Ngày 20.8, TAND huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai mở lại phiên sơ thẩm (vòng thứ 3) vụ tranh chấp thương mại giữa Công ty TNHH Sản xuất và nhập khẩu bao bì Lào Cai (nguyên đơn) và Công ty TNHH Đông Nam Á Lào Cai (bị đơn). Đáng nói, vụ việc này đã kéo dài 6 năm, trải qua 2 vòng tố tụng với 5 lần xét xử, 2 lần tuyên hủy toàn bộ bản án, thay đổi tên gọi vụ án nhưng vẫn chưa đến hồi kết.

Bị giả mạo giấy khất nợ: DN kêu oan, tòa loay hoay 6 năm chưa xong án

Bùi Trí Lâm | 22/08/2019, 21:18

Ngày 20.8, TAND huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai mở lại phiên sơ thẩm (vòng thứ 3) vụ tranh chấp thương mại giữa Công ty TNHH Sản xuất và nhập khẩu bao bì Lào Cai (nguyên đơn) và Công ty TNHH Đông Nam Á Lào Cai (bị đơn). Đáng nói, vụ việc này đã kéo dài 6 năm, trải qua 2 vòng tố tụng với 5 lần xét xử, 2 lần tuyên hủy toàn bộ bản án, thay đổi tên gọi vụ án nhưng vẫn chưa đến hồi kết.

                    

Nguồn cơn sự việc bắt đầu từ Hợp đồng kinh tế số 66 ký ngày 15.8.2008 giữa 2 doanh nghiệp với nội dung: Công ty Bao Bì bán cho Công ty TNHH Đông Nam Á Lào Cai (ESACO Lào Cai) 8.000 thùng phuy, thành tiền là 5,6 tỉ đồng. Số thùng phuy trên được giao thành 3 đợt.

Mâu thuẫn nảy sinh từ khi phía ESACO khẳng định đã thanh toán đủ tiền hàng cho Công ty Bao Bì, thể hiện tại Phiếu thu ngày 25.11.2008, Giấy xác nhận thanh toán tiền hàng và Biên bản thanh lý Hợp đồng kinh tế số 66. Trong khi đó, phía Công ty Bao Bì lại cho rằng ESACO còn nợ 1,01 tỉ đồng trong đợt giao hàng thứ 2 và đã kiện ESACO ra tòa vào ngày 15.6.2013, tức là gần 5 năm sau khi hợp đồng 66 ký kết.

Căn cứ của Công ty Bao Bì đưa ra là văn bản xin hoãn thời gian trả nợ đến 30.9.2011 (đề ngày 15.2.2010) với nội dung ESACO gặp khó khăn về tài chính. Theo đó, Công ty Bao Bì yêu cầu ESACO trả số tiền nợ gốc là 1,01 tỉ đồng tiền gốc và 2,06 tỉ đồng tiền lãi tính từ tháng 12.2008 đến hết tháng 2.2019.

Tòa cấp cao, tòa tỉnh liên tục hủy án tòa huyện Bảo Thắng

Tại phiên sơ thẩm và phúc thẩm lần 1 diễn ra vào năm 2015 với tên gọi “Tranh chấp hợp đồng mua bán tài sản”, TAND huyện Bảo Thắng tuyên ESACO phải trả cho Công ty Bao Bì 1,01 tỉ đồng tiền gốc và khoảng 1,5 tỉ đồng tiền lãi. Tuy nhiên, TAND Cấp cao tại Hà Nội đã kháng nghị Giám đốc thẩm và đã tuyên hủy toàn bộ 2 bản án này của TAND huyện Bảo Thắng với lý do tòa huyện chưa thu thập chứng cứ để làm rõ nhiều vấn đề có liên quan nhưng đã buộc ESACO phải thanh toán tiền nợ gốc và nợ lãi là chưa đủ căn cứ.

