Trong tuần 21 vừa qua, TP.HCM ghi nhận 157 ca tay chân miệng, tăng 47,1% so với trung bình 4 tuần trước (107 ca). Đặc biệt, đã có nhiều trường hợp bị bệnh rất nặng và có 1 ca tử vong.

Bệnh tay chân miệng tại TP.HCM bùng phát, nhiều trẻ bị bệnh nặng và có 1 ca tử vong

Hồ Quang | 01/06/2023, 20:00

Trong tuần 21 vừa qua, TP.HCM ghi nhận 157 ca tay chân miệng, tăng 47,1% so với trung bình 4 tuần trước (107 ca). Đặc biệt, đã có nhiều trường hợp bị bệnh rất nặng và có 1 ca tử vong.

Tăng gần 50% và xuất hiện nhiều ca nặng, tử vong

Ngày 1.6, Sở Y tế TP.HCM cho hay, trong tuần 21 vừa qua, TP ghi nhận 157 ca bệnh tay chân miệng, tăng 47,1% so với trung bình 4 tuần trước (107 ca). Trong đó, số ca bệnh tăng ở cả các trường hợp nhập viện điều trị nội trú và các trường hợp khám ngoại trú so với trung bình 4 tuần trước. Như vậy, tổng số ca mắc tay chân miệng từ đầu năm 2023 đến nay lên đến 1.670 ca.

benh-tay-chan-mieng-tai-tphcm-bung-phat-nhieu-tre-bi-benh-nang-va-tu-vong-hinh-anh(1).png
Bệnh nhi mắc tay chân miệng điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng 1 ( TP.HCM ) - Ảnh: PV

Tại Bệnh viện Nhi đồng 1, trong 5 tháng đầu năm 2023, đã tiếp nhận 1.349 lượt điều trị ngoại trú, 158 bệnh nhân điều trị nội trú bệnh tay chân miệng. Mặc dù số lượng bệnh tay chân miệng không tăng so với năm 2022, nhưng số bệnh nhân nặng tăng so với cùng kỳ năm 2022.

Hiện bệnh viện này đang điều trị 4 trường hợp mắc tay chân miệng rất nặng, đặc biệt vừa xuất hiện 1 trường hợp tử vong.

Theo Bệnh viện Nhi đồng 1, bệnh nhân tử vong này là bé trai N.H.D (5 tuổi, ngụ tại tỉnh Kiên Giang) được bệnh viện địa phương chuyển đến với chẩn đoán mắc bệnh tay chân miệng độ 3. Thời điểm nhập viện, bệnh nhi hôn mê sâu, sốt cao hơn 41 độ C.

Tại đây, bệnh nhân hôn mê sâu, co gồng, mạch nhanh nhẹ, sốt rất cao 41,2 độ C. Các bác sĩ đã nỗ lực xử trí chống sốc, hỗ trợ hô hấp, tuần hoàn, lọc máu. Tuy nhiên, do tình trạng bệnh rất nặng, bệnh nhân đã tử vong vào chiều 31.5.

Theo Sở Y tế TP, tại các bệnh viện chuyên khoa Nhi của TP đang điều trị 33 trẻ mắc bệnh tay chân miệng, tất cả đều là dưới 5 tuổi, trong đó có 9 ca nặng (3 ca TP.HCM tại quận Tân Phú và huyện Củ Chi), và đã có 4 trường hợp nặng xác định do mắc EV71.

Do Enterovirus 71 quay trở lại

Đề cập đến tình trạng bệnh tay chân miệng đang gia tăng, đặc biệt là tình trạng trẻ bị bệnh rất nặng, Sở Y tế TP.HCM, cho biết điều này là do Enterovirus 71 gây bệnh tay chân miệng nặng ở trẻ em đã xuất hiện trở lại. Đây là chủng vi rút gây bệnh nặng ở nhóm trẻ mắc bệnh tay chân miệng.

Theo Sở Y tế, hiện đơn vị này đang tiếp tục phối hợp với OUCRU để giải trình tự gene xác định các chủng gây bệnh nguy hiểm của EV71. Tại thời điểm của năm bùng phát EV71 với nhiều trường hợp nặng và tử vong (năm 2011) chủ yếu là type C4, đến năm 2018, số ca nặng có giảm và chủ yếu là type B5.

Sở Y tế đã thành lập Tổ chuyên gia hỗ trợ hội chẩn các trường hợp bệnh nặng và tổ chức các đoàn kiểm tra tại các quận, huyện về công tác phòng, chống dịch tay chân miệng. Hiện tại, các bệnh viện chuyên khoa Nhi của TP đã sẵn sàng các trang thiết bị hồi sức các trường hợp nặng (lọc máu, ECMO,…) và sẵn sàng thuốc điều trị theo phác đồ.

Tuy nhiên, để chủ động hơn trong ứng phó khi tình hình dịch bệnh diễn tiến phức tạp, Sở Y tế đã có văn bản báo cáo Bộ Y tế và Cục Quản lý dược hỗ trợ cung ứng đủ thuốc điều trị (nhất là 2 loại thuốc Phenobarbital truyền tĩnh mạch, Gamma Globulin truyền tĩnh mạch).

Ngoài ra, Sở Y tế đã chỉ đạo Trung tâm kiểm soát bệnh tật kích hoạt các đội phản ứng nhanh cùng tất cả các Trung tâm Y tế quận, huyện và TP.Thủ Đức khởi động ngay các hoạt động phòng chống, và kiểm soát dịch bệnh tay chân miệng trên địa bàn, nhất là tại các hộ gia đình và các trường học.

Trước tình hình trên, Sở Y tế khuyến cáo các bậc phụ huynh thường xuyên rửa cho trẻ để phòng, chống bệnh tay chân miệng. Ngoài ra, phụ huynh cần tăng cường vệ sinh đồ chơi cho trẻ, vệ sinh nhà cửa bằng xà phòng, dung dịch Javel hoặc các dung dịch sát khuẩn thông thường. Các bậc phụ huynh cần phát hiện sớm các dấu hiệu bệnh tay chân miệng ở trẻ như: nổi bóng nước lòng bàn tay, bàn chân, lở miệng… để cách ly kịp thời, hạn chế lây lan. Khi trẻ mắc bệnh tay chân miệng, cần theo dõi sát, phát hiện sớm các dấu hiệu nặng để đưa đến bệnh viện kịp thời như: sốt cao liên tục khó hạ, nôn ói nhiều, giật mình chới với, run chi…

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam: Chỉ bàn làm, không bàn lùi!
Thủ tướng nhấn mạnh dự án đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam có ý nghĩa quan trọng. Do đó, quyết tâm phải cao, nỗ lực phải lớn, "chỉ bàn làm, không bàn lùi", phân công "rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ thời gian thực hiện, rõ hiệu quả, rõ sản phẩm".
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bệnh tay chân miệng tại TP.HCM bùng phát, nhiều trẻ bị bệnh nặng và có 1 ca tử vong