Chưa SEA Games nào như năm nay khi cho đến giờ này đã có hai quan chức bóng đá từ chức. Đầu tiên là đại tướng Sao Sokha, Chủ tịch Liên đoàn bóng đá Campuchia và mới đây nhất là Yutthana Yimkarun, Giám đốc kỹ thuật Liên đoàn bóng đá Thái Lan kiêm trưởng đoàn đội Thái Lan.

Bài học về văn hóa từ chức cho bóng đá Việt Nam

Đậng Hoàng | 19/05/2023, 07:15

Chưa SEA Games nào như năm nay khi cho đến giờ này đã có hai quan chức bóng đá từ chức. Đầu tiên là đại tướng Sao Sokha, Chủ tịch Liên đoàn bóng đá Campuchia và mới đây nhất là Yutthana Yimkarun, Giám đốc kỹ thuật Liên đoàn bóng đá Thái Lan kiêm trưởng đoàn đội Thái Lan.

yimkarun.jpg
Ông Yutthana Yimkarun chịu trách nhiệm về vụ ẩu đả giữa U.22 Thái Lan và U.22 Indonesia - Ảnh: FAT

Khi Campuchia hòa Philippines 1-1 và gần như không còn cơ hội vào bán kết dù trên lý thuyết đội chủ nhà SEA Games 32 vẫn chưa bị loại, đại tướng Sao Sokha đã tuyên bố từ chức ngay sau trận đấu và bàn giao công việc cho Phó chủ tịch Liên đoàn bóng đá (LĐBĐ) Campuchia. Đại tướng Sokha nói rằng điều này thể hiện trách nhiệm khi ông không hoàn thành nhiệm vụ với chỉ tiêu là đội U.22 Campuchia vào bán kết.

Trong khi đó, ông Yutthana Yimkarun gửi đơn lên LĐBĐ Thái Lan xin từ chức cũng với lý do thể hiện trách nhiệm về cuộc hỗn chiến giữa hai đội U.22 Thái Lan và U.22 Indonesia trong trận chung kết SEA Games 32 mà Thái Lan là nguyên nhân khởi xướng.

Khi đón nhận hai thông tin này, người hâm mộ bóng đá Việt Nam gần như ai cũng nhận định: các quan chức bóng đá Việt Nam nên rút ra bài học, đó là văn hóa từ chức!

Thật ra văn hóa từ chức rất phổ biến ở các nước phát triển và không ít người dân ở những nước kém phát triển ủng hộ văn hóa này. Từ chức là thể hiện lòng tự trọng, giữ phẩm giá của mỗi người. Khi thấy mình không đủ năng lực, không đủ uy tín để lãnh đạo thì từ chức là cần thiết. Biết xấu hổ đúng lúc và rút lui là hành động giúp ích cho sự phát triển của cả một tập thể.

Lịch sử dân tộc Việt Nam đã có những người như thế. Sử cũ cho biết: “Chu Văn An là người trong sạch, thẳng thắn, nghiêm nghị, lẫm liệt” nên được hoàng đế Trần Minh Tông mời làm “Quốc tử giám Tư nghiệp” và dạy thái tử học. Đến đời Trần Dụ Tông, khuyên can vua không được, Chu Văn An liền dâng sớ xin xử chém bảy nịnh thần, là những kẻ được vua yêu. Vua Dụ Tông không nghe nên Chu Văn An treo mũ từ quan, lui về Chí Linh dạy học.

Không chỉ có đại quan Chu Văn An, nước ta còn có đại thi hào Nguyễn Trãi, Trình Quốc công Nguyễn Bỉnh Khiêm, Phan Chu Trinh... là những bậc tài cao, đức lớn, cương trực. Họ đã từ quan khi khuyên can triều đình những việc làm sai trái mà không được chấp thuận.

Những năm tháng kháng chiến, bổng lộc, quyền lợi chỉ là thứ yếu, mọi người sẵn sàng hy sinh cả tính mạng vì Tổ quốc. Vì thế việc từ chức khi thấy không hoàn thành nhiệm vụ, hay nhường vị trí, cơ hội cho người khác là thường tình và diễn ra nhẹ nhàng. Ngày nay, chức quyền đã lấn át chức phận khi vị trí càng cao, bên cạnh trách nhiệm thường gắn liền với quyền lợi, bổng lộc. Chính vì thế, nhiều người không dễ để từ bỏ những điều đang có, nói đúng hơn là khó có văn hóa từ chức.

Nhắc, nhớ chuyện xưa và nay rồi trở lại câu chuyện từ chức của đại tướng Sao Sokha, chúng ta thấy rằng, vì sao Thủ tướng Hun Sen, người hâm mộ bóng đá Campuchia và cả những nhà tài trợ đã kêu gọi ông suy nghĩ lại để tiếp tục giữ chức Chủ tịch LĐBĐ Campuchia? Đơn giản vì dưới thời của ông Sokha, bóng đá Campuchia phát triển đồng bộ từ phong trào cho đến đỉnh cao, từ học đường cho đến chuyên nghiệp. Cơ sở vật chất được đầu tư, xây dựng không chỉ ở bóng đá đỉnh cao mà còn ở trong các trường học.

Qua câu chuyện này cho thấy, dù ông Sokha làm rất tốt cho bóng đá Campuchia kể từ khi giữ chức Chủ tịch LĐBĐ Campuchia năm 2007, nhưng khi không hoàn thành nhiệm vụ ở SEA Games 32 thì với ông việc từ chức là nên làm.

Cùng quan điểm với đại tướng Sao Sokha, Giám đốc kỹ thuật LĐBĐ Thái Lan kiêm trưởng đoàn đội Thái Lan Yutthana Yimkarun đã nộp đơn từ chức ngay sau khi xảy ra sự cố đánh nhau làm ảnh hưởng đến hình ảnh của bóng đá nước nhà, và quan trọng hơn là làm ảnh hưởng chung đến uy tín của SEA Games 32.

Bóng đá Việt Nam đã hội nhập với thế giới, vì thế từ chức cũng là văn hóa mà những quan chức, lãnh đạo bóng đá Việt Nam cần học hỏi và noi theo khi không hoàn thành tốt vai trò của mình.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Sau sắp xếp bộ máy tổ chức, TP.HCM giảm 129 đầu mối
2 giờ trước Theo dòng thời sự
Ngày 22.11, Thành ủy TP.HCM tổ chức hội thảo “Tiếp tục xây dựng hệ thống chính trị tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo của các cấp ủy, quản lý của chính quyền; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng nhiệm vụ trong tình hình mới”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bài học về văn hóa từ chức cho bóng đá Việt Nam