Dự án phốt pho vàng của Công ty Đông Nam Á Lào Cai

Cụ thể, đó là vấn đề hình dấu tròn trong giấy khất nợ được đóng khống chỉ; vấn đề số tiền 5 tỉ đồng mà ESACO tạm ứng cho Công ty Bao Bì theo Hợp đồng 50... Tòa này cũng nhận định việc ESACO vì tình hình tài chính khó khăn phải xin khất nợ là không phù hợp với thực tế.

Đến giữa năm 2018, vụ án này lại được TAND huyện Bảo Thắng đưa ra xét xử sơ thẩm (vòng 2) và tuyên ESACO phải trả cho Công ty Bao Bì 1,01 tỉ tiền gốc và số tiền lãi đã lên tới 2 tỉ đồng. Tòa vẫn nhận định văn bản xin khất nợ có giá trị pháp lý, trong khi ông Trần Việt Dũng cho rằng nội dung giấy khất nợ không do ESACO phát hành mà do ông Phạm Văn Mạnh sử dụng giấy lưu không có con dấu và chữ ký sẵn của ông để trục lợi cá nhân.

Theo ông Dũng, khi còn làm cùng công ty, ông Dũng thường xuyên đi công tác xa nên ký sẵn một số giấy tờ, giao cho ông Mạnh. Sau này, ông Mạnh tách ra thành lập Công ty Bao Bì và 1 trong những văn bản ký sẵn đó đột nhiên xuất hiện với nội dung xin khất nợ.

Cho rằng bản án sai bản chất vụ việc, vụ án được kháng cáo lên TAND tỉnh Lào Cai. Tại Bản án số 05/2018, TAND tỉnh Lào Cai nhận định rằng chưa đủ căn cứ để xác định văn bản khất nợ có giá trị pháp lý hay không. Tuy nhiên, theo quy định tại điểm 2.2, Mục III Thông tư liên tịch số 07/2002/TTLT-BCA-BTCCBCP và Điểm d Khoản 2 Điều 25 Nghị định 110/2004/NĐ-CP thì văn bản khống chỉ không có cơ sở pháp lý. Hơn nữa, Công ty Bao Bì cũng không đưa ra được căn cứ nào thể hiện là đồng ý cho ESACO nợ số tiền trên.

Vụ việc khiến hoạt động của doanh nghiệp bị ảnh hưởng

Do đó, TAND tỉnh Lào Cai cho rằng không đủ căn cứ để xác định thời hiệu khởi kiện của vụ án được tính từ ngày 30.9.2011, vì vậy thời hiệu sẽ được tính từ ngày 20.11.2008. Như vậy, đến ngày 23.9.2013 Công ty Bao Bì mới khởi kiện thì không còn thời hiệu.

Ngoài ra, TAND tỉnh Lào Cai cũng cho hay, bản án sơ thẩm đã vi phạm nghiêm trọng về thủ tục tố tụng, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của các đương sự.

Tại phiên tòa sơ thẩm mới nhất ngày 20.8.2019, tòa tuyên ESACO phải trả tiền gốc cho Công ty Bao Bì là 1,01 tỉ đồng và không phải trả tiền lãi. Với bản án này, ESACO cho biết họ không đồng tình và sẽ tiếp tục kháng cáo.

Căn cứ khởi kiện đóng khống chỉ

Tại phiên xử mới nhất do TAND huyện Bảo Thắng xét xử, HĐXX vẫn giữ quan điểm và cho rằng đây là con dấu của ESACO nên tòa cho rằng công ty này phải chịu trách nhiệm pháp lý về việc ký và đóng dấu trong quá trình hoạt động của công ty. Do đó văn bản này có giá trị chứng minh.

Với việc tuyên án này, ESACO cho rằng tòa án đã tuyên không đúng bản chất sự việc. Cụ thể, việc giao hàng của hợp đồng 66 được tiến hành theo 3 đợt, trong đó đợt 1 và đợt 3 thanh toán đầy đủ còn đợt 2 đang có sự tranh chấp giữa 2 bên. ESACO cho rằng không có lý gì khi đợt 2 xin nợ mà lại thanh toán đầy đủ đợt 3 để phải chịu lãi phát sinh.

