Các cửa hàng ứng dụng Trung Quốc đã xóa UC Browser của Tập đoàn Alibaba sau khi trình duyệt này bị chỉ trích trên chương trình quyền người tiêu dùng hàng năm của CCTV vì đưa quảng cáo y tế từ các công ty không đủ tiêu chuẩn.
Trung Quốc đang thắt chặt quy định với lĩnh vực internet rộng lớn của mình, trong đó đế chế thương mại điện tử Alibaba do tỷ phú Jack Ma sáng lập đang phải đối mặt với sự giám sát đặc biệt nghiêm ngặt.
Không thể tải xuống UC Browser trên các cửa hàng ứng dụng Android do các nhà sản xuất điện thoại lớn ở Trung Quốc như Huawei, Xiaomi và Vivo điều hành kể từ tối 16.3. Dù vậy, UC Browser vẫn có sẵn trên cửa hàng ứng dụng Apple (App Store) ở Trung Quốc.
UC Browser nằm trong số vài công ty Trung Quốc và nước ngoài bị nhắm mục tiêu chỉ trích vì một loạt vấn đề trên chương trình nổi tiếng 2 giờ vàng “315” của Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV) vào tối 15.3.
Tiết lộ có hơn 400 triệu người dùng hoạt động hàng tháng trên toàn cầu, UC Browser đã đưa ra lời xin lỗi sau chương trình, cho biết đã điều tra và bắt đầu các biện pháp khắc phục.
Hôm 16.3, Alibaba đã đáp lại đề nghị bình luận về việc UC Browser bị các cửa hàng ứng dụng loại bỏ.
“Chúng tôi sẽ tăng cường hơn nữa cơ chế giám sát và tinh thần trách nhiệm của nền tảng, đồng thời cung cấp cho người dùng các dịch vụ thông tin chất lượng cao với các tiêu chuẩn nghiêm ngặt hơn. Chúng tôi kêu gọi người dùng tiếp tục giám sát chúng tôi”, trích thông báo.
Huawei không trả lời ngay lập tức khi được đề nghị bình luận. Xiaomi và Vivo từ chối bình luận.
Trước đây, các ứng dụng ở Trung Quốc tạm thời bị xóa nhưng người dùng hiện tại không chịu ảnh hưởng.
Các nền tảng internet là chủ đề thảo luận tại cuộc họp hôm 15.3 do Chủ tịch Tập Cận Bình chủ trì với các nhà lãnh đạo đảng Cộng sản Trung Quốc phụ trách các vấn đề tài chính và kinh tế.
“Một số doanh nghiệp nền tảng đang phát triển không theo quy luật và chịu rủi ro; nền kinh tế nền tảng chưa phát triển đầy đủ và có những thiếu sót; chúng ta có một vấn đề nổi cộm là hệ thống quản lý không điều chỉnh được vấn đề này”, bản tin cuộc họp của hãng thông tấn Tân Hoa xã cho biết.
Hôm 16.3, một Bộ của Trung Quốc cũng yêu cầu các cửa hàng ứng dụng lớn gỡ bỏ 4 ứng dụng có tên trong chương trình CCTV vì gây hiểu lầm cho người dùng tải xuống và thu thập thông tin cá nhân quá mức.
Hôm 15.3, tờ The Wall Street Journal đưa tin Chính phủ Trung Quốc đã yêu cầu Alibaba thanh lý tài sản truyền thông của mình.
Gã khổng lồ thương mại điện tử này sở hữu South China Morning Post (SCMP), tờ báo tiếng Anh 117 năm tuổi có trụ sở tại Hồng Kông.
Tờ Bloomberg cũng báo cáo rằng South China Morning Post nằm trong số các tài sản mà Chính phủ Trung Quốc muốn Alibaba bán, trích dẫn một người quen thuộc với vấn đề này.
Động thái này của chính quyền Tập Cận Bình không chỉ dễ dẫn đến sự tan rã của đế chế Alibaba mà còn có khả năng ảnh hưởng đến quyền tự do báo chí ở Hồng Kông, đặc biệt nếu người mua South China Morning Post tiếp theo là một doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc.
Đảng Cộng sản Trung Quốc cầm quyền coi truyền thông là cơ quan ngôn luận của chính phủ. Chủ tịch Tập Cận Bình, vốn đã nghiêm khắc với các phương tiện truyền thông truyền thống và internet, có thể khó chịu với việc Alibaba sử dụng tờ báo như South China Morning Post.
Trung Quốc đã tìm mọi cách để giảm ảnh hưởng của Alibaba với xã hội. Khởi đầu là một công ty thương mại điện tử, Alibaba giờ đây đã chạm đến nhiều khía cạnh trong cuộc sống người dân Trung Quốc, bao gồm cả ví điện tử của họ thông qua Ant Group.
Người sáng lập Alibaba - tỷ phú Jack Ma đã phải đối mặt với áp lực ngày càng tăng từ chính quyền ông Tập Cận Bình kể từ bài phát biểu vào tháng 10.2020 chỉ trích các cơ quan quản lý Trung Quốc kìm hãm sự đổi mới.
Đợt chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng của Ant Group (chi nhánh tài chính của Alibaba) trị giá 37 tỉ USD, dự kiến vào tháng 11.2021, đã bị đình chỉ với việc Alibaba bị điều tra chống độc quyền vào tháng 12.2020. Giám đốc điều hành Ant - Simon Hu đã từ chức hôm 12.3.