Các hình thức lừa đảo chủ yếu là qua thư điện tử (email), tin nhắn điện thoại (SMS), cuộc gọi điện thoại, qua trang mạng (website) giả mạo…
Theo Cục Cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng, các hình thức lừa đảo chủ yếu là qua thư điện tử (email), tin nhắn điện thoại (SMS), cuộc gọi điện thoại, trang mạng (website) giả mạo.
Đặc biệt, khi mạng xã hội ngày càng phát triển, kẻ lừa đảo sẽ tận dụng để chiếm quyền điều khiển (hack) tài khoản mạng xã hội như Facebook, Zalo… của người tiêu dùng. Kẻ lừa đảo sẽ đọc những tin nhắn cũ và bắt chước thói quen nhắn tin, xưng hô của người tiêu dùng để thực hiện hành vi lừa đảo, yêu cầu người thân, bạn bè của người tiêu dùng thực hiện các giao dịch tài chính.
Ngoài ra, hình thức lừa đảo qua giao dịch thương mại điện tử cũng được cảnh báo rất rõ khi kẻ xấu mở các trang cá nhân bán hàng online, đặt hàng, sau đó quảng cáo, rao bán các mặt hàng, yêu cầu người tiêu dùng chuyển khoản đặt cọc. Sau khi nhận cọc hay được chuyển khoản trước để đặt mua hàng, bọn chúng sẽ không giao hàng hoặc giao hàng giả, hàng kém chất lượng, rồi thường khóa trang mạng của mình hoặc xóa hẳn để xóa dấu vết, bỏ số điện thoại, và chiếm đoạt tài sản của bị hại.
Trước những hành vi lừa đảo nêu trên, Cục Cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng lưu ý người dân không cung cấp thông tin về các dịch vụ ngân hàng số, gồm tài khoản đăng nhập, mật khẩu, mã xác thực (OTP) hoặc số thẻ tín dụng cho bất kỳ cá nhân, tổ chức nào mà chưa xác định được rõ mối quan hệ.
Không truy cập các link, liên kết trong tin nhắn/email lạ hoặc không rõ nguồn gốc; không thực hiện giao dịch theo yêu cầu của các đối tượng lạ khi nhận được điện thoại, tin nhắn có nội dung liên quan đến giao dịch ngân hàng (truy cập vào link lạ, chuyển tiền qua ngân hàng, nạp thẻ, rút tiền…).
Không cài đặt các ứng dụng chưa được xác thực trên kho ứng dụng, đặc biệt là theo yêu cầu của người lạ; không cho mượn hoặc cho thuê thông tin cá nhân để mở thẻ, tài khoản ngân hàng...
Thay vào đó, người dùng chỉ nên truy cập internet banking của ngân hàng nơi đã mở tài khoản hoặc sử dụng ứng dụng của ngân hàng nơi mở tài khoản để thực hiện các giao dịch. Xác thực thông tin (qua điện thoại di động hoặc trực tiếp) trước khi thực hiện thanh toán/chuyển tiền khi nhận được yêu cầu từ Facebook/Zalo/Messenger từ người thân/bạn bè.
Chủ động khóa tài khoản, thay đổi mật khẩu đăng nhập internet banking, mobile banking; hoặc liên hệ ngay với ngân hàng nơi mở tài khoản theo số đường dây nóng; hoặc đến điểm giao dịch gần nhất yêu cầu tạm khóa dịch vụ thẻ/ngân hàng điện tử nếu đã xảy ra rủi ro mất tiền hoặc trong tình huống nghi ngờ bị lừa đảo…