Hơn nữa, sau hợp đồng 66, 2 bên còn ký với nhau thêm nhiều hợp đồng khác với giá trị hàng hóa cao gấp hàng chục lần hợp đồng 66 và đều thanh toán đầy đủ. Như vậy, việc văn bản khất nợ cho rằng vì tình hình tài chính khó khăn để ESACO phải xin khất nợ lại 1 tỉ đồng tiền hàng là rất vô lý. Nếu ESACO vẫn còn nợ Công ty Bao Bì số tiền 1,01 tỉ đồng thì tại sao trong Biên bản đối chiếu công nợ đề ngày 27.2.2009 lại không đề cập đến việc này?

Ngoài ra, văn bản xin hoãn thời gian trả nợ đã được Phân viện Khoa học hình sự tại TP. HCM (Tổng cục Cảnh sát) kết luận dấu tròn được đóng khống chỉ. Do văn bản hoãn thời gian trả nợ được đóng dấu khống chỉ nên chiếu theo quy định tại Tiểu mục 2.2, Mục III Thông tư liên tịch số 07/2002/TTLT-BCA-BTCCBCP và Điểm d Khoản 2 Điều 25 Nghị định 110/2004/NĐ-CP thì văn bản hoãn thời gian trả nợ không có giá trị pháp lý.

ESACO cho rằng văn bản khất nợ là ngụy tạo nên đề nghị chuyển văn bản này sang cơ quan điều tra. Tuy nhiên tòa huyện Bảo Thắng cho rằng không có căn cứ giả mạo chứng cứ có dấu hiệu tội phạm nên tòa án không chuyển.

Phía Công ty Bao Bì cũng không xuất trình được tài liệu chứng minh nguồn gốc, cách thức Công ty Bao Bì đã nhận được văn bản xin hoãn thời gian trả nợ. Đại diện Công ty Bao Bì cho biết khi tiếp nhận tài liệu, sổ sách từ người tiền nhiệm thì đã thấy văn bản khất nợ và không nhớ văn bản này được chuyển đến bằng con đường nào. Trong khi đó, người đại diện pháp luật, giám đốc điều hành của Công ty Bao Bì (giai đoạn từ năm 2006 đến tháng 4.2010) là ông Đỗ Văn Phúc lại khai rằng chưa từng nhận được văn bản này.

Mặt khác, Điều 4 Hợp đồng số 66 quy định: “Mọi thay đổi phải được thông báo bằng văn bản và được sự thống nhất của hai bên sẽ bổ sung vào hợp đồng mới có giá trị thực hiện”. Như vậy, theo các quy định của hợp đồng, nếu ESACO xin hoãn thời gian trả nợ thì phía Công ty Bao Bì phải quyết định có đồng ý hay không, trường hợp đồng ý thì các bên phải ký phụ lục để sửa đổi điều khoản thanh toán quy định tại Điều 2 của Hợp đồng số 66. Tuy nhiên, trên thực tế là hoàn toàn không có bất kỳ phụ lục nào sửa đổi.

Sao y bản chính không được công nhận?

Một trong những nội dung rất quan trọng của vụ án này là Biên bản thanh lý Hợp đồng kinh tế số 66, Phiếu thu ngày 25.11.2008, Giấy xác nhận thanh toán tiền hàng. Trong đó, đặc biệt là Biên bản thanh lý hợp đồng 66. Tòa án nhất định yêu cầu cung cấp bản gốc trong khi những tài liệu nêu trên đã được sao y chứng thực tại Phòng tư pháp thuộc UBND Quận 3 TP.HCM.

