Trả lời báo chí về những vấn đề liên quan đến kỳ thi THPT quốc gia 2018, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết, Bộ xin chịu trách nhiệm với những thiếu sót vừa qua của kỳ thi.
Tạibuổi trao đổi với các chuyên gia giáo dục hàng đầu trong nước về các vấn đề nóng của giáo dục trong thời gian vừa qua. Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ trả lời các câu hỏi của chính Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cùng các chuyên gia giáo dục về các vấn đề như: chất lượng kỳ thi THPT, phương pháp tổ chức thi, gian lận thi cử diễn ra tại Hà Giang, Sơn La... cũng như phương hướng tổ chức kỳ thi THPT trong các năm tiếp theo.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho rằng đề thi năm 2018 thật sự khó so với năng lực chung của thí sinh. Bên cạnh đấy, phần mềm chấm thi trắc nghiệm còn bộc lộ nhiều điểm yếu. quy trình chấm thi giao cho địa phương tuy có giám sát nhưng vẫn có thể gian lận, vẫn còn là yếu kém của kỳ thi THPT Quốc gia 2018.
Bộ trưởng cho biết, việc cần làm hiện tại để đảm bảo chất lượng và công bằng ở kỳ thi năm tới là cần xây dựng ngân hàng đề thi trắc nghiệm theo chuẩn, đúng quy trình và đảm bảo bám sát yêu cầu của kỳ thi là chủ yếu xét tốt nghiệp THPT. Thực hiện việc phản biện đề thi chất lượng hơn, trong đó phải có nhóm độc lập giải thử đề thi nhằm đánh giá mức độ của đề thi có phù hợp với thời gian thi hay không.
Rút kinh nghiệm sau vụ gian lận điểm thi ở Hà Giang, Sơn La, nhiều ý kiến cho rằng, quan trọng nhất vẫn là yếu tố con người. Do vậy, cần phải quy rõ ràng cho cá nhân, địa phương tổ chức, giám sát. Cụ thể, người chịu trách nhiệm cao nhất nên là Trưởng ban Chỉ đạo thi của địa phương – tức Phó Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố, chứ không chỉ của Sở GD-ĐT.
Liên quan đến đề xuất giao cho trường đại học chủ trì việc coi thi và chấm thi, GS. Nguyễn Minh Thuyết không đồng tình. Ông giải thích,đây không phải kỳ thi tuyển sinh đại học, do đó không thể giao cho các trường đại học được, mà phải giao cho các tỉnh. Nhưng cần phải rà soát lại quy chế thi và các yếu tố kỹ thuật.
Về bài thi trắc nghiệm, nhiều chuyên gia giáo dục cũng có ý kiến bài thi này cũng cần được làm và rọc phách. Cùng với đó, sau khi thí sinh thi xong thì tiến hành niêm phong và đưa về chấm tập trung do Bộ GD-ĐT giám sát. Tức là Bộ có thể tổ chức làm 3-4 cụm chấm thi ở Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng,…
Những điều Bộ GD-ĐT cần sửa ngay để đảm bảo cho chất lượng và công bằng ở kỳ thi năm tới, thứ nhất là xây dựng ngân hàng đề thi trắc nghiệm theo chuẩn, đúng quy trình và đảm bảo bám sát yêu cầu của kỳ thi là chủ yếu xét tốt nghiệp trung học phổ thông. Bộ sẽ thực hiện việc phản biện đề thi chất lượng hơn, trong đó phải có nhóm độc lập giải thử đề thi để đánh giá mức độ của đề thi có phù hợp với thời gian thi hay không.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại cuộc họp lấy ý kiến các chuyên gia giáo dục để hoàn thiện hơn kỳ thi THPT quốc gia
Thứ hai là tổ chức chấm thi tập trung theo các cụm thi mà những công đoạn quan trọng sẽ do các cán bộ ở trường đại học, học viện thực hiện. Nghiên cứu việc chấm thi môn Ngữ văn cũng theo hình thức này, các tổ chấm thi không biết bài thi của địa phương nào.
Cũng trong cuộc họp chiều 31.7, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo Bộ GD-ĐT cần nghiêm túc rút kinh nghiệm về kỳ thi THPT quốc gia 2018 vừa qua, đặc biệt với các sự cố gian lận điểm thi ở các tỉnh.
"Sự cố này ảnh hưởng đến niềm tin xã hội rất lớn, biện pháp xử lý rốt ráo quyết liệt của hệ thống chính trị, cơ quan chức năng đang đặt ra đối với các bộ, ngành và các địa phương vi phạm. Chính phủ không vì bệnh thành tích mà bỏ qua việc này. Chúng tôi xem xét việc thi PTTH và thi Đại học một cách nghiêm túc để kết luận những vấn đề đặt ra tại phiên họp này rõ ràng, để yên dân", Thủ tướng nêu rõ.
Vì vậy, Thủ tướng yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo có những giải pháp cụ thể trước mắt, đặc biệt giải pháp trung và dài hạn.Thủ tướng đề nghị làm rõ câu chuyện kỳ thi 2 trong 1 trong kỳ thi vừa rồi, có bất hợp lý không và phải thảo luận một cách dân chủ, cởi mở.
Dạ Thảo