Dù nhiều năm qua TP.HCM chưa xảy ra ca dại trên động vật cũng như trên người, nhưng đại diện Sở nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNN) nhận định nguy cơ bệnh dại xâm nhập vào TP là rất cao.
Thông tin Y học

Bệnh nhân mắc bệnh dại trong nước gia tăng: TP.HCM có giải pháp gì để ứng phó?

Hồ Quang 20:27 28/03/2024

Dù nhiều năm qua TP.HCM chưa xảy ra ca dại trên động vật cũng như trên người, nhưng đại diện Sở nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNN) nhận định nguy cơ bệnh dại xâm nhập vào TP là rất cao.

Liên quan đến tình hình nuôi chó, mèo và bệnh dại trên địa bàn TP.HCM, chiều 28.3, ông Lê Minh Trí - Phó Trưởng Phòng Chăn nuôi dịch tễ, Chi cục Chăn nuôi và thú y (Sở NN-PTNT TP.HCM) cho biết, hiện tổng đàn chó, mèo của TP là 183.700 con được nuôi tại 106.060 hộ, trung bình nuôi 1,73 con / hộ. Dù từ đầu năm 2024 đến nay cả nước xảy ra 27 ca tử vong trên người do bệnh dại ở 15 tỉnh, TP (tăng hơn hai lần so với cùng kỳ năm 2023 có 12 ca), nhưng trên địa bàn TP nhiều năm liền không xảy ra ca dại trên động vật cũng như trên người.

benh-nhan-mac-benh-dai-trong-nuoc-gia-tang-tphcm-co-giai-phap-gi-de-ung-pho-hinh-anh.png
Ông Lê Minh Trí - Phó Trưởng Phòng Chăn nuôi dịch tễ, Chi cục Chăn nuôi và thú y chia sẻ về tình hình nuôi chó, mèo trên địa bàn TP - Ảnh: PV

Tuy nhiên, ông Trí nhận định, TP là nơi giao thương với lớn với các địa phương, nên nguy cơ việc xâm nhập nguồn bệnh dại vào là rất cao.

Trước tình hình trên, TP đã phối hợp với UBND quận, huyện, các đoàn thể thực hiện thông tin, tuyên truyền cho người dân về phòng chống bệnh dại, tiêm phòng vắc xin dại, không thả rông, các hành vi sẽ bị xử lý (vì không xích giữ chó và đeo rọ mõm cho chó khi đưa chó ra nơi công cộng), khai báo, kê khai hoạt động chăn nuôi... với nhiều hình thức khác nhau như: phát tờ bướm (tiếng Việt và tiếng Hoa), treo băng rôn tại khu vực đông dân, phát thanh trên đài Tiếng nói nhân dân TP, loa phát thanh của huyện và lưu động; các lớp tuyên truyền về phòng chống bệnh dại, đặc biệt là phối hợp Sở Giáo dục và Đào tạo trong công tác truyền thông học đường đã mang lại hiệu quả tích cực trong công tác phòng, chống bệnh dại trên địa bàn.

Trong thời gian qua, Chi cục chăn nuôi và thú y TP phối hợp với ƯBND TP.Thủ Đức và các quận huyện tổ chức tiêm phòng cho đàn chó mèo trên địa bàn, trong đó hỗ trợ 50% chi phí vắc-xin tại 5 huyện ngoại thành; tập trung tiêm phòng vắc xin đại trà vào khoảng tháng 3-5 hằng năm và tiêm phòng bổ sung thường xuyên theo lứa tuổi.

“Hiện việc tiêm phòng hằng năm luôn đạt tỷ lệ trên 88% tổng đàn kiểm tra”, ông Trí cho biết.

Ngoài ra, Chi cục chăn nuôi và thú y thực hiện lấy mẫu giám sát sau tiêm phòng, hằng năm thực hiện lấy khoảng hơn 300 mẫu máu xét nghiệm hiệu giá kháng thể sau tiêm phòng, qua đó, tỷ lệ bảo hộ đối với bệnh dại trên địa bàn TP luôn đạt trên 80%.

Đồng thời, phối hợp với chính quyền địa phương kiểm soát chặt chẽ các cơ sở hành nghề dịch vụ thú y tư nhân, nhằm cập nhật kịp thời tình hình tiêm phòng tại các phòng khám thú y tư nhân, tạo điều kiện thuận lợi trong việc cấp giấy chứng nhận kiểm dịch động vật xuất tỉnh cho người nuôi chó, mèo.

Đặc biệt, từ năm 2008 đến nay TP đã triển khai xây dựng phường, xã an toàn bệnh dại, đến nay đã có 17 quận và 50 phường xã an toàn dịch bệnh động vật đối với bệnh dại.

Để công tác phòng, chống bệnh dại đạt hiệu quả, góp phần duy trì TP.HCM là vùng an toàn bệnh dại, ông Trí khuyến cáo người dân thực hiện tiêm phòng vắc xin bệnh dại cho chó, mèo mỗi năm 1 lần; kê khai hoạt động chăn nuôi 2 lần/năm cho chính quyền địa phương; khai báo với Trạm chăn nuôi và thú y địa phương, hoặc chính quyền địa phương khi đưa chó mèo từ nơi khác về nuôi; không mua chó mèo bán rông trên đường phố hoặc không rõ nguồn gốc về nuôi vì đây là mối nguy cơ xảy ra và lây lan bệnh dại trên động vật rất cao.

Ông Trí cũng đề nghị người nuôi xích, nhốt hoặc giữ chó trong khuôn viên gia đình; bảo đảm vệ sinh môi trường, không ảnh hưởng xấu tới người xung quanh. Khi đưa chó ra nơi công cộng phải đảm bảo an toàn cho người xung quanh bằng cách đeo rọ mõm cho chó, hoặc xích giữ chó và có người dắt; khi bị chó, mèo, động vật cào, cắn cần xử lý vết thương và đến ngay cơ sở y tế để được tư vấn, điều trị dự phòng bệnh dại kịp thời.

Trong trường hợp phát hiện chó, mèo có triệu chứng bệnh dại (như trốn vào góc tối, kín đáo, tỏ ra vồn vã thái quá, thỉnh thoảng sủa vu vơ, tru lên từng hồi; hoặc bồn chồn, nhảy lên đớp không khí, chó liếm hoặc tự cắn, cào đến rụng lông, chảy máu, chó bỏ ăn, nuốt khó, sốt, giãn đồng tử,...), phải nhốt riêng và báo ngay cho chính quyền địa phương, hoặc cơ quan thú y để xử lý kịp thời nhằm khống chế, không để phát sinh và lây lan bệnh dại trong cộng đồng.

Bài liên quan
Quảng Bình: Bé gái 8 tuổi tử vong do bệnh dại
Sau 4 tháng bị chó cắn nhưng không được tiêm vắc xin phòng bệnh, bé gái 8 tuổi bị phát bệnh dại và tử vong.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Temu, Shein... 'đổ bộ' Việt Nam, chuyển đổi số cấp thiết hơn bao giờ hết
12 giờ trước Khoa học - công nghệ
Chuyển đổi số trong linh vực bán buôn, bán lẻ đang cấp thiết hơn bao giờ hết khi các sàn thương mại điện tử như Temu, Shein... "đổ bộ" thị trường Việt Nam.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bệnh nhân mắc bệnh dại trong nước gia tăng: TP.HCM có giải pháp gì để ứng phó?