Ngày 4.11, UBND quận 7, TP.HCM đã báo cáo hoạt động của Trung tâm điều hành kiểm soát dịch COVID-19, phục hồi kinh tế và dịch vụ hành chính công quận 7.

Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên: Muốn an toàn thì phải kiểm soát bằng công nghệ

Tú Viên | 04/11/2021, 19:05

Ngày 4.11, UBND quận 7, TP.HCM đã báo cáo hoạt động của Trung tâm điều hành kiểm soát dịch COVID-19, phục hồi kinh tế và dịch vụ hành chính công quận 7.

Tại đây, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên đánh giá cao những kết quả về mô hình mới, Trung tâm điều hành kiểm soát dịch COVID-19 đã đạt sau 1 tháng vận hành.

Theo ông Nguyễn Văn Nên, trong giai đoạn chuẩn bị trạng thái “bình thường mới”, điều quan trọng là quản lý nguồn lây bệnh để ngăn nguồn lây, nếu chỉ quản lý F0, quản lý điều trị là rất bị động. Bởi khi ca nhiễm tới số lượng lớn thì sẽ quá tải. Trường hợp số ca F0 vượt tầm kiểm soát thì phải sử dụng đến biện pháp hành chính (phong tỏa, cách ly, giãn cách xã hội), sẽ gây ra phản ứng phụ, làm ảnh hưởng đến toàn xã hội.

Từ đó, ông Nên yêu cầu phải tính toán, xây dựng giải pháp quản lý, chủ động ngăn chặn, quản lý nguồn lây từ xa, chứ không chỉ thụ động chờ có ca mắc rồi xử lý. Trong bối cảnh hiện nay, ông Nên kêu gọi, người dân cần chủ động, tự bảo vệ mình, bảo vệ cộng đồng, thay đổi thói quen và cách sống để thích ứng an toàn với dịch COVID-19.

nen1.jpeg
Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên đánh giá cao những kết quả Trung tâm điều hành kiểm soát dịch COVID-19 đã đạt sau 1 tháng vận hành - Ảnh: Việt Dũng/SGGP

Ông Nên phân tích thêm, đối với một đô thị đông dân như TP.HCM càng phải ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin. Điều này sẽ giúp kiểm soát được tốt, mới đảm bảo được sự an toàn trước dịch bệnh.

Về khía cạnh đánh giá cán bộ, Bí thư Nguyễn Văn Nên đánh giá ở khối Đảng hiện nay chưa thực sự sát sao, tính định lượng chưa cao. Với chức năng đánh giá năng lực cán bộ của Trung tâm, ông Nên cho rằng sẽ hỗ trợ đắc lực cho việc đánh giá cán bộ sát thực tế, để bố trí vào các vị trí phù hợp. Đây còn là căn cứ quan trọng đào thải những cán bộ thiếu năng lực, thiếu trách nhiệm.

Nói về công nghệ trong chống dịch, Bí thư Nên nhấn mạnh: “Muốn an toàn thì phải kiểm soát, muốn kiểm soát thì phải bằng công nghệ chứ không thể bằng thủ công được, nhất là TP.HCM với hơn 10 triệu dân thường xuyên sinh sống và vãng lai”.

Bí thư Thành ủy TP.HCM cho biết việc chọn thí điểm Trung tâm chỉ huy chống dịch COVID-19 và khôi phục kinh tế quận 7 là việc chưa có tiền lệ, chưa có bài học nhưng đã cho ra những sản phẩm quan trọng. Ông nhìn nhận và cho rằng ba sản phẩm của Trung tâm điều hành kiểm soát dịch COVID-19, phục hồi kinh tế và dịch vụ hành chính công quận 7 chính là hạt giống cần được nhân rộng.

Bí thư Nguyễn Văn Nên cũng đặt hàng Trung tâm hoàn thiện các tính năng, hỗ trợ chính quyền địa phương ngày càng phục vụ tốt nhất nhu cầu của nhân dân, từ đó cải thiện ngày càng tốt hơn mối quan hệ giữa chính quyền với nhân dân, góp phần củng cố niềm tin của nhân dân.

Đánh giá kết quả 40 ngày thành lập Trung tâm kiểm soát dịch COVID-19, phục hồi kinh tế của quận 7, ông Lê Văn Thành, Phó Chủ tịch UBND quận 7, cho biết hàng ngày quận 7 đã kiểm soát được số ca F0, xác định được địa điểm nguồn lây để khống chế, đưa vào khu cách ly, điều trị, đảm bảo an toàn dịch bệnh đúng với cấp độ dịch là 1.

Trên cơ sở đó quận 7 thí điểm mở cửa sản xuất kinh doanh, cho dịch vụ ăn uống hoạt động trở lại. “Trong 30 ngày của tháng 10.2021, quận 7 đã thu được 470 tỉ, gần như tương đương với nguồn thu của cả quý III”, ông Thành khẳng định và cho biết song song đó quận cũng đảm bảo được an ninh trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn để người dân yên tâm sản xuất, phát triển đời sống.

Trong giai đoạn tới, quận 7 tiếp tục mở rộng phát triển dịch vụ hành chính công với ba trụ cột chính.

Một là phát triển công nghệ để lãnh đạo quản lý công chức, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, đánh giá năng lực cán bộ để phân công phù hợp. Hai là thông qua mối quan hệ giữa công chức và người dân để đánh giá cán bộ, công khai quy trình, hồ sơ để phục vụ dân tốt hơn. Ba là chính quyền phục vụ nhân dân công khai, minh bạch các loại thủ tục hành chính để người dân giám sát, xây dựng chính quyền.

Ông Lê Văn Thành cho biết thêm, ngoài tổng đài 1022 của TP.HCM, trên cơ sở Trung tâm, quận 7 cũng xây dựng thêm một tổng đài riêng, chăm sóc F0 2 chiều. Cụ thể, hàng ngày tổng đài tự động gọi đến các F0 trên địa bàn để nhắc nhở, theo dõi điều trị tại nhà. Song song đó, đối với các trường hợp có triệu chứng nhưng chưa phải là F0, tổng đài cũng tiếp nhận để tư vấn, theo dõi sức khỏe.

Khi tiếp nhận thông tin về F0, tổng đài sẽ tự động gọi đến các đơn vị chức năng. Nếu cấp dưới không nghe máy thì trong vòng 1 phút, tổng đài sẽ tự động gọi đến cấp cao hơn… Các cuộc gọi được tích hợp trong lũy kế lịch sử và đánh giá trách nhiệm của cán bộ khi xảy ra hậu quả. Đây là điểm mới để quy trách nhiệm cán bộ gắn liền với phục vụ người dân

Ngoài ra, tổng đài sẽ tiếp nhận tất cả nguồn tin người dân phản ánh. Thông tin phản ánh thuộc thẩm quyền của bộ phận nào thì chuyển đến bộ phận đó, trong vòng 48 giờ nếu không xử lý thì sẽ báo đến lãnh đạo quận.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Trung ương Đảng đồng ý cho ông Vương Đình Huệ thôi các chức vụ
2 giờ trước Theo dòng thời sự
Trung ương Đảng đồng ý để ông Vương Đình Huệ thôi giữ các chức vụ: Uỷ viên Bộ Chính trị, Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII, Chủ tịch Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam khoá XV, nhiệm kỳ 2021 - 2026.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên: Muốn an toàn thì phải kiểm soát bằng công nghệ