Tổng thống Belarus vừa tuyên bố sẽ mở lại các chốt kiểm soát biên phòng, nếu như Nga kéo dài việc mở lại các chốt này ở biên giới hai nước.
Nga - Belarus từng thỏa thuận cho phép công dân hai nước tự do qua lại. Đến tháng 2.2017, Belaruscó chương trình miễn visa nhập cảnh 5 ngày cho 80 quốc gia và lãnh thổ, gồm các công dân khối nước thành viên EU, và có thể gia hạn lên 15 ngày.
Hành động này của Belarus nhằm “phá băng quan hệ” với EU nhưng làm Nga khó chịu. Moscow ra lệnh mở lại các chốt kiểm soát xe và hộ chiếu ở vùng biên giới giáp Belarus, với lý do có những đe dọa cho an ninh quốc gia Nga.
Theo hãng tin nhà nước BelTA, Tổng thống Alexander Lukashenko khi thị sát vùng biên giới đã tuyên bố Nga nên cân nhắc lại việc Cục an ninh Liên bang Nga (FSB) triển khai các đơn vị thường trực bảo vệ biên giới.
Tổng thống Lukashenko khẳng định các cơ quan chính quyền Belarus sẽ “Không hành động như người Nga. Họ không biết họ muốn gì và họ đang làm gì ở vùng biên giới Belarus - Nga. Họ nên cân nhắc. Chúng ta sẵn sàng có câu trả lời thích đáng bất kỳ lúc nào. Nếu họ muốn đóng cửa biên giới, xin mời họ cứ việc. Nếu họ làm thế, chúng ta cũng sẽ phải áp đặt lại khâu kiểm soát biên phòng”.
Ông Lukashenko còn nói ông không vội quyết định, chờ xem chính sách biên giới mới của Nga sẽ thực hiện thế nào: “Biên giới là chuyện của quá khứ, nhưng tùy Nga quyết định. Đó là lý do chúng ta không vội quyết định, còn phải chờ xem họ muốn gì. Chúng ta đã biết họ triển khai nhiều quân, lập trụ sở chỉ huy và các cơ sở hạ tầng khác”.
Tại chốt biên phòng Divin ở huyện Kobrin thuộc tỉnh Brest, ông Lukashenko nghe báo cáo tình hình biên giới quốc gia, các biện pháp trấn giữ, kỹ năng bộ binh và khí tài cho nhiệm vụ bảo vệ biên cương.
Đại diện Ủy ban biên giới quốc gia Belarus cho BelTA biết: không có đơn vị quân biên phòng thường trực ở biên giới giáp Nga, nhưng nếu lực lượng biên phòng nhận được thông tin về những hoạt động trái phép, thì có thể sẽ triển khai lực lượng để điều tra, gồm kết hợp với cảnh sát và các chuyên gia Cục an ninh Belarus.
Theo Reuters, Moscow và Minsk là đồng minh truyền thống, nhưng quan hệ này trở lên lạnh lẽo sau khi Nga sáp nhập Crimea năm 2014, một động thái mà Tổng thống Lukashenko mô tả là “một tiền lệ xấu”.
Ngược lại, quan hệ giữa Belarus với phương tây được cải thiện, sau khi ông Lukashenko đồng ý thả một số tù phạm chính trị và chấp nhận vài nghị sĩ đối lập trong Quốc hội Belarus.
Tuần trước, Belarus cử đại sứ mới đến Stockholm, kết thúc sự bất đồng ngoại giao kéo dài 6 năm với Thụy Điển, sau vụ một công ty PR Thụy Điển thả dù hàng trăm gấu nhồi bông xuống Belarus để vận động dân chủ.
Bảo Vĩnh (theo Moscow Times)