Việt Nam cần có cơ chế đặc thù để phát triển ngành sản xuất thép trong nước vốn còn đang lạc hậu, gây nguy hại cho môi trường.

Bộ Công Thương đề nghị có cơ chế đặc thù cho ngành sản xuất thép 'lạc hậu'

Tuyết Nhung | 10/05/2022, 16:32

Việt Nam cần có cơ chế đặc thù để phát triển ngành sản xuất thép trong nước vốn còn đang lạc hậu, gây nguy hại cho môi trường.

Còn lạc hậu, gây nguy cơ về môi trường

Bộ Công Thương vừa có báo cáo đề xuất xây dựng "Chiến lược phát triển ngành thép Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050". Cơ quan này cho rằng cần có chính sách đặc thù để phát triển ngành thép thời gian tới.

Về năng lực cạnh tranh của ngành thép, Bộ Công Thương cho biết, trong những năm gần đây, ngành thép đã có sự phát triển mạnh mẽ về năng lực cũng như công nghệ. Một số nhà máy thép có công suất lớn, chất lượng thép cao được đầu tư đi vào hoạt động như: Khu liên hợp Gang thép Hòa Phát Dung Quất, Công ty cổ phần Gang thép Nghi Sơn, Khu liên hợp Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh...

thep-xay-dung-1-20210812001845434.jpg
Sản phẩm của ngành thép Việt Nam

Tính đến năm 2021, năng lực sản xuất phôi thép của các doanh nghiệp trong nước là 27 triệu tấn/năm, trong đó thép cuộn cán nóng (HRC) là 7 - 8 triệu tấn/năm.

Với thép xây dựng, năng lực sản xuất trong nước khoảng 14 triệu tấn, sẽ đảm bảo 100% cho nhu cầu tiêu dùng trong nước cũng như đáp ứng được một phần nhu cầu xuất khẩu. Trong đó, có 42% sản phẩm là được sử dụng từ phế liệu thép nhập khẩu; có 58% sản phẩm từ lò cao, sử dụng nguyên liệu quặng sắt. Đối với thép phục vụ ngành cơ khí - chế tạo, Việt Nam cũng đã sản xuất và đáp ứng được một phần thép cuộn cán nóng HRC (khoảng 8 triệu tấn/năm). Còn đối với các loại thép hợp kim, Việt Nam chưa sản xuất được các loại thép đặc biệt.

Tuy nhiên, bên cạnh các nhà máy xây dựng mới với công suất lớn như Khu liên hợp Gang thép Hòa Phát Dung Quất, Khu liên hợp Gang thép Hưng Nghiệp Formosa, thép Nghi Sơn... thì các nhà máy sản xuất phôi thép còn lại chủ yếu có công suất nhỏ, thiết bị lạc hậu, năng lực sản xuất thép còn nhiều hạn chế. Các sản phẩm thép sản xuất trong nước chưa thể cung cấp đủ nhu cầu thép cho toàn bộ nền kinh tế.

"Năng lực cạnh tranh của ngành thép Việt Nam là khá thấp khi phần lớn các nguyên liệu đầu vào để sản xuất thép phải nhập khẩu. Bên cạnh đó, vẫn tồn tại nhà máy có công suất nhỏ, thiết bị lạc hậu, tiêu tốn năng lượng và nguy cơ về môi trường", Bộ Công Thương nhìn nhận.

Ngoài ra, ngành thép của Việt Nam cơ bản phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu nước ngoài như quặng sắt, thép phế liệu, than mỡ luyện cốc, điện cực graphite... nên khi giá nguyên liệu đầu vào biến động sẽ làm giá thép thành phẩm trong nước cũng phải điều chỉnh theo thị trường thế giới.

Bộ Công Thương dự báo, trong năm 2022, Việt Nam phải nhập khẩu nhiều loại nguyên liệu để sản xuất thép như: quặng sắt cho các lò cao khoảng hơn 18 triệu tấn, thép phế khoảng 6 - 6,5 triệu tấn cho các lò điện, than mỡ luyện cốc khoảng 6,5 triệu tấn và điện cực graphite khoảng 10.000 tấn... Giá quặng sắt, thép phế, quặng nguyên liệu thô và than mỡ luyện cốc... vẫn duy trì ở mức cao ảnh hưởng trực tiếp đến các doanh nghiệp sản xuất thép và thị trường thép trong nước.

Đáng chú ý, trong giai đoạn 2016-2021, ngành công nghiệp thép đã có sự phát triển nhanh nhưng mất cân đối giữa phát triển thượng nguồn và hạ nguồn. Các sản phẩm sau thép như tôn mạ kẽm, thép ống tăng trưởng tốt về giá trị sản xuất và xuất khẩu. Trong khi đó, các chủng loại thép hợp kim, đặc biệt là HRC - nguyên liệu đầu vào cần thiết cho nhiều ngành như sản xuất thép cán nguội (CRC), tôn mạ, ống thép, đóng tàu, cơ khí chế tạo có nhu cầu lớn, song năng lực sản xuất trong nước chưa đáp ứng đủ nhu cầu nên dẫn đến tiếp tục phải nhập khẩu với số lượng lớn.