Hơn nữa, Phòng Tư pháp thuộc UBND Quận 3 TP. HCM cũng đã gửi Công văn số 120/TP ngày 18.4.2018 để xác nhận việc ESACO sao y chứng thực các tài liệu nêu trên là hoàn toàn hợp pháp. Như vậy, không lý gì Phòng Tư pháp Quận 3 lại công chứng một tài liệu không có thật, hoặc giả mạo?

Căn cứ Khoản 1 Điều 95 BLTTDS 2015, tài liệu đọc được nội dung được coi là chứng cứ nếu là bản chính hoặc bản sao có công chứng, chứng thực hợp pháp hoặc do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền cung cấp, xác nhận. Do đó, phía ESACO cho rằng tài liệu này hoàn toàn hợp pháp mà không cần thiết phải nộp bản gốc

Bên cạnh đó, anh Phan Đức Thắng có lời khai rằng anh Bùi Đức Đoàn (từng là nhân viên Công ty Bao Bì) có bán cho ông Trần Việt Dũng các chứng từ gốc liên quan đến việc thanh toán cho Công ty Bao Bì, sau đó do 2 bên không thỏa thuận được với nhau nên ông Đoàn đã yêu cầu ông Dũng trả lại các hợp đồng này. Đây là nội dung quan trọng, ông Đoàn phủ nhận việc này nhưng tòa án đã không triệu tập ông Bùi Đức Đoàn, hay chuyển đến cơ quan điều tra hình sự nội dung này để điều tra, làm rõ vụ việc. Phiên tòa này cũng vắng mặt rất nhiều nhân chứng và người có liên quan.

Liên quan đến số tiền 5 tỉ đồng tạm ứng của hợp đồng số 50, tòa cho rằng 2 bên đã thanh lý hợp đồng và ESACO nhận đủ 5 tỉ đồng theo phiếu thu ngày 28.10.2008 và tại thời điểm thanh lý hợp đồng số 50 thì hợp đồng số 66 chưa phát sinh công nợ, nên số tiền này không liên quan đến hợp đồng 66.

Phản đối điều này, ESACO Lào Cai cho biết, 2 công ty ký hợp đồng số 50 vào ngày 15.9.2008, trong đó ESACO Lào Cai đã ứng trước 5 tỉ đồng cho Công ty Bao Bì. Tuy nhiên, hợp đồng này đã không được thực hiện nên Công ty Bao Bì đã trả lại cho ESACO 4 tỉ đồng, còn lại 1 tỉ đồng được xác định đối trừ vào số nợ của hợp đồng 66. Điều đó được thể hiện bằng Phiếu nộp tiền mua thùng phuy cho hợp đồng 66 và Giấy xác nhận thanh toán (đều được lập ngày 25.11.2008) có chữ ký của người đại diện và đóng dấu Công ty Bao Bì.

Công ty Bao Bì thì cho rằng đã trả lại toàn bộ 5 tỉ đồng cho ESACO theo phiếu thu ngày 28.10.2008. Tuy nhiên, phiếu thu này không số, không thể hiện người lập phiếu, thủ quỹ, kế toán là ai mà chỉ có ông Trần Việt Dũng ký tên, đóng dấu. Ông Dũng cho rằng mình không biết về phiếu thu này. Còn chị Nguyễn Thị Tuyến, nhân viên ESACO cho biết chị là người trực tiếp nhận 4 tỉ đồng từ bà Đặng Minh Phương và ông Phạm Văn Mạnh (Ban quản lý dự án phốt pho vàng).

Tranh chấp đòi tài sản hay hợp đồng mua bán hàng hóa?

Một điểm mới là TAND huyện Bảo Thắng xác định đây là tranh chấp về đòi tài sản, do đó không áp dụng thời hiệu. Việc này được cho là không đúng bản chất vụ án và tạo nên sự thay đổi về thời hiệu khởi kiện. Nếu theo tên gọi cũ là tranh chấp hợp đồng mua bán thì thời hiệu khởi kiện đã hết.

