Bộ Y tế cho biết vào mùa nắng nóng, người dân có thể gặp phải một số vấn đề sức khỏe thường gặp như say nắng, say nóng hoặc đột quỵ do nóng.

Bộ Y tế cảnh báo nguy cơ đột quỵ, say nắng tăng cao khi trời nắng nóng kéo dài

Dạ Thảo - Ảnh: TTX | 19/05/2023, 21:57

Bộ Y tế cho biết vào mùa nắng nóng, người dân có thể gặp phải một số vấn đề sức khỏe thường gặp như say nắng, say nóng hoặc đột quỵ do nóng.

Theo dự báo của Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, năm 2023 do ảnh hưởng của hiện tượng El Nino nên nắng nóng, hạn hán, thiếu nước nghiêm trọng sẽ xảy ra. Chính vì thế Bộ Y tế đã ban hành công văn gửi Sở Y tế các tỉnh thành để tuyên truyền việc phòng chống khô hạn, đồng thời chăm sóc sức khỏe người dân mùa nắng. 

Theo Bộ Y tế, vào mùa nắng nóng có thể gặp phải một số vấn đề sức khỏe thường gặp là: Say nắng, say nóng hoặc đột quỵ do nóng. Nguyên nhân chủ yếu là do phải tiếp xúc quá lâu hoặc làm việc trong môi trường nắng nóng, nhiệt độ cao hoặc cũng có thể do thay đổi nhiệt độ môi trường đột ngột. Một số đối tượng có nguy cơ cao gồm: Người già, trẻ nhỏ và phụ nữ có thai; Những người làm việc, luyện tập với cường độ cao ở ngoài trời nắng lâu hoặc trong môi trường nóng bức: Người lao động nông nghiệp, công nhân làm việc ở các lò gạch, lò luyện gang thép...; Những người mắc các bệnh mạn tính: tăng huyết áp, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, hen phế quản, đái tháo đường.

nang-nong(1).jpg
Người tham gia giao thông che chắn kín mít dưới cái nắng đổ lửa

Biểu hiện của các vấn đề sức khỏe thường gặp trong mùa nắng nóng phụ thuộc vào thời gian tiếp xúc với nắng nóng, mức độ tăng thân nhiệt của cơ thể. Ở mức độ nhẹ, người bệnh mệt mỏi, khát nước, hoa mắt, chóng mặt, tăng nhịp tim, tăng nhịp thở, hồi hộp đánh trống ngực, chuột rút. Ở mức độ nặng, bệnh nhân đau đầu dữ dội, khó thở tăng dần, cảm giác buồn nôn hoặc nôn, yếu hoặc liệt nửa người, co giật, ngất xỉu hoặc hôn mê, trụy tim mạch (tim đập nhanh, huyết áp tụt,…) và có thể tử vong.

Do trời nắng nóng tăng cao và kéo dài, người dân cần hạn chế đi ra ngoài trời nắng trong những ngày nắng nóng, đặc biệt trong khoảng thời gian từ 10-16 giờ. Những người đang ở trong phòng điều hòa nhiệt độ thấp không nên đi ra ngoài trời nắng đột ngột mà cần phải có một khoảng thời gian để cơ thể thích nghi với môi trường bên ngoài. Bạn nên tăng nhiệt độ điều hòa trong phòng hoặc ngồi nghỉ trong bóng mát trước khi đi ra ngoài trời. Hãy mặc quần áo sáng màu, thoáng mát, thấm mồ hôi. Bên cạnh đó, tăng cường ăn các loại rau xanh và hoa quả, bạn nên có món canh trong bữa ăn hàng ngày. Đặc biệt, người dân cần uống tối thiếu 1,5-2 lít nước/ngày. Bạn nên uống thành nhiều lần trong ngày, không nên uống quá nhiều nước trong một lần.

Rèn luyện thân thể để nâng cao sức đề kháng và sức chống chịu của bản thân với điều kiện thời tiết nắng nóng cũng là một biện pháp dự phòng cần chú ý.

Theo sự ghi nhận thực tế ngoài trời, tại Hà Nội, khi đứng dưới bóng râm, nhiệt kế đo được lúc 11 giờ đã lên 41°C, còn nhiệt độ đo được trên bề mặt đường bê tông là tới 47°C. Thời tiết nắng nóng khắc nghiệt khiến người dân hạn chế ra đường và chỉ đi ra ngoài khi có việc bắt buộc. Mũ nón, áo chống nắng, kính râm... là những vật dụng chống nắng không thể thiếu để bảo vệ sức khỏe.

Đối với những người phải làm việc trong thời tiết nắng nóng, Bộ Y tế cũng khuyến cáo:

- Bố trí thời gian làm việc vào những lúc trời mát mẻ như vào sáng sớm hoặc chiều muộn. Hạn chế thời gian làm việc trong môi trường nhiệt độ cao. Nếu bắt buộc phải làm việc, bạn không nên làm việc quá lâu trong môi trường nóng bức, tránh các hoạt động thể lực quá sức. Bạn nên định kỳ sau khoảng 45 phút đến một giờ làm việc thì nghỉ ngơi ở nơi thoáng mát trong khoảng thời gian từ 15-20 phút.

- Hạn chế diện tích tiếp xúc của ánh nắng lên cơ thể, đặc biệt là vùng vai gáy. Sử dụng phương tiện bảo hộ cá nhân phù hợp khi làm việc ngoài trời nắng như quần áo bảo hộ lao động, mũ, nón, kính. Mặc quần áo rộng, thoáng mát và thấm mồ hôi. Bạn có thể sử dụng thêm các loại kem chống nắng.

- Không sử dụng các loại đồ uống có cồn. Hãy uống nước đều đặn trong suốt thời gian làm việc. Đặc biệt, người dân cần uống thêm các loại nước có bổ sung thêm muối và khoáng chất như Oresol đối với những người bị mất nhiều mồ hôi trong quá trình làm việc, khi uống nước cần tuân thủ hướng dẫn của nhà sản xuất.

Hãy thực hiện các biện pháp làm thoáng mát nơi làm việc như sử dụng mái che, các tấm phản chiếu nhiệt, vật liệu cách nhiệt, hệ thống phun nước, phun sương, lắp đặt hệ thống điều hòa, hệ thống quạt thông gió phù hợp.

Bài liên quan
Bộ Y tế lên tiếng về phương pháp định giá khám, chữa bệnh theo Thông tư 21
Theo Thông tư 21, các cơ sở khám, chữa bệnh xây dựng hồ sơ phương án giá theo phương pháp chi phí giữ nguyên cơ cấu giá và định mức đã ban hành, chỉ điều chỉnh yếu tố mức lương cơ sở từ 1,8 triệu đồng lên 2,34 triệu đồng.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Sau sắp xếp bộ máy tổ chức, TP.HCM giảm 129 đầu mối
1 giờ trước Theo dòng thời sự
Ngày 22.11, Thành ủy TP.HCM tổ chức hội thảo “Tiếp tục xây dựng hệ thống chính trị tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo của các cấp ủy, quản lý của chính quyền; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng nhiệm vụ trong tình hình mới”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bộ Y tế cảnh báo nguy cơ đột quỵ, say nắng tăng cao khi trời nắng nóng kéo dài