Trong thời gian qua, tình trạng bệnh nhân bị đột quỵ ngày càng tăng. Không những bệnh nhân lớn tuổi mà rất nhiều bệnh nhân có tuổi đời chỉ khoảng 30, 40 tuổi cũng đột quỵ. Nhiều nơi, các bác sĩ tỏ ra lúng túng trong việc chẩn đoán và xử lý những bệnh nhân đột quỵ, khiến “thời gian vàng” bị mất, bệnh nhân không thể cứu sống.

Bệnh đột quỵ tăng cao, bệnh viện mở lớp đào tạo cho bác sĩ

Hồ Quang | 13/04/2016, 12:07

Trong thời gian qua, tình trạng bệnh nhân bị đột quỵ ngày càng tăng. Không những bệnh nhân lớn tuổi mà rất nhiều bệnh nhân có tuổi đời chỉ khoảng 30, 40 tuổi cũng đột quỵ. Nhiều nơi, các bác sĩ tỏ ra lúng túng trong việc chẩn đoán và xử lý những bệnh nhân đột quỵ, khiến “thời gian vàng” bị mất, bệnh nhân không thể cứu sống.

Bệnh nhân đột quỵ thường đến trễ

Không ngày nào các bệnh viện như Chợ Rẫy, Đại học Y dược, Nhân dân 115… không có bệnh nhân bị đột quỵ nhập viện. Chỉ tính riêng tại Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM, mỗi ngày có khoảng 5 bệnh nhân bị đột quỵ phải nhập viện tại đây.

Bác sĩ Nguyễn Bá Thắng, Phó khoa Thần kinh kiêm Trưởng Đơn vị đột quỵ, Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM, cho biết hầu hết các bệnh nhân đột quỵ chuyển đến bệnh viện quá trễ, qua “thời gian vàng” để có thể cứu chữa.

Mới đây một bệnh nhân nam, 64 tuổi (quê tỉnh Sóc Trăng) bị đột quỵ do tắc động mạch lớn. Bệnh nhân này đã đến nhiều bệnh viện ở địa phương sau đó chuyển đến một bệnh viện lớn ở TP.HCM, nhưng các bác sĩ đều “ chạy”. Sau khi chuyển lòng vòng qua nhiều bệnh viện đến gần 1 tuần, bệnh nhân này mới chuyển đến Bệnh viện Đại học Y dược trong tình trạng phù não và hôn mê rất sâu.

Sau khi chẩn đoán hình ảnh, các bác sĩ phát hiện bệnh nhân này bị tắc động mạch lớn. “Chúng tôi tiến hành mở hộp sọ để giải áp cho bệnh nhân và phối hợp nhiều chuyên khoa để điều trị. Đến chiều qua (12.4), bệnh nhân đã tỉnh táo, tình trạng phù não ổn định, tri giác tốt nhưng bệnh nhân mất khả năng nói và bị liệt nửa người bên trái. Điều này là do bệnh nhân đến quá trễ nên đã để lại những di chứng trên”, bác sĩ Thắng cho biết.

Theo bác sĩ Thắng, để cứu sống những bệnh nhân bị đột quỵ, thời gian tối đa chỉ khoảng 6 tiếng đồng hồ từ lúc xảy ra triệu chứng, nếu quá thời gian trên việc chữa trị đột quỵ sẽ không còn tác dụng, bệnh nhân khó có thể cứu sống.

“Trong 6 giờ đầu (giờ vàng Time is Brain, mỗi phút có 2 triệu tế bào thần kinh bị mất đi), can thiệp nội mạch là biện pháp hiệu quả. Tuy nhiên cũng chỉ có khoảng 80% bệnh nhân đưa vào trong thời điểm “giờ vàng” được cứu sống”, bác sĩ Thắng nói.

Ông Thắng cho rằng dù chưa có nghiên cứu cụ thể nào về hiệu quả điều trị của những bệnh nhân đột quỵ đến trước và sau 6 giờ, nhưng thực tế cho thấy, những bệnh nhân bị đột quỵ được can thiệp càng sớm thì hiệu quả cứu sống càng cao. “Những trường hợp có nguy cơ bị đột quỵ cao chính là những người uống nhiều rượu bia, hút thuốc lá, làm việc căng thẳng và người mắc bệnh tăng huyết áp, đái tháo đường”, ông Thắng cho biết thêm.

Mở lớp đào tạo về đột quỵ cho bác sĩ

Điều trị đột quỵ là một chuỗi rất phức tạp, phải phối hợp đa chuyên khoa từ hệ thống chuyển bệnh đến tiếp nhận cấp cứu rồi đến phối hợp với các chuyên khoa thần kinh, chẩn đoán hình ảnh, tim mạch, phẫu thuật thần kinh, hồi sức… Do đó để thực hiện tất cả các khâu trên một cách nhanh nhất phải có một hệ thống, đó chính là đơn vị đột quỵ.

Theo TS.BS Trần Chí Cường, Bộ môn Chẩn đoán hình ảnh, Đại học Y dược kiêm Chủ tịch Hội can thiệp thần kinh TP.HCM, tính đến thời điểm hiện tại, cả nước chưa có quá 5 bệnh viện có thể cấp cứu, can thiệp, điều trị hiệu quả được bệnh đột quỵ. Ông Cường cũng nói rằng hiện nay nhiều bác sĩ chưa cập nhật được thông tin mới về đột quỵ cũng như chưa nắm vững kiến thức của đột quỵ, nhất là bác sĩ ở khoa Cấp cứu - nơi đầu tiên tiếp nhận bệnh nhân đột quỵ. Nhiều bệnh viện chưa có đơn vị đột quỵ nên chưa biết cách xử lý những bệnh nhân đột quỵ như thế nào.

Theo ông Cường, trong chữa trị đột quỵ hiện có 2 biện pháp là dùng thuốc và phẫu thuật. Trong một số trường hợp hướng điều trị đột quỵ bằng phẫu thuật được lựa chọn (trường hợp bị đột quỵ nặng có máu bầm trong não, hay bị phình mạch máu não). Hạn chế của phương pháp này là nguy cơ tổn thương thần kinh khá cao, có khi lại gây ra tàn phế sau phẫu thuật; tình huống xấu hơn còn có nguy cơ bị tử vong.

Có một hướng điều trị đột quỵ khác được gọi là tiêu sợi huyết (bơm thuốc vào mạch máu để làm tan cục máu đông) cũng đạt được hiệu quả nhất định. Tuy nhiên hướng điều trị này có hạn chế trong trường hợp người bệnh bị tắc nghẽn động mạch lớn (ghi nhận trong trường hợp này hiệu quả điều trị chỉ đạt khoảng 10%). Hướng điều trị tiêu sợi huyết còn có một hạn chế nữa là gây ra nguy cơ xuất huyết não sau khi dùng thuốc, nguy cơ này lên đến 6%.

Gần đây có một giải pháp mới là can thiệp nội mạch trong điều trị đột quỵ được ghi nhận có hiệu quả khá cao. Ghi nhận trong những trường hợp người bệnh bị tắc nghẽn động mạch lớn, áp dụng phương pháp can thiệp nội mạch cho hiệu quả đến 80%. Hiện nay phương pháp này đã được nhiều quốc gia tiên tiến trên thế giới ứng dụng rộng rãi nhưng ở Việt Nam chỉ có một vài bệnh viện ở Hà Nội và TP.HCM thực hiện; còn các tỉnh, thành khác gần như không có. Như vậy, những bệnh nhân đột quỵ ở tỉnh có nguy cơ bị di chứng nặng và tỉ lệ tử vong cao.

Trước tình hình trên, ông Cường cho biết, vào đầu tháng 5 tới, Bệnh viện Đại học Y dược sẽ tổ chức một khóa đào tạo chuyên sâu về bệnh học cho các bác sĩ đang thực hành lâm sàng ở các chuyên khoa có điều trị bệnh nhân đột quỵ. Từ chẩn đoán hình ảnh cho đến nội khoa, ngoại khoa, can thiệp mạch máu não...

“Đợt này chúng tôi sẽ mời những chuyên gia đầu ngành trong nước và trên thế giới về lĩnh vực đột quỵ để truyền đạt những kiến thức đột quỵ cho các bác sĩ tham gia khóa học. Chương trình đào tạo bao gồm đào tạo về lý thuyết và thực hành; sẽ có chương trình thực hành tại phòng thực nghiệm (làm trên động vật). Sau khi có được những trải nghiệm bài bản, chỉn chu từ phòng thực nghiệm thì bước vào thực tế các bác sĩ sẽ làm tốt hơn, chính xác hơn”, ông Cường cho hay.

* Chú thích ảnh:Bệnh nhân bị đột quỵ đang điều trị tại Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM.

Hồ Quang
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Điểm mới của lễ trao Giải thưởng Sách quốc gia lần thứ 7
1 giờ trước Văn hóa
Ngày 22.11, Ban tổ chức Giải thưởng Sách quốc gia lần thứ 7 tổ chức họp báo thông tin về lễ trao giải sẽ diễn ra vào ngày 29.11 tại Nhà hát lớn Hà Nội.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bệnh đột quỵ tăng cao, bệnh viện mở lớp đào tạo cho bác sĩ