Theo luật sư Trần Thái Dương (Đoàn LS TP.HCM), TAND huyện Bảo Thắng chuyển từ “Tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa” sang “Tranh chấp về đòi lại tài sản” và áp dụng Nghị quyết 03/2012/NQ-HĐTP là không phù hợp với các quy định của pháp luật hiện hành về tố tụng dân sự

Theo ông Dương, Khoản 1 Điều 5 BLTTDS 2015 quy định: “Đương sự có quyền quyết định việc khởi kiện, yêu cầu Tòa án có thẩm quyền giải quyết vụ việc dân sự. Tòa án chỉ thụ lý giải quyết vụ việc dân sự khi có đơn khởi kiện, đơn yêu cầu của đương sự và chỉ giải quyết trong phạm vi đơn khởi kiện, đơn yêu cầu đó”.

Trong khi đó, đơn khởi kiện của Công ty Bao Bì yêu cầu ESACO trả cả tiền nợ gốc và tiền lãi. Như vậy, có thể thấy rất rõ rằng yêu cầu khởi kiện của Công ty Bao Bì đã xác định rõ tranh chấp giữa các bên là tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa giữa 2 pháp nhân, do kiện đòi tài sản không bao giờ có yêu cầu tính lãi.

Vì lẽ đó, ông Dương cho rằng việc TAND huyện Bảo Thắng xác định tranh chấp giữa ESACO với Công ty Bao Bì là tranh chấp “đòi lại tài sản” là không phù hợp với phạm vi đơn khởi kiện của Công ty Bao Bì Khoản 1 Điều 5 BLTTDS 2015 và trái với quy định của Khoản 1 Điều 30 Bộ luật tố tụng dân sự 2015.

Cũng theo luật sư này, việc áp dụng quy định về thời hiệu của Nghị quyết 03/2012/NQ-HĐTP trong trường hợp này là không phù hợp do Nghị quyết 03/2012/NQ-HĐTP đã hết hiệu lực tại thời điểm TAND huyện Bảo Thắng thụ lý giải quyết lại yêu cầu khởi kiện của Công ty Bao Bì.

Hơn nữa, ông Dương cho rằng cho dù Nghị quyết 03 còn hiệu lực áp dụng thì cũng không thể xác định tranh chấp giữa Công ty Bao Bì với ESACO là tranh chấp đòi lại tài sản.

Cụ thể, “tranh chấp về đòi lại tài sản do người khác quản lý, chiếm hữu” được định nghĩa là tranh chấp về tài sản thuộc quyền sở hữu, quyền sử dụng hợp pháp của mình nhưng do người khác quản lý, chiếm hữu tài sản đó.

Tuy nhiên, theo ông Dương, trong trường hợp này, yêu cầu khởi kiện của Công ty Bao Bì là buộc ESACO trả số tiền nợ gốc là 1,01 tỉ đồng và tiền lãi là 2 tỉ đồng thì số tiền này không thể được coi là tài sản của Công ty Bao Bì, vì nó chưa được chuyển giao cho Công ty Bao Bì. Nếu là đòi tài sản, thì Công ty Bao Bì phải đi đòi số thùng phuy nêu trên chứ không phải số tiền hơn 1 tỉ đồng. Do đó, ESACO không chiếm giữ tài sản là tiền nhưng lại bị buộc tuyên phải trả tài sản là điều vô lý.

Lam Thanh

            
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Giá trị kinh tế số của Việt Nam vẫn khiêm tốn, tăng thấp hơn mục tiêu đặt ra
2 giờ trước Nhịp đập khoa học
Giá trị kinh tế số của Việt Nam vẫn còn ở mức khiêm tốn trong khu vực. Trung bình thời kỳ 2020-2023, giá trị gia tăng của kinh tế số chỉ chiếm khoảng 12,5% so với GDP, thấp hơn nhiều so với mục tiêu đặt ra.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bị giả mạo giấy khất nợ: DN kêu oan, tòa loay hoay 6 năm chưa xong án