20 năm trước, một vụ án chấn động miền Tây xảy ra trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp. Kẻ thủ ác là một tên thầy bùa bệnh hoạn đã sát hại 4 người phụ nữ, lấy sọ người để luyện bùa Thiên linh cái. Câu chuyện đã trôi qua suốt 2 thập niên qua, nhưng mới đây câu chuyện có thật này đã trở thành cảm hứng cho một bộ phim kinh dị. Thảm án ngày nào lại một lần nữa dậy sóng…

Bài 1: Vỏ ngoài thân thiện của kẻ luyện bùa 'Thiên linh cái' trong vụ án 20 năm trước

Nguyên Việt | 17/12/2019, 08:14

20 năm trước, một vụ án chấn động miền Tây xảy ra trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp. Kẻ thủ ác là một tên thầy bùa bệnh hoạn đã sát hại 4 người phụ nữ, lấy sọ người để luyện bùa Thiên linh cái. Câu chuyện đã trôi qua suốt 2 thập niên qua, nhưng mới đây câu chuyện có thật này đã trở thành cảm hứng cho một bộ phim kinh dị. Thảm án ngày nào lại một lần nữa dậy sóng…

1, 2 rồi 3, 4 người phụ nữ đã mãi mãi nằm dưới lòng đất vì một phút bồng bột tin vào những lời ma mị của ông thầy bùa bệnh hoạn. Tội ác của gã có thể còn dấu kín thêm nhiều năm nữa nếu như với nạn nhân thứ 4, gã không quá lộ liễu để lại quá nhiều dấu vết…

Kế hoạch trên vùng đất mới của gã thầy bùa

1 ngày của năm 1995, trên dòng kênh Mã Trường chảy qua xã Tân Bình - Tân Huề của H.Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp, bỗng xuất hiện 1 người đàn ông trung tuổi trên chiếc xuồng ba lá nhỏ. Người dân chẳng mấy ai quan tâm, nhưng người đàn ông lạ mặt này cứ nở nụ cười, gặp ai cũng chào hỏi như quen biết từ bao giờ. Thế rồi ngày này qua ngày nọ, sự thân thiện của người đàn ông lạ mặt cũng ghi dấu ấn trong lòng người dân nơi đây…

Xã Tân Huề, nơi xảy ra tội ác của gã thầy bùa với 4 người phụ nữ - Ảnh: Thanh Nguyên

25 năm trước, cù lao Tân Bình - Tân Huề - Tân Quới bao gồm 3 xã với mật độ dân cư thưa thớt. Đường đi không có, người dân chủ yếu lưu thông bằng thuyền ghe và sống bình yên với ruộng đồng, giăng câu, chài lưới.

Người đàn ông lạ mặt kia cũng từng bước hòa vào cuộc sống với người dân bản xứ. Lai lịch của ông ta chỉ được tóm gọn rằng tên Phạm Văn Tuấn, quê ở xã Cần Đăng, H.Châu Thành, tỉnh An Giang. Dù vậy, người dân ở đây quen gọi Tuấn là thầy bùa hoặc Hai Tửng vì những gì Hai Tửng nói không giống người bình thường.

Dù sao, Hai Tửng vẫn chiếm được tình cảm của người dân nơi đây bằng miệng lưỡi và nụ cười thường trực của mình. Y tự giới thiệu mình là thầy thuốc chuyên đi chữa bệnh miễn phí cho bà còn khắp nơi. Gã nói rằng, nhiều năm trước mình tầm sư học đạo ở tận núi Sam, Châu Đốc, An Giang và được sư phụ truyền dạy nhiều bài thuốc cứu người và y còn học được những loại bùa chúcó thể khai thông cho những người có công việc trắc trở, hoặc có tình duyên lận đận.

Biết ai bị bệnh, Hai Tửng nhiệt tình tìm đến cứu giúp, cắt thuốc cho uống mà không lấy một đồng tiền công. Với hình ảnh của 1 thầy thuốc lương thiện, ăn chay trường, sống đơn giản trên chiếc xuồng nhỏ - Hai Tửng, ngày càng nhận được nhiều thiện cảm của người dân nơi đây.

“Ở được một thời gian trên xuồng, Hai Tửng đi xin đất để ở nhờ. Mà ông ta có quen biết, bà con gì ở đây đâu. Tất cả cũng nhờ cái miệng của ông ta mà được hết. Hai Tửng xin ở nhờ trên một mảnh đất cặp kênh Mã Trường của 1 người dân địa phương. Ông ta nói rằng, dưới phần đất đó có vàng mà chỉ có một mình ông ta có thể tìm và đào thấy. Thế là được ở miễn phí”, 1 người dân cố cựu ở xã Tân Huề kể.

Và quả thật, sau thời gian sinh sống trên mảnh đất nhỏ đó, người ta thỉnh thoảng vẫn thấy Hai Tửng vác 1 cây leng sáng bóng (1 dụng cụ đào đất ở miền Tây - PV) để đào đất ngay ở dưới nhà mình. Người dân cứ nghĩ đào vàng, nhưng thực chất là để gã thầy bùa này che giấu tội ác tày trời. Chuyện này mãi về sau mới vỡ lẽ…

Mượn được đất, vậy là Hai Tửng gom góp vốn liếng, nhờ vả người này người kia để dựng 1 căn nhà sàn nhỏ để sống cuộc sống trên cạn. Có “hộ khẩu” trên cạn, Hai Tửng càng tranh thủ khuếch táng tên tuổi của mình để ngày càng có nhiều người biết đến, để kế hoạch của gã ngày càng thuận lợi hơn.

Những người phụ nữ mê muội

Càng sống lâu ở xứ cù lao, thân thế Hai Tửng càng được người dân bản xứ biết đến rõ ràng hơn. Hai Tửng vốn đã có vợ ở 1 xã thuộc H.Thanh Bình. Sau khi lấy vợ, Hai Tửng về quê vợ sinh sống rồi 2 người chia tay nhau. Hai Tửng xuôi dòng đến xứ cù lao Tân Bình tìm vùng đất mới.

Tại đây, trong quá trình sống, Hai Tửng gặp 1 người phụ nữ tên Trần Thị Thể mà người dân nơi đây quen gọi là A Thể. A Thể là 1 người phụ nữ có tướng cao to, da trắng, khuôn mặt ưa nhìn, sống bằng nghề cho vay lấy lãi, góp tiền hụi ở chợ Thanh Bình. Hành nghề nhiều năm, A Thể thường xuyên bị giật nợ, nhiều lúc lâm vào cảnh khốn cùng.

Nghe dân tình kháo nhau trên kênh Mã Trường có ông thầy bùa Hai Tửng rất cao tay, có thể làm bùa giúp công việc của A Thể thuận buồm xuôi gió, nên sau khi nghe ngóng hết thông tin, A Thể liều một phen tìm gặp Hai Tửng để xin bùa. Sau một vài lần được Hai Tửng lập đàn cúng, làm thuốc cho uống, công việc của A Thể tự dưng tiến triển thấy rõ. Đi đòi nợ ai cũng trả, tới kỳ góp hụi ai cũng vui vẻ mang tiền tới đóng. A Thể tin là cuộc đời mình đã gặp được cao nhân và đem lòng tôn thờ người đàn ông này.

Từ tôn thờ, A Thể nguyện đi theo Hai Tửng để sống, cung phụng hầu hạ thầy bùa này như 1 người vợ. Cả 2 có một thời gian chuyên đi buôn bán sỉ, lẻ rau cải, hoa màu bằng ghe trên các chợ quê ở huyện Thanh Bình. Đi tới đâu, A Thể cũng hết lòng giới thiệu, tuyên truyền về người Hai Tửng như 1 vị thánh sống. Khi biết ai có nhu cầu về bùa ngãi, A Thể lân la thuyết phục để họ đến tìm Hai Tửng cho bằng được. Tiếng tăm của thầy bùa Hai Tửng từ đó cũng từng bước lên như diều gặp gió.

“Thời đó, đâu có tivi, sách báo phổ biến như bây giờ. Người dân ở quê, khi gặp vấn đề gì đó trong cuộc sống liền nghĩ ngay đến các yếu tố siêu nhiên, mê tín dị đoan và thầy bùa như Hai Tửng là những người họ thường tìm đến để gỡ rối. Mà những người tìm đến Hai Tửng cũng rất tình cờ họ đạt được nguyện vọng của họ, có người hết bệnh, có người làm ăn khấm khá, gia đạo êm ấm. Từ đó, mới có người tin tưởng”, 1 người dân bày tỏ.

Một phần do người dân thiếu hiểu biết, một phần nữa là do Hai Tửng thực sự là 1 kẻ khôn ngoan khi đánh vào tâm lý của người dân quê. Gã từng bước, từng bước gây dựng lòng tin bằng nghề bốc thuốc. Rồi khi có được lòng tin, gã lại giới thiệu mình là thầy bùa có khả năng “hô phong, hoán vũ”, điều khiển được âm binh, thiên tướng. Với những gì học được từ sư phụ sẽ có ngày gã bất tử, miễn nhiễm với súng đạn, gươm giáo, người thường sẽ không có cách nào uy hiếp được gã.

Khi có được vị thế của mình trong lòng người dân xứ cù lao, Hai Tửng đủ tự tin để đập tan những lời xuyên tạc, nghi ngờ về bản lĩnh của mình. Và cũng từ đó, lại có thêm người phụ nữ tin tưởng, nguyện đi theo phục tùng Hai Tửng. Đó là người phụ nữ tên Bích, sống ở 1 xã lân cận.

Dòng kênh này Hai Tửng thường bơi ghe qua lại mỗi ngày - Ảnh: Thanh Nguyên

Bà Bích là 1 người phụ nữ hiền lành, khờ khạo, Hai Tửng không mấy khó khăn để đưa người phụ nữ này vào tròng, và phục vụ một cách trung thành gần như tuyệt đối cho gã. Như vậy là cùng lúc, Hai Tửng được sự phục vụ của A Thể, bà Bích. Gã sống như ông hoàng khi có sự cung phụng của 2 người phụ nữ. A Thể chu cấp tiền bạc, tìm những “con mồi” cho gã. Bà Bích thì phục vụ cơm nước, sẵn sàng làm theo lệnh của gã.

Lối sống, cách hành xử của Hai Tửng qua mặt được nhiều người, nhưng không phải là tất cả. Nhiều người dân cố cựu ở xứ cù lao này đã nhận ra những điều bất thường từ gã thầy bùa này. Nhưng dù nghĩ xa tới đâu, họ cũng không thể tưởng tượng được ra những gì mà Hai Tửng có thể làm được đối với những người phụ nữ…

(còn nữa)

Thanh Nguyên
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Sau sắp xếp bộ máy tổ chức, TP.HCM giảm 129 đầu mối
1 giờ trước Theo dòng thời sự
Ngày 22.11, Thành ủy TP.HCM tổ chức hội thảo “Tiếp tục xây dựng hệ thống chính trị tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo của các cấp ủy, quản lý của chính quyền; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng nhiệm vụ trong tình hình mới”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bài 1: Vỏ ngoài thân thiện của kẻ luyện bùa 'Thiên linh cái' trong vụ án 20 năm trước