Các nhà khoa học Israel cho biết vitamin D có thể là một mảnh ghép trong “câu đố phức tạp” của COVID-19, sau khi một nghiên cứu mới phát hiện ra mối liên hệ giữa sự thiếu hụt vitamin D và mắc bệnh nặng.

Bổ sung đủ vitamin D có giảm nguy cơ mắc COVID-19 nghiêm trọng?

Sơn Vân | 08/02/2022, 19:26

Các nhà khoa học Israel cho biết vitamin D có thể là một mảnh ghép trong “câu đố phức tạp” của COVID-19, sau khi một nghiên cứu mới phát hiện ra mối liên hệ giữa sự thiếu hụt vitamin D và mắc bệnh nặng.

Các nhà khoa học Israel cho biết đã tìm thấy sự khác biệt nổi bật về khả năng mắc bệnh nghiêm trọng do COVID-19 khi so sánh những bệnh nhân có đủ và không đủ lượng vitamin D trước khi nhiễm vi rút SARS-CoV-2.

Một nghiên cứu được công bố trên Tạp chí PLOS One cho thấy khoảng một nửa số người thiếu vitamin D trước khi bệnh COVID-19 trở nặng, so với dưới 10% những người có đủ lượng vitamin D trong máu của họ.

Vitamin D rất quan trọng với sức khỏe của xương, nhưng vai trò của nó trong việc bảo vệ chống lại COVID-19 nghiêm trọng còn ít được biết đến.

Các tác giả nói đây là nghiên cứu đầu tiên kiểm tra nồng độ vitamin D ở những người trước khi họ mắc COVID-19.

Tiến sĩ Amiel Dror, tác giả nghiên cứu và là bác sĩ tại Trung tâm Y tế Galilee (Israel), cho biết về kết quả nghiên cứu: "Chúng tôi thấy rất đáng chú ý và nổi bật khi phát hiện sự khác biệt về khả năng trở thành bệnh nhân nặng khi bạn thiếu vitamin D so với khi đủ vitamin D".

Các phát hiện được công bố từ 253 người được nhận vào Trung tâm Y tế Galilee ở thành phố Nahariya, Israel từ ngày 7.4.2020 đến 4.2.2021, khoảng thời gian trước khi biến thể Omicron xuất hiện.

Tiến sĩ Amiel Dror nói những phát hiện này cho thấy vitamin D giúp tăng cường hệ thống miễn dịch để đối phó với vi rút SARS-CoV-2 tấn công hệ hô hấp.

Điều này cũng phù hợp với Omicron như các biến thể trước đó”, Amiel Dror nói.

bo-sung-du-vitamin-d-co-giam-nguy-co-mac-covid-19-nghiem-trong.jpg
Các nhà khoa học Israel tìm ra mối liên hệ giữa sự thiếu hụt vitamin D và mắc COVID-19 nghiêm trọng - Ảnh: Internet

Nghiên cứu không chứng minh rằng vitamin D bảo vệ chống lại COVID-19 và không phải là lý do để tránh tiêm vắc xin bằng cách uống vitamin D thay thế. Cơ quan An ninh Y tế Vương quốc Anh cho biết vắc xin làm giảm nguy cơ nhập viện do Omicron, đặc biệt là sau khi tiêm mũi tăng cường.

Hầu hết vitamin D đến từ ánh nắng trực tiếp trên da. Vitamin D cũng được tìm thấy trong các loại thực phẩm như cá béo, nấm, lòng đỏ trứng và các thực phẩm chức năng bổ sung.

Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ cho biết nồng độ vitamin D hơn 20 nanogram/ml (ng/ml) được coi là đủ với hầu hết mọi người. Đây là tiêu chuẩn được các nhà nghiên cứu từ Trung tâm Y tế Galilee và Đại học Bar-Ilan (Israel) sử dụng.

Theo nghiên cứu trước khi vi rút SARS-CoV-2 xuất hiện được công bố trên Tạp chí The Lancet, vitamin D làm giảm nguy cơ mắc các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp khác so với các loại giả dược.

Song với COVID-19, những phát hiện ban đầu không nhất quán: Một số nghiên cứu đã tìm thấy mối liên hệ giữa mức vitamin D thấp và COVID-19 nghiêm trọng, trong khi những nghiên cứu khác kết luận rằng vitamin D không có tác dụng bảo vệ trước SARS-CoV-2.

Các nhà nghiên cứu Israel cho biết vẫn chưa rõ ràng rằng lượng vitamin D cạn kiệt xảy ra trước hoặc sau khi người bị bệnh, ngay cả những nghiên cứu đó chỉ ra mối tương quan thuận giữa mức vitamin D thấp và COVID-19 nghiêm trọng.

Bất chấp dữ liệu mới từ Israel, chúng ta vẫn chưa biết chắc liệu mức vitamin D thấp có khiến nhiều người mắc COVID-19 phát triển bệnh nghiêm trọng không. Ví dụ, các bệnh nền làm giảm vitamin D cũng có thể khiến người ta dễ bị tổn thương hơn với COVID-19 nghiêm trọng.

Các nhà nghiên cứu Israel cảnh báo rằng vitamin D là "một phần của câu đố phức tạp" tiềm ẩn về COVID-19 nghiêm trọng, ngoài các bệnh nền, khuynh hướng di truyền, thói quen ăn uống và các yếu tố địa lý.

Họ cho biết: “Nghiên cứu của chúng tôi thúc đẩy các việc điều tra sâu hơn về việc nếu và khi nào bổ sung vitamin D cho những người thiếu vitamin D trong cộng đồng có ảnh hưởng đến kết quả COVID-19 sau cùng hay không”.

Thực hư chuyện ‘uống vitamin D có thể loại bỏ tất cả ca tử vong do COVID-19’?

Cuối tháng 11.2021, bài đăng lan truyền nhanh trên Instagram với nội dung "Mức vitamin D 50 ng/ml tương quan với tỷ lệ tử vong do COVID-19 bằng 0" thu hút sự quan tâm của dân mạng. Thế nhưng, trang PolitiFact khẳng định đây là thông tin sai sự thật.

PolitiFact là trang web vốn được lập ra với mục tiêu đầu tiên là chống tin giả.

Vitamin D đã được coi là thần dược chữa bệnh trong gần 1 thế kỷ qua và liên tục xuất hiện trên báo trong bối cảnh đại dịch. Song, liệu vitamin D có thể cung cấp một phương tiện để chấm dứt hoàn toàn các ca tử vong do COVID-19 không? Đó là những gì hình ảnh trong một bài đăng phổ biến trên Instagram gợi ý: "Mức vitamin D 50 ng/ml tương quan với tỷ lệ tử vong do COVID-19 bằng 0", với mã PMID8541492 được viết bên dưới.

Mã PMID tham chiếu đến một nghiên cứu cụ thể có thể truy cập trên PubMed.gov, cơ sở dữ liệu về nghiên cứu khoa học và sức khỏe đã được xuất bản.

Trong trường hợp này, nghiên cứu được trích dẫn là một phân tích tổng hợp các nghiên cứu trước đó, kiểm tra nghiên cứu và dữ liệu về mức vitamin D ở những bệnh nhân nhập viện với COVID-19.

Đọc kỹ nghiên cứu sẽ thấy tuyên bố này trên Instagram gây hiểu lầm ở chỗ, nó đơn giản hóa quá mức các phát hiện.

Nội dung của bài đăng ban đầu chỉ ra rằng tỷ lệ tử vong do COVID-19 bằng 0 nhờ uống vitamin D chỉ là lý thuyết. Nó sử dụng thuật ngữ ít chắc chắn hơn là "gần bằng 0”.

Vitamin D - chất dinh dưỡng mà chúng ta tiêu thụ và hormone cơ thể sản sinh ra - đóng vai trò quan trọng trong hệ xương và sức khỏe tổng thể của một người.

bo-sung-du-vitamin-d-co-giam-nguy-co-mac-covid-19-nghiem-trong1.jpg
Có thể bổ sung vitamin D cho cơ thể qua thức ăn - Ảnh: Internet

Harvard T.H. Chan School of Public Health viết trên trang web của mình rằng "các nghiên cứu trong phòng thí nghiệm cho thấy vitamin D có thể làm giảm sự phát triển của tế bào ung thư, giúp kiểm soát nhiễm trùng và giảm viêm". Tuy nhiên, nghiên cứu trong đại dịch COVID-19 về tác động của vitamin D đã bị trộn lẫn.

Vào tháng 5.2020, Glenn Grothman, nghị sĩ đảng Cộng hòa từ bang Wisconsin (Mỹ), nói rằng nghiên cứu đã minh họa mối tương quan giữa sự thiếu hụt vitamin D và tỷ lệ tử vong do COVID-19 cao hơn. Trang PolitiFact đã đánh giá điều này là đúng, vì các nghiên cứu ban đầu hỗ trợ tuyên bố đó.

Thế nhưng đến tháng 3.2021, khi xem xét tuyên bố rằng "vitamin D, vitamin C, keo bạc và dầu hạt đen có thể tiêu diệt vi rút SARS-CoV-2", PolitiFact nhận thấy ít hy vọng hơn trong nghiên cứu về vitamin D với COVID-19.

Nghiên cứu gần đây chỉ ra sự hoài nghi ngày càng tăng về hiệu quả của vitamin D với bệnh COVID-19. Một phân tích tổng hợp vào tháng 10.2021 trên Tạp chí Dinh dưỡng cho thấy "sự thiếu hụt vitamin D không liên quan đáng kể đến tính nhạy cảm với mắc COVID-19 hoặc tử vong liên quan đến bệnh này".

Các nhà nghiên cứu tại Đại học Beirut (Mỹ) cũng đi đến phát hiện tương tự trong phân tích tổng hợp được công bố trên Tạp chí Trao đổi chất: Lâm sàng và Thử nghiệm vào tháng 3.2021.

"Không có đủ bằng chứng để khuyến nghị dùng hoặc chống lại việc sử dụng vitamin D để phòng ngừa hoặc điều trị COVID-19", trích nội dung trên trang web Viện Y tế Quốc gia Mỹ - chuyên giải thích những nghiên cứu về COVID-19 và các chất bổ sung khác nhau.

Margherita T. Cantorna, Giáo sư miễn dịch học phân tử tại Đại học Pennsylvania State (Mỹ), đã lặp lại quan điểm này. Bà nói với PolitiFact: “Tôi nghĩ rằng các kết luận được đưa ra và báo cáo qua Instagram là quá sớm, không dựa trên cơ sở khoa học”.

Bà Margherita T. Cantorna nói vẫn chưa biết liệu việc tăng cường vitamin D sẽ giúp ích hay làm tổn hại đến việc chống lại COVID-19.

Dù vậy, các nhà nghiên cứu khác đã đưa ra kết luận đầy hứa hẹn hơn, bao gồm cả Tiến sĩ Michael Holick, Giáo sư y khoa tại Đại học Boston (Mỹ), nhà nghiên cứu vitamin D nổi tiếng và là tác giả cuốn sách Giải pháp Vitamin D.

Ông và các nhà nghiên cứu khác đã công bố một nghiên cứu vào tháng 3.2021 sử dụng kết quả của bệnh nhân COVID-19 tại Trung tâm Y tế Đại học Boston (Mỹ).

Các phát hiện của họ cho thấy mối liên hệ rõ ràng giữa việc cung cấp đủ vitamin D ở mức 30 ng/ml và giảm nguy cơ tử vong ở những bệnh nhân cao tuổi không bị béo phì.

Thế nhưng, Tiến sĩ Michael Holick cho biết bài đăng trên Instagram đã đơn giản hóa những gì nghiên cứu thực sự cho thấy.

Michael Holick nói: “Tôi nghĩ rằng thực tế hơn dựa trên các tài liệu, bao gồm của cả chúng tôi, rằng nồng độ vitamin D trên 40 ng/ml làm giảm nguy cơ mắc COVID-19 và tử vong khoảng 50%". Ông cho biết nghiên cứu của mình cũng đã quan sát thấy khả năng lây nhiễm SARS-CoV-2 giảm khoảng 50% khi mức vitamin D ít nhất là 34 ng/ml.

Lorenz Borsche, một trong những tác giả của nghiên cứu được trích dẫn trong bài đăng trên Instagram, nói ông tin rằng có mối tương quan rõ ràng giữa vitamin D và kết quả COVID-19, nhưng tỷ lệ tử vong bằng 0 là không thể đạt được.

Những cách bổ sung vitamin D đơn giản và an toàn

Thực tế đã cho thấy nguồn vitamin D dồi dào nhất chính là từ ánh sáng mặt trời, song việc tiếp xúc quá lâu dưới nắng có thể gây nguy hiểm cho da hoặc bị say nắng. Để bổ sung vitamin D đúng cách, bạn có thể tham khảo những phương pháp dưới đây:

1. Sử dụng thực phẩm chức năng

Lựa chọn thực phẩm chức năng để bổ sung các loại vitamin là cách nhanh chóng mà nhiều người áp dụng như một phần quan trọng trong quá trình chăm sóc sức khỏe. Hiện nay, các loại thực phẩm chức năng được bày bán trên thị trường để hỗ trợ bổ sung loại vitamin này rất nhiều bao gồm vitamin D2, D3 hoặc hỗn hợp. Trước khi sử dụng, bạn cần phải được kiểm tra, thăm khám của bác sĩ chuyên khoa, từ đó đưa ra phương pháp cũng như sản phẩm phù hợp nhất.

Trước khi sử dụng, bạn cần nói với bác sĩ về sức khỏe cơ thể, các loại bệnh lý đang mắc phải, thuốc đang uống,... để đảm bảo an toàn.

Bạn nên uống thực phẩm bổ sung vitamin D vào buổi sáng, không dùng chung với cà phê, trà hay thực uống có gas, cồn vì sẽ ngăn cản quá trình hấp thu.

2. Tiếp xúc với ánh nắng mặt trời đúng cách

Bạn cần phải tận dụng tối nguồn vitamin D phong phú từ ánh nắng mặt trời nhưng phải lưu ý một số vấn đề sau để bảo vệ da:

Bạn nên chỉ dành khoảng từ 10 - 20 phút để phơi nắng, chỉ nên tiếp xúc với ánh nắng lúc sáng sớm hay gần trưa vì lúc đó ít tia cực tím, 1 tuần có thế tắm từ 2 - 3 lần.

Trước khi tiếp xúc, cần thoa kem chống nắng để bảo vệ da tránh các tác động của tia cực tím.

3. Cung cấp vitamin D qua thức ăn

Dù không thể đáp ứng hết, thực phẩm chứa vitamin D cũng rất cần thiết để giúp cơ thể tổng hợp loại dưỡng chất này mỗi ngày. Những loại thực phẩm là nguồn cung cấp vitamin D mà bạn nên sử dụng trong mỗi bữa ăn như dầu gan cá, trứng, phomai, bơ thực vật, cá hồi, cá trích, cá ngừ, cá thu... Thêm sữa, ngũ cốc để bổ sung hàm lượng vitamin D cũng là cách hiệu quả, vừa an toàn lại tốt cho sức khỏe.

4. Hạn chế các loại thực phẩm chứa caffein

Cafein có thể nói là kẻ thù của vitamin D bởi chất này có thể gây ức chế sự hấp thụ, tác động tiêu cực đến nồng độ canxi trong cơ thể. Vì vậy,  bạn nên hạn chế các sản phẩm bao gồm cà phê, trà,... để giúp cơ thể hấp thụ tốt hơn nguồn vitamin D khi được bổ sung.

Những cách bổ sung vitamin D trên chỉ mang tính chất tham khảo và hỗ trợ. Biện pháp tốt nhất vẫn là đến bác sĩ chuyên khoa để được thăm khám tình trạng cơ thể, từ đó đưa ra hướng bổ sung phù hợp và an toàn nhất.

Bài liên quan
Thử nghiệm thuốc nhỏ mũi vitamin A chữa chứng mất khứu giác do COVID-19
Mất khứu giác là một trong những triệu chứng chính của COVID-19 cùng với mất vị giác, ho dai dẳng và nhiệt độ cao.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Giá trị kinh tế số của Việt Nam vẫn khiêm tốn, tăng thấp hơn mục tiêu đặt ra
2 giờ trước Nhịp đập khoa học
Giá trị kinh tế số của Việt Nam vẫn còn ở mức khiêm tốn trong khu vực. Trung bình thời kỳ 2020-2023, giá trị gia tăng của kinh tế số chỉ chiếm khoảng 12,5% so với GDP, thấp hơn nhiều so với mục tiêu đặt ra.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bổ sung đủ vitamin D có giảm nguy cơ mắc COVID-19 nghiêm trọng?