Về lâu dài, để đảm bảo nhu cầu thép cuộn cán nóng HRC và các loại thép hợp kim, thép chất lượng cao trong nước cần tiếp tục thu hút và đầu tư một số nhà máy liên hợp sản xuất thép lớn để phục vụ nhu cầu nội địa, giảm dần sự phụ thuộc vào thép nhập khẩu.

Chưa có chính sách đặc thù

Bộ Công Thương cho biết ngành thép có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc phát triển nền kinh tế theo định hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa; là ngành công nghiệp nền tảng, vật liệu đầu vào cho các ngành kinh tế quan trọng như cơ khí chế tạo, công nghiệp hỗ trợ... Mặt khác, phát triển công nghiệp sản xuất thép lớn mạnh cũng tạo nền tảng vững chắc và phát triển thị trường cho các ngành chế biến chế tạo, xây dựng, cơ khí... góp phần tạo nguồn cung ứng ổn định và nâng cao năng suất, hiệu quả hoạt động của các ngành công nghiệp.

Với mức tiêu thụ thép trên bình quân đầu người của Việt Nam (khoảng 240kg/người/năm) còn rất thấp so với các nước trong khu vực như Malaysia, Trung Quốc, dư địa và tiềm năng phát triển của ngành thép Việt Nam trong thời gian tới là rất lớn. Mặc dù ngành thép có vai trò đặc biệt quan trọng trong quá trình phát triển theo định hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa nhưng Bộ Công Thương cho rằng, tại thời điểm hiện tại, Việt Nam chưa có chính sách đặc thù, riêng biệt để thúc đẩy, cũng như định hướng để phát triển ngành thép.

"Tự chủ về sản xuất thép trong nước là yêu cầu tất yếu của việc tự chủ nguồn nguyên vật liệu phục vụ sản xuất, tiêu dùng của người dân, cũng như quá trình đô thị hóa, hiện đại hóa cơ sở vật chất quốc gia. Do đó, để ngành thép phát triển bền vững và ổn định, Nhà nước cần phải xây dựng chính sách đủ mạnh để thúc đẩy sự phát triển của các ngành công nghiệp thép tạo nền tảng cơ bản cho công nghiệp hóa theo hướng hiện đại và bền vững", Bộ Công Thương nêu rõ.

Để đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, Việt Nam cần có các định hướng chính sách để phát triển mạnh ngành luyện kim, vật liệu, đặc biệt là các loại thép chế biến chế tạo.

Theo đó, Bộ Công Thương đề xuất với chủng loại HRC, trong giai đoạn tới cần phát triển đầu tư thêm các dự án sản xuất lớn. Đây là loại thép chiến tỷ trọng lớn trong ngành chế biến chế tạo.

Với thép hợp kim và thép đặc biệt phục vụ ngành cơ khí, Việt Nam cần xây dựng các tổ hợp luyện kim có quy mô lớn trong đó tập trung vào sản xuất các loại thép chế biến chế tạo có trình độ công nghệ có dung lượng thị trường lớn để bước đầu làm chủ công nghệ sản xuất các loại thép chế biến chế tạo cơ bản.

Nhà nước cần có các chính sách ưu đãi về đất đai, hạ tầng, về khoa học công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực để khuyến khích, thúc đẩy các dự án thép phát triển nhằm hình thành phát triển mạnh ngành luyện kim.

Theo dự báo sơ bộ, tổng nhu cầu thị trường các ngành chế tạo của Việt Nam giai đoạn đến năm 2030 có thể đạt tới 310 tỉ USD. Trong đó, nhu cầu thị trường từ cơ khí phục vụ công trình công nghiệp là 120 tỉ USD; cơ khí phục vụ xây dựng, nông nghiệp, chế biến là 15 tỉ USD; thiết bị tiêu chuẩn là 10 tỉ USD; giao thông đường sắt là 35 tỉ USD; tàu điện ngầm là 10 tỉ USD và ô tô là 120 tỉ USD.

Dư địa phát triển của thị trường thép trong nước còn rất lớn thời gian tới, đặc biệt là các loại thép chế tạo, thép hợp kim chất lượng cao phục vụ các ngành công nghiệp chế tạo, vốn là phân khúc hiện nay Việt Nam chưa tự chủ được trong sản xuất thép nội địa.

Bài liên quan
Vì sao thép Việt Nam hay bị các nước kiện?
Mặt hàng thép Việt Nam liên tục dính vào các vụ kiện phòng vệ thương mại khi ngày càng tham gia sâu vào thị trường quốc tế.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Mục tiêu chống 'vàng hóa' đã thành công, nên bỏ độc quyền vàng miếng SJC
Các chuyên gia khẳng định mục tiêu chống "vàng hóa" đã thành công, họ đề xuất bỏ quy định nhà nước độc quyền vàng miếng SJC.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bộ Công Thương đề nghị có cơ chế đặc thù cho ngành sản xuất thép 'lạc hậu'