc là đối tác thương mại quan trọng của Hà Lan. Chính phủ quốc gia châu Âu này không muốn làm tổn hại đến ASML, công ty lớn nhất của họ.
Ngoài ra, phần lớn thiết bị mà ASML bán ở Trung Quốc được sử dụng trong các quy trình sản xuất chip kém tiên tiến hơn và không yêu cầu giấy phép xuất khẩu hoặc bảo trì của Hà Lan.
Có bao nhiêu thiết bị ASML ở Trung Quốc?
Rất nhiều. ASML đã bán được số thiết bị trị giá hơn 6 tỉ euro (6,5 tỉ USD) cho khách hàng Trung Quốc chỉ riêng trong năm 2023.
Công ty không tiết lộ có bao nhiêu thiết bị thuộc các loại yêu cầu giấy phép cho phân khúc quang khắc cực tím sâu (DUV). Đây là các máy thuộc phân khúc trung - cao cấp của ASML. Những thiết bị tốt nhất của ASML là in thạch bản cực tím (EUV) tiên tiến không được bán ở Trung Quốc.
ASML nói gì?
ASML tiết lộ giấy phép xuất khẩu của Hà Lan cho phép hãng bảo trì cho phần lớn các khách hàng Trung Quốc đến ngày 31.12.2024, theo hãng tin Reuters.
Tác động có thể là gì đến các nhà sản xuất chip Trung Quốc?
Điều này là không chắc chắn. Lấy ví dụ hư cấu về hãng sản xuất chip Trung Quốc đã mua một trong những công cụ DUV tốt nhất của ASML với giá 60 triệu USD nhưng không được gia hạn giấy phép bảo trì.
Nếu không cập nhật phần mềm, thiết bị sẽ không hoạt động tối ưu. Thế nhưng, các kỹ sư Trung Quốc biết cách vận hành thiết bị của họ và có thể bị sa thải nếu không thể làm việc với máy ASML.
Một số trong hàng nghìn bộ phận trong thiết bị ASML có thể thay thế hoặc sửa chữa được nếu chúng bị hỏng. Tuy nhiên, khi nói đến ống kính và tia laser chuyên dụng cao, không có lựa chọn thay thế nào được biết đến.
Một số bộ phận được cho là có thể bị loại bỏ khỏi các thiết bị ASML hiện có. Hầu hết thiết bị mà ASML từng cung cấp vẫn đang được sử dụng, nhưng chưa có ai từng thử chạy một máy tiên tiến mà không có sự trợ giúp của công ty Hà Lan.
Hậu quả với ASML là gì?
Có thể là nhỏ, ít nhất là lúc đầu. Trung Quốc là thị trường lớn thứ hai của ASML vào năm 2023 sau Đài Loan, với 29% doanh số, nhỉnh hơn Hàn Quốc một chút. Khoảng 20% tổng doanh thu của ASML đến từ việc bảo trì các máy đã lắp đặt.
Dù thống trị thị trường, ASML phải đối mặt với sự cạnh tranh ở phân khúc sản phẩm thấp hơn từ Nikon và Canon (Nhật Bản) và SMEE (Trung Quốc). Về lâu dài, các nhà sản xuất chip Trung Quốc sẽ có động lực cao để phát triển các giải pháp thay thế cho việc sử dụng thiết bị của ASML.