Rất nhiều bệnh nhân đã và đang điều trị tại Bệnh viện T.Ư Huế lâm vào tình cảnh “dở khóc dở mếu” khi gặp những quy định cắc cớ từ bảo hiểm mà bệnh viện cũng lúng túng.

Bệnh nhân nghèo chưa thể tháo vít trong người vì thủ tục bảo hiểm

Lê Đình Dũng | 05/01/2018, 09:38

Rất nhiều bệnh nhân đã và đang điều trị tại Bệnh viện T.Ư Huế lâm vào tình cảnh “dở khóc dở mếu” khi gặp những quy định cắc cớ từ bảo hiểm mà bệnh viện cũng lúng túng.

Bất ngờ bị “trả về” tuyến dưới

Chiều muộn 4.1.2018, anh N.T.Tr., 30 tuổi, trú ở một vùng quê nghèo thuộc huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên – Huế cứ đứng bơ vơ ở Bệnh viện T.Ư Huế mà không biết nên ứng xử ra làm sao sau khi đến bệnh viện tái khám, nhập viện phẫu thuật theo đúng lịch hẹn và chỉ dẫn của nhân viên y tế lẫn bác sĩ.

Vào một đêm cách đây 6 tháng, anh Tr. nhập viện vào Bệnh viện T.Ư Huế để cấp cứu sau một vụ tai nạn giao thông. Sau khi được các bác sĩ cấp cứu ban đầu, anh Tr. được chuyển về hai chuyên khoa để điều trị, là khoa Ngoại thần kinh, rồi Trung tâm Răng Hàm Mặt do chấn thương sọ não; gãy xương má, xương hàm...

Bệnh nhân Ng.V.Tr. làm thủ tục nhập viện tái khám theo hẹn ở Bệnh viện T.Ư Huế nhưng bị từ chối hưởng bảo hiểm đúng tuyến

Anh Tr. đã được các bác sĩ phẫu thuật gắn, định vị phương tiện ở vùng xương mặt, sau đó ra viện và thanh toán bảo hiểm y tế theo diện đúng tuyến điều trị (bảo hiểm chi trả 80%). Khi xuất viện, anh Tr. được hẹn tái khám vào ngày 21.12.2017. Đúng hẹn bệnh nhân này trở lại tái khám tại Trung tâm Răng Hàm Mặt, Bệnh viện T.Ư Huế.

Để được nhập viện và phẫu thuật lấy phương tiện (vít) định vị bên trong xương má, anh Tr. phải từ quê lên về bệnh viện rất nhiều lần (mỗi vòng 120 km) để thực hiện các thủ tục tái khám, xét nghiệm, điện tim, chụp X quang, chờ hội chẩn, nhận kết quả…

Theo lịch hẹn, ngày 4.1 anh Tr. trở lại Bệnh viện T.Ư Huế, được nhân viên y tế hướng dẫn đến làm thủ tục nhập viện tại ô cửa số 13 (tiếp đón bệnh nhân bảo hiểm) thì bị nhân viên ở ô cửa này “ách” lại, yêu cầu phải có giấy chuyển viện từ tuyến dưới, nếu không anh Tr. chỉ nhập viện và thanh toán viện phí về sau như một trường hợp bệnh nhân nhập viện trái tuyến với mức BHYT chi trả là 40% chi phí điều trị nội trú (tại bệnh viện tuyến trung ương), tức anh Tr. phải trả 60% viện phí, chứ không được hưởng mức hưởng bảo hiểm 80% như ban đầu.

Dẫu bệnh nhân giải thích rằng đây là trường hợp điều trị từ năm cũ và liên tục theo y lệnh của bác sĩ, thủ tục từ nhân viên bệnh viện hướng dẫn, không có yêu cầu gì việc bổ sung giấy chuyển tuyến, thì nhân viên tại quầy 13 vẫn không chịu và nói rằng do đã bước sang năm mới 2018 và đây là quy định. Nghe giải thích, anh Tr. đứng như “trời trồng”!

Bảo hiểm không liên quan chuyên môn?

Vốn có gia cảnh khó khăn, lại mất nửa năm thu nhập do chấn thương, anh Tr. gần như không kham nổi mức chi trả 60% viện phí cho ca phẫu thuật nên chỉ còn đường rút hồ sơ về lại nơi khám chữa bệnh ban đầu. Mà về lại nơi khám chữa bệnh ban đầu, thì chắc chắn bệnh viện tuyến huyện nếu có chuyển tuyến chỉ có thể chuyển lên tuyến tỉnh, khó thể lên Bệnh viện T.Ư Huế như thời gian qua anh Tr. điều trị, tái khám và vừa thực hiện các xét nghiệm, các bước chuyên môn khác sau tái khám. Chiều 4.1 anh Tr. liên lạc với nhân viên bệnh viện tuyến dưới cũng được xác tín như vậy.

Quá bất ngờ với những tréo ngoe vừa xảy ra, anh Tr. tìm cách liên lạc với các cơ quan có trách nhiệm để mong có cách giải quyết, hướng dẫn xử lý vấn đề “đột xuất” này. Trong vai người nhà bệnh nhân, chúng tôi cũng đã theo chân anh Tr. đi tìm cách giải quyết này.

Người nhà bệnh nhân Ng.V.T ở Phú Diên, Phú Vang, Thừa Thiên - Huế trăn trở khi bị “trả” về tuyến dưới dẫu trước đó không ai hướng dẫn gì

Chúng tôi đến phòng khám Răng Hàm Mặt Bệnh viện T.Ư Huế, nơi đã từng hướng dẫn hồ sơ thủ tục cho anh Tr. trước đó để nhập viện. Sau khi hay tin bệnh nhân Tr. bị từ chối hưởng bảo hiểm đúng tuyến và yêu cầu phải có giấy chuyển tuyến trong lần tái khám này thì một số nhân viên, y bác sĩ ở đây tỏ ra bất ngờ và lúng túng về những trưởng hợp bệnh nhân “năm cũ chuyển sang năm mới” này. Sau một hồi hội ý, gọi điện cho những người có trách nhiệm để tư vấn, hướng dẫn thêm, họ cũng lắc đầu nóiđây là quy định của bảo hiểm, bệnh viện không can thiệp được. “Chúng tôi chỉ làm chuyên môn, còn đó là việc của bảo hiểm. Anh chị hãy tự đi giải quyết” – một nam nhân viên y tế nói.

Chưa thỏa mãn, chúng tôi tiếp tục gặp người có trách nhiệm tên Đáng làm việc ở bộ phận tiếp nhận bệnh nhân bảo hiểm y tế của bệnh viện hạng đặc biệt này. Ông Đáng giải thích rằng trường hợp anh Tr. là cấp cứu do tai nạn và bệnh viện đã giải quyết đúng tuyến trong lần điều trị trước.

“Lần trước đã kết thúc điều trị, còn lần này bệnh nhân có giấy hẹn là giấy hẹn của bác sĩ hẹn về chuyên môn. Đó là một cuộc điều trị, phẫu thuật, chi phí hoàn toàn mới phát sinh ra… Còn bảo hiểm là khác, quyền lợi anh ở cơ sở đăng kí khám chữa bệnh ban đầu nên anh đến đó để khám, làm thủ tục điều trị. Nếu họ không điều trị được, chuyển đi đâu là việc của họ. Thủ tục bảo hiểm là khác, chuyên môn là khác",ông Đáng nói.

Lời giải thích của ông Đáng cũng được thường trực cơ quan bảo hiểm thuộc Bảo hiểm xã hội tỉnh Thừa Thiên – Huế đóng tại Bệnh viện T.Ư Huế lặp lại tương tự khi giải thích với anh Tr.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, cùng với anh Tr. nhiều bệnh nhân khác đến tái khám, tái nhập viện điều trị theo kiểu “chuyển tiếp” từ năm 2017 qua năm 2018 đều bị “ách” hồ sơ lại, yêu cầu phải có giấy chuyển tuyến phù hợp, nếu không đều được xem là trái tuyến và chỉ được bảo hiểm y tế thanh toán 40% viện phí.

Cùng chung cảnh ngộ, anh N.V.T., 23 tuổi, ở thôn Mỹ Khánh, xã Phú Diên, H.Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên – Huế trở lại Bệnh viện T.Ư Huế tái khám, nhập viện trong tình cảnh bị từ chối tiếp nhận bảo hiểm “đúng tuyến” dở khóc dở mếu như anh Tr. Người nhà bệnh nhân T. cho hay, năm 2017 anh T. từng nhập viện Bệnh viện T.Ư Huế do tai nạn, xuất viện được bảo hiểm y tế thanh toán 100% (bảo hiểm xã bãi ngang).

Vài ngày trước anh T. trở lại Trung tâm Răng Hàm Mặt Bệnh viện T.Ư Huế tái khám, thực hiện các xét nghiệm, chụp X quang… theo chỉ dẫn của nhân viên y tế để nhập viện chuẩn bị tháo phương tiện. Tuy nhiên khi làm thủ tục nhập viện, anh T. cũng bất ngờ bị “ách” hồ sơ, yêu cầu về lại tuyến dưới lấy giấy chuyển tuyến như trường hợp anh Tr..

“Nếu chúng tôi về lại tuyến dưới, chắc chắn chúng tôi sẽ không được chuyển đến khoa Răng Hàm Mặt Bệnh viện T.Ư Huế - nơi phẫu thuật em tôi từ đầu, vì chuyển như thế là vượt tuyến. Mà như vậy khi chuyển đến bệnh viện mới để phẫu thuật lấy phương tiện (vít lắp), điều trị tất cả các xét nghiệm, thủ tục và thủ thuật phải làm lại từ đầu. Hóa ra những ngày vừa qua chúng tôi mất tiền của sức vô ích, bảo hiểm chi trả một khoản cũng vô ích”,anh trai bệnh nhân T. bức xúc.

Bài, ảnh: Nhật Lam
Bài liên quan
TP.HCM: Hội thi 'Thầy thuốc giỏi chuyên môn, vững bảo hiểm y tế'
Ngày 14.4, Sở Y tế TPHCM ra mắt ngân hàng câu hỏi và chính thức khởi động hội thi “Thầy thuốc giỏi chuyên môn, vững bảo hiểm y tế” lần thứ 1 - 2024.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
ĐBSCL khát khô giữa mùa hạn – Bài 4: Giải pháp bền vững
một giờ trước Bảo vệ môi trường
Để ứng phó với tình trạng thiếu nước sạch sinh hoạt trong mùa khô, nhiều tỉnh thành vùng ĐBSCL đã đưa ra nhiều giải pháp. Tuy nhiên, để thực hiện đồng bộ, hiệu quả, các địa phương cần nguồn vốn đầu tư lớn.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bệnh nhân nghèo chưa thể tháo vít trong người vì thủ tục bảo